Trên cơ sở tờ trình, Quốc hội sẽ dành một buổi thảo luận tại đoàn đại biểu về việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Sau đó, Quốc hội tiến hành xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Trong hai ngày cuối tuần, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13, tháng 8/2011, ông Vương Đình Huệ được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông chỉ kéo dài một năm rưỡi do được Đảng điều động, phân công làm nhiệm vụ mới. Từ tháng 2/2013, ông là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Nhiệm kỳ một năm rưỡi trên cương vị bộ trưởng của ông Vương Đình Huệ là thời điểm kinh tế nội địa đầy khó khăn. Siết chi tiêu công, thực hiện chính sách tài chính tiền tệ thận trọng, quyết liệt về xăng dầu... là những nỗ lực điều hành của ông, góp phần kiềm chế lạm phát đưa về mức an toàn, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô. Chiếc ghế Bộ trưởng Tài chính "nóng" đúng nghĩa trong thời điểm ông Vương Đình Huệ đảm nhiệm.
Đầu tháng 8/2011, khi Quốc hội phê chuẩn ông làm Bộ trưởng, nền kinh tế khó khăn đang đặt ra sức ép cho điều hành của Chính phủ, đặc biệt lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao là thử thách lớn nhất. Khi đó là thời điểm Chính phủ triển khai tích cực kết luận 02 của Bộ Chính trị và nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong đó chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành theo hướng chặt chẽ, thận trọng,…
Ông Vương Đình Huệ bên hành lang Quốc hội sáng 20/5.
Điện và xăng dầu cũng là câu chuyện “hóc búa”. Giá điện và xăng dầu tăng liên quan túi tiền của người dân, kinh tế tiêu dùng lao đao, lạm phát ảnh hưởng. Trong một cuộc hội thảo về "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam", một tháng sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Vương Đình Huệ từng tuyên bố mạnh mẽ "chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định giảm giá xăng dầu". Bởi nếu không giảm giá xăng dầu thì không thể giảm được chỉ số giá tiêu dùng (CPI), qua đó kiểm soát được lạm phát giảm. Đó cũng là cơ sở để các ngân hàng hạ được lãi suất.
Khi đó ông phát biểu: “Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước... Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 80 triệu người tiêu dùng xăng dầu”.
Trong nhiệm kỳ, ông cũng nỗ lực điều hành thắt chặt điều hành chi tiêu công, dù đây là bài toán không đơn giản. Trả lời chất vấn của Quốc hội tháng 10/2012, Bộ trưởng Vương Đình Huệ trần tình: Chính phủ cố gắng “co kéo” các nguồn để dự kiến bố trí được 20.700 tỷ đồng để tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng hiện nay lên 1,15 triệu đồng.
Bên hành lang Quốc hội ngay sau đó, ông nói: “Cố gắng bố trí tăng thêm 100.000 đồng tiền lương mà còn nhiều ý kiến khác nhau, lo không đủ nguồn. Nói thật, ngân sách như tấm chăn, co chỗ này thì hụt chỗ kia. Tiền chỉ có vậy, muốn nâng lên cũng khó".
Theo Bưu điện Việt Nam