"Quả bom" Việt Á khiến dư luận không khỏi sửng sốt, khi số lượng cán bộ công chức, lãnh đạo có liên quan bị bắt ngày càng nhiều. Mới đây nhất việc xử lý kỷ luật, bắt tạm giam Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội một lần nữa khiến ngành y chao đảo.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để cán bộ, nhất là lớp cán bộ trẻ đủ bản lĩnh, không sa vào những cám dỗ từ những “vali triệu đô” và để cán bộ tận tâm, tận tụy hết mình vì công việc. Về vấn đề này, ĐBQH Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ, góc nhìn cá nhân với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội sáng 15/6.
Lãnh đạo là phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu
NĐT: Thưa ông, từ vụ Việt Á, tại thời điểm này, hầu hết cơ sở y tế khám chữa bệnh không dám mua sắm trang thiết bị, đấu thầu mặc dù hiện nay trang thiết bị y tế đang rất thiếu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này cũng không đề cập đến. Vậy đây có phải là điều cần phải bổ sung thêm?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Vấn đề đầu tư trang thiết bị bị ràng buộc bởi nhiều luật khác như: Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Tài sản công… không phải chỉ riêng Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà giải quyết được hết.
Ở đây, phải tháo gỡ bằng cách đánh giá nguyên nhân tại sao có thực trạng như vậy, để hoàn thiện ngay hệ thống pháp lý, thể chế. Bởi, ngành y là ngành đặc thù, liên quan đến sinh mạng, sức khỏe của nhân dân nên việc hoàn thiện hệ thống pháp lý trong xã hội hóa cần phải làm ngay.
Tôi còn nghe câu chuyện hiện nay những máy móc đầu tư rất lớn, nhưng lại trở thành tang vật của vụ án và đang “đắp chiếu” để đấy. Trong khi đó, người bệnh rất cần tiếp cận những thiết bị, công nghệ hiện đại. Nên nếu không khắc phục được sớm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh.
Cũng đã có nhiều đại biểu đặt vấn đề là phải quan tâm đến hoàn thiện thể chế, các giải pháp để cán bộ ngành y cũng trở thành một lương y thực sự như từ mẫu.
NĐT: Như ông vừa nói là cần hoàn thiện thể chế nhưng điểm mấu chốt để giải quyết khủng hoảng trong ngành y là gì? Bởi, hiện mới chỉ đang nêu ra vấn đề, còn giải quyết ra sao thì chưa ai nêu ra được, các đại biểu cũng nói rằng ngành y đang gặp khủng hoàng, thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, không ai dám mua không ai dám làm vì làm sợ sai…?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Về cán bộ làm mà sợ sai thì có thể là cán bộ đảng viên và người lãnh đạo chưa đủ thực sự có năng lực quản lý, mà đã đảm nhận chức vụ đó. Bây giờ, cán bộ lãnh đạo là phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Những sự việc xảy ra của ngành y vừa qua không phải đại diện cho tất cả hệ thống y tế của Việt Nam mà chỉ là một vài trường hợp cụ thể. Trong đó, có xem xét đến thể chế cũng như các yếu tố vi phạm, nhưng tất cả những vụ việc này tôi cho rằng có vi phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý.
NĐT: Ngay tại Quốc hội, đã có ý kiến của đại biểu cho rằng do thu nhập của ngành y thấp nên mới dẫn đến những sự việc như vậy, ông nghĩ sao?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Đúng, tôi nghĩ chế độ chính sách là một yếu tố, nhưng nó không phải là tất cả, quan trọng hơn là mặt bằng chung của hệ thống cán bộ công chức viên chức như thế nào để điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, khi đã xác định đi theo nghiệp y thì phải có sự hy sinh, cống hiến, cần có tính xung kích của cán bộ đảng viên. Đây là một hồi chuông để xem xét tính đặc thù của lực lượng y bác sĩ, đặc biệt là vai trò cống hiến của đội ngũ y bác sĩ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Đã có nhiều người từ chối “vali triệu đô”
NĐT: Vụ Việt Á đã kéo hơn 60 cán bộ, giám đốc CDC và cả người đứng đầu Bộ Y tế vướng vào lao lý, điều này cho thấy đạo đức công vụ rất đáng báo động. Vậy, theo ông, để xây dựng văn hóa liêm chính trong phòng, chống tham nhũng thì chúng ta cần phải làm gì?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Đạo đức công vụ là điều kiện tiên quyết, quan trọng hàng đầu. Bởi, đạo đức trước hết được bồi dưỡng từ chính bản thân mỗi người. Thêm nữa, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, tổ chức mà cán bộ đó công tác, tham gia là thành viên, phải được tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh, nhận thức, bản lĩnh chính trị để thực hiện công vụ.
Song song đó, quy định của pháp luật, hành lang pháp lý cũng phải hoàn thiện, rõ ràng, minh bạch. Cùng với đó, chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ cũng phải đáp ứng được khâu tối thiểu để họ yên tâm công tác.
Tôi cho rằng, khi có đầy đủ những điều này thì sẽ có một mẫu công chức thật sự tận tâm, tận lực.
NĐT: Đại biểu đề cập đến việc tự rèn luyện và yếu tố thu nhập, tuy nhiên khi chưa thực hiện được cải cách tiền lương thì cán bộ phải làm thế nào để tránh sa ngã vào những “viên đạn bọc đường”, tham nhũng, lót tay…?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Tôi cho rằng đó là trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên và người đứng đầu. “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”, người đứng đầu phải nghiêm, tận tụy, trí tuệ thì cấp dưới sẽ liêm chính, lãnh đạo nào thì phong trào đấy.
Có nhiều người đi làm họ không phải vì tiền mà là để có một môi trường được cống hiến. Nên, phải khơi gợi được, phát huy được tối đa mặt mạnh của mỗi người. Làm sao quy tụ được anh em, cống hiến hết mình vì công việc.
NĐT: Bên cạnh rất nhiều người sẵn sàng dấn thân, hy sinh, cống hiến vì công việc giữ được văn hóa liêm chính, thì như vụ Việt Á vẫn có rất nhiều cán bộ, quan chức sẵn sàng sa lầy?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Ở đâu cũng vậy, cũng có ranh giới giữa cái tốt và cái không tốt, nhất là trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, nếu không có bản lĩnh, không chịu trau dồi thì chuyện suy thoái, bị cám dỗ cuốn theo ma lực đồng tiền như “viên đạn bọc đường” sẽ làm cho con người dễ bị sa ngã.
Thêm nữa, đạo đức, năng lực, bản lĩnh chính trị của những cán bộ đó chưa chuẩn. Chúng ta chưa chọn được những cán bộ thực sự có đầy đủ bản lĩnh. Chính bởi vậy, chúng ta cần tăng cường tính dân chủ để làm sao chọn được những người cán bộ có tài, có đức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
NĐT: Như ông nói, nếu cán bộ có bản lĩnh, có năng lực thì có từ chối được những cám dỗ với những “vali triệu đô”?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Không phải tất cả, nhưng có nhiều người từ chối rồi. Có nhiều người dám từ chối, nhưng đây mới đang là số ít, phải làm sao để văn hóa này vượt trội, số đông thì mới được. Cho nên, phải hướng tới những điều tốt đẹp, tạo điều kiện cho những người sẵn sàng từ chối đó cơ hội để cống hiến.
NĐT: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Bích – Thu Huyền