Tục ăn bốc bằng tay và đi chân đất cả ngày là một tập tục có từ lâu đời của cộng đồng người Chil ở Lâm Đồng. Tập tục này phù hợp với cuộc sống trông chờ vào thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Giờ đây, dù họ đã định canh định cư trên vùng đất bằng phẳng với mùa màng bội thu nhưng nếp sống như thời nguyên thuỷ vẫn được người Chil duy trì.
Ăn bốc vẫn thích hơn cả!
Vượt gần 300 cây số, chúng tôi đã đến được thôn Đarahoa (xã Hiệp An, Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) nơi sinh sống của hơn 300 hộ người Chil đang lưu giữ tục đi chân đất cả ngày và ăn bốc bằng tay. Thôn Đarahoa hiện ra trước mắt chúng tôi với con đường nhựa phẳng lì, những ngôi nhà ngói đỏ tươi đã thay thế dần những mái nhà tranh ọp ẹp nằm phía sau dãy núi Voi sừng sững. Vừa dừng chân trước nhà ông Ha Thiên, trưởng thôn Đarahoa, chúng tôi đã được ông kể chuyện về người Chil chỉ thích đi chân đất suốt ngày, ăn bốc quanh năm. Trước câu chuyện kì lạ này, chúng tôi luôn đặt ra những câu hỏi nghi hoặc, những tưởng họ lấy câu chuyện mua vui cho khách phương xa. Tuy nhiên, quả thật không sai khi chúng tôi đến thăm nhà chị K'Đông (42 tuổi) ngụ tại thôn Đarahoa, đúng lúc chị chuẩn bị bữa cơm tối. Bên bếp lửa bập bùng, chị bước đôi chân trần của mình bưng xoong cơm to tướng ra giữa nhà. Bên cạnh là nồi nước sôi rồi chị bỏ một nắm muối vào đó.
Dọn cơm xong, chị K'Đông đi ra trước cửa nhà gọi to bằng tiếng Chil quen thuộc. Một lúc sau vẫn chưa thấy có tiếng bước chân của những đứa con chạy quanh nhà, chị lại dùng chiếc loa tay hú thêm một hồi nữa. Chị vừa hạ chiếc loa tay xuống thì có tiếng chân chạy nhẹ nhàng vào bếp và đáp lại bằng tiếng Chil. Con cái của chị đi chơi bên hàng xóm về chẳng có đứa nào mang dép, lục tục kéo nhau về ăn cơm. Cả một bàn ăn, không đũa, không bát, mấy đứa con ngồi xung quanh nồi cơm, nồi canh. Mấy đứa con chẳng đứa nào rửa tay, chúng bốc cơm ăn ngon lành. Ai thích ăn canh thì dùng chiếc thìa múc rồi húp. Của không ngon nhà đông con cũng hết, chỉ một lát sau nồi cơm, nồi canh đã cạn.
Trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, ông Ha Thiên giải thích: "Thói quen đi chân đất và dùng tay bốc thức ăn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Chil. Nhiều lần các cán bộ ở dưới huyện lên thị sát đời sống của bà con thấy người mình chỉ thích đi chân đất kể cả đi rừng, hay đi rẫy và tục ăn bốc nên vận động, tuyên truyền bà nên mua dép về mang, mua bát để đựng thức ăn, gọt đũa để gắp nhằm đảm bảo vệ sinh nhưng nói hoài họ vẫn chưa bỏ được thói quen. Vì người Chil cho rằng, con người có đôi tay để làm nương, làm rẫy, để bê đồ đạc thì cũng phải dùng cái tay ăn cơm mới hợp lẽ trời. Trước những lý lẽ của người Chil, cán bộ cũng đành bó tay. Ngay cả những người làm cán bộ xã cũng vẫn thích khi ăn cơm dùng tay hơn dùng đũa”.
Tuy nhiên đó là chuyện của người Chil ở thôn, ở làng. Ông Ha Thiên tâm sự: "Mỗi lần xuống dưới xã họp hành với người Kinh mình phải học cách cầm đũa theo số đông. Nhưng tôi thấy khó khăn lắm. Mấy anh em cán bộ người Chil cứ thấy người Kinh họ dọn cơm nước ra là người Chil thấy ám ảnh lắm. Vì người nơi khác cầm đũa gắp thức ăn rành rọt, riêng mấy cán bộ người Chil thì cứ ngồi thần ra không ăn. Nếu dùng tay bốc cơm ăn họ lại ngại sợ bị chê cười mất vệ sinh. Mọi người thấy vậy hỏi mãi người Chil chúng tôi mới thì thầm: "Mình thích ăn bốc hơn".
Đi đất để cân bằng âm - dương
Chứng kiến cảnh ăn cơm của người Chil, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều điều thú vị xoay quanh cuộc sống của tộc người đang sinh sống dưới chân đèo Prenn này. Trong một bàn ăn, các đấng mày râu Chil sẽ được ăn trước, còn phụ nữ ăn sau cùng. Thấy chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về tập tục của dân tộc mình, ông Ha Thiên, trưởng thôn Đarahoa tiếp tục làm người hướng dẫn cặn kẽ về phong tục của dân tộc Chil: "Sở dĩ, phụ nữ phải ăn sau là vì người Chil theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ là người nắm vai trò trụ cột trong gia đình nên họ phải có trách nhiệm lo lắng cho chồng con trước tiên sau đó mới đến lượt mình. Do đó, trong quá trình ăn uống phụ nữ cũng phải ăn sau cùng. Điều đó thể hiện người làm chủ gia đình luôn biết quan tâm lo lắng cho chồng con, đồng thời thể hiện tình yêu mãnh liệt của phụ nữ Chil đối với đấng phu quân của mình".
Theo các già trong thôn Đarahoa kể lại, từ xa xưa người Chil ở dưới chân cao nguyên Langbiang nên cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng núi. Để thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt trên non cao người Chil phải thường xuyên đi chân đất. Nhiều người cho rằng đi chân đất là mất vệ sinh, nhưng người Chil lại cho rằng, mỗi ngày người Chill nên đi chân đất 8 tiếng đồng hồ để được tiếp âm, cho âm dương cân bằng. Do đi chân đất quanh năm, nên da chân người nông dân rất dày không sợ chông gai, sỏi đá. Những đôi guốc gỗ thô sơ và dép da, dép mo cau cổ lỗ dường như chỉ đi làm cảnh, chứ gặp đường đất trời mưa là không thể bước nổi. Trong khi đó, người Chil quanh năm suốt tháng chỉ ở trong rừng nên thường phải nấu ăn luôn trong rừng. Người Chil sẽ tìm những cây nứa, cây giang, có gióng dài, có nước ở trong, nước đó có thể uống, hoặc tiện điếu cày, hoặc cho gạo vào đó rồi đốt trên lửa, khi cơm đã chín họ chỉ cần tách cây nứa ra rồi bốc cơm ăn.
Nhìn chúng tôi với ánh mắt thân thiện, già làng K'Luk phân trần: "Mình là người đứng đầu làng đi vận động người dân mang dép, bỏ cách ăn bốc thì mình không còn là người Chil nữa rồi. Ăn bốc là đặc trưng của người Chil mình mà. Bỏ ăn bốc là mình quên đi cội nguồn của dân tộc, quên đi sự phù hộ của núi rừng rồi". Cứ thế già K'Luk lắc cái đầu nguầy nguậy miệng lẩm bẩm: "Không bỏ được đâu...". Chỉ tay về những đám nương phía dưới chân núi Voi trước mặt, già K'Luk giải thích thêm: "Chúng tôi xa chân núi Langbiang từ những năm kháng chiến chống Mỹ, nhưng vẫn duy trì tục trồng lúa nương giống như lúa nếp ở dưới xuôi. Loại gạo này nấu thành cơm rất dẻo, người ăn chỉ cần nắm cơm lại rồi ăn mà chẳng cần đến bát đũa".
Vân vê một tẩu thuốc trên môi, già K'Luk nói thêm: "Dường như chỉ có lúc đi ngủ người Chil mới không đi giẫm đất. Cho dù đám cưới hay đám ma, hay đi dự tiệc ở nơi khác người Chil vẫn đi chân đất. Việc đi chân đất của người Chil được so sánh với những quan hầu binh, binh lính trong cung vua dưới triều Nguyễn vào cuối thế kỷ XIX đầu thế XX. Lính trong quân đội nhà Nguyễn hoàn toàn đi chân đất, chỉ có quan là đi hài, hoặc hài thấp cổ. Hay nông dân đồng bằng Bắc Bộ, đi đất cả ngày, cho đến khi lên giường, hoặc rửa chân qua loa, hoặc đập, xoa chân vào cái chổi lúa. Người ta gọi là "ba xoa hai đập". Coi như thế là sạch và có thể lên giường ngủ nghê ngon lành cho tới sáng hôm sau".
Không biết hút thuốc không phải là người Chil Cũng theo ông K'Luk, đối với người Chil, bất kẻ đàn ông hay đàn bà đều phải biết hút thuốc từ lúc lên 10 tuổi. Cách hút thuốc của người Chil rất đơn giản. Cây thuốc lá được trồng ở ngoài vườn, ngoài nương, rẫy. Người dân chỉ việc hái lá thái nhỏ mang phơi khô cất vào bồ. Họ dùng một loại lá rừng to gần bằng bàn tay, không có độc tố, sau đó cuộn thuốc vào là hút. Họ cho rằng, có thần lửa luôn ở trước mặt sẽ tránh được ma tà. Do vậy, dù ở nhà hay lên rừng người Chil cũng mang theo một túi nhỏ trong đó đựng đầy lá thuốc. Và người Chil hút thuốc như người Kinh ngày trước nghiện nhai trầu vậy. Nam, phụ, lão, ấu đều phì phèo tẩu thuốc trên môi. Dường như chẳng bao giờ họ nghĩ đến chuyện phải bỏ cái sở thích có tính "di truyền" này. |
QUYÊN TRIỆU