Những ngày qua, vụ việc bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, TP.Hà Nội trao nhầm con cho gia đình anh Phùng Giang S. (ở xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) và gia đình chị Vũ Thị H. (ở xã Phú Sơn, Ba Vì) vẫn rầm rộ trên các mặt báo. Mặc dù nhiều tháng trời đã trôi qua kể từ khi sự việc được phát giác, tuy nhiên các gia đình vẫn chưa tìm được cách giải quyết. Sự việc ngày càng trở nên phức tạp khi hai bên bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn thay vì tìm được tiếng nói chung.
Mặc dù phía bệnh viện đã nhận trách nhiệm và cố gắng tìm hướng khắc phục, bản thân nữ hộ sinh cũng đã xin lỗi và bị bệnh viện xử lý không đảm nhận công việc liên quan. Tuy nhiên, qua sự việc lần này cần sự quán triệt nghiêm túc hơn nữa cho bệnh viện Đa khoa Ba Vì nói riêng và toàn hệ thống y khoa của nước ta nói chung để những trường hợp đau lòng tương tự không còn tái diễn.
Trong sự việc này, dù là sơ suất không ai mong muốn nhưng nó đã gây ra những hệ lụy rất lớn. Câu chuyện không đơn giản chỉ dừng lại ở việc trao – nhận. Cụ thể, một trong hai gia đình vì chính đứa con mà mâu thuẫn, lục đục, nghi ngờ lẫn nhau, thậm chí ly tan. Sự mất mát, hụt hẫng, tổn thương… là hiện hữu. Chỉ có một thứ mà tôi chắc rằng cả hai gia đình không muốn để mất đó là tình yêu thương dành cho đứa bé mà suốt 6 năm qua họ chăm bẵm, bế bồng.
Là một người mẹ, tôi hiểu phần nào nỗi đau mà những người trong cuộc đang phải trải qua. Nhưng con trẻ không có tội, chúng ta đã cho các con tình yêu thương bao năm qua, đừng vội dứt bỏ. Thay vì vội vã giành giật các con trở về đúng với nơi cần trở về, những người làm cha làm mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con, để hiểu rằng, cái các con cần ngay lúc này chính là thời gian thích nghi và tình yêu thương từ hai bên gia đình. Hãy cho các con hiểu rằng, người sinh thành hay nuôi dưỡng cũng đều là cha là mẹ chúng.
Bởi thử nghĩ, nếu như được trở về đúng với gia đình của mình rồi, liệu các con có hạnh phúc hay khủng hoảng? 6 năm là quãng thời gian quá dài đối với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Trong mắt các con, thế giới duy nhất chỉ có mẹ, có ba, có ông bà là những người thân yêu gần gũi luôn bên các con bao năm qua, nay bắt các con sống với những người xa lạ thì thử hỏi liệu các con có dễ dàng đón nhận?
Từ lời nói tận đáy lòng của chị H. khi mong muốn “có một thủ tục pháp lý cho phép hai bên gia đình thăm hỏi con bình thường” là hoàn toàn chính đáng và là việc làm thiết thực mà các gia đình nên làm ngay lúc này. Chúng ta đừng vì ích kỷ cá nhân mà đánh mất đi sự tốt đẹp vốn có của nó. Đừng giết chết tuổi thơ của các con, đừng tước đi quyền thiêng liêng mà các con đáng được trân trọng. Các con cũng có cảm xúc, cũng có trái tim, hãy để các con cảm nhận, đâu mới thực sự là gia đình, khi nào mới thực sự là nơi chúng muốn trở về.
Dường như, mỗi con người đều có một số phận, thay vì oán trách nghịch cảnh, chúng ta hãy chấp nhận thực tại và thay đổi cách nghĩ để mọi việc giải quyết theo chiều hướng tích cực hơn. Tôi đã từng nghe được đâu đó rằng “mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời đều là do duyên – nợ, không có đúng sai”.
Vì vậy, thiết nghĩ, thay vì bắt ép con trẻ ngay lập tức trở về nơi chúng cần về hãy thư thả để cho chúng được yên bình như tuổi thơ chúng muốn. Quan trọng hơn hết, hãy để chúng được sống trong tình yêu thương, được quyền lựa chọn, được bao bọc bằng sự bao dung của những người làm cha làm mẹ dù không sinh ra nhưng nặng nghĩa dưỡng dục, chăm bẵm, bế bồng. Đó là điều quý giá hơn hết để các con được trưởng thành.
Xem thêm >>> Chuyên gia tâm lý "hiến kế" để 2 trẻ bị trao nhầm không tổn thương khi về với gia đình