Đúng là chuyện gì cũng có thể xảy ra, dù là chuyện "chắc như đinh đóng cột" rằng “nhất định cháu bà ngoại”.
Cớ sự là mới đây, dư luận xã hội xôn xao trước thông tin hai gia đình ở Ba Vì (Hà Nội) bị nuôi nhầm con 6 năm nay. Nhiều người cảm thông cho những đứa trẻ tội nghiệp phải gánh chịu hệ quả từ sự thiếu trách nhiệm của người lớn.
Cũng chung quan điểm đó nhưng tôi lại nhìn sâu hơn vào sự tréo ngoe, thậm chí bất hạnh của chị H..
Vợ chồng chị nhiều lần cãi vã, mâu thuẫn tới mức đã ra tòa đôi người đôi ngả chỉ vì con không giống “bố”. Anh chị thậm chí đi xét nghiệm ADN nhưng thiếu sót thay lại chỉ xét nghiệm quan hệ huyết thống bố-con mà không xét nghiệm quan hệ… mẹ-con!
Tôi hiểu được phần nào lý do của sự sơ suất ấy. Ở vùng quê còn nhiều khó khăn như Ba Vì, riêng chuyện lo cái ăn, cái mặc rồi chuyện học hành của con cái đã đủ khiến họ gầy mòn, nên việc lo chi phí để xét nghiệm là một khoản tiền không hề nhỏ. Cũng bởi vậy nên họ dùng phương pháp loại trừ.
Cũng vì phương pháp loại trừ ấy, họ quyết định chỉ xét nghiệm quan hệ bố-con. “Con có thể không phải của bố, nhưng nhất định là cháu bà ngoại”. Mọi người vẫn nghĩ vậy, đâu riêng gì anh Ph..
Thế nhưng, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Và chuyện xảy ra theo cái cách không ai có thể ngờ tới để rồi “con có thể không phải của bố” nhưng cũng “không phải cháu bà ngoại”.
Giờ đây, sau 6 năm, dù không chung huyết thống nhưng tình cảm dựng xây bấy lâu khiến cả bọn trẻ và người lớn rơi vào sự khó xử, bỡ ngỡ. Nhưng tôi tin và hy vọng rằng những bỡ ngỡ của con trẻ sẽ dần vơi đi để rồi chúng được trở về với gia đình nhỏ thật sự của mình.
Người ta vẫn bảo thời gian là liều thuốc tốt nhất cho mọi nỗi đau. Nhưng xin được quay ngược thời gian để không ai phải chịu nỗi đau ấy.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.