Bóng ma ám ảnh trẻ em của hủ tục "dọ-tơm-amí"
"Nếu muốn thoát khỏi tục lệ trên thì đứa trẻ phải thực hiện lễ kết nghĩa. Không kết nghĩa với thần thì kết nghĩa với người. Muốn kết nghĩa với người thì phải bú vú thôi", cụ Siu P'Lei, người mà sau này chúng tôi gặp tại xã Laly (huyện Chư Pảh, Gia Lai), từng có thời gian sinh sống ở Kon-Rơ-Wa bật mí.
Câu chuyện của các cụ già đã đưa chúng tôi ngược về quá khứ tìm hiểu những nghi lễ tục kết nghĩa của các tộc người vùng cao, trong đó có tục bú vú kết nghĩa mẫu tử (hoặc phụ tử) của người Bana. Theo chia sẻ của cụ Siu P'Lei và một số người già khác, tục kết nghĩa nhằm mục đích bảo vệ đứa trẻ thoát khỏi hủ tục "dọ-tơm-amí".
Đường vào bản.
Cần nói rõ rằng, người Bana theo đa thần giáo và gọi chung các vị thần ấy là Yàng. Vì tôn sùng các thần một cách tuyệt đối nên từ ngàn xưa, người Bana đã hình thành tục lệ kết nghĩa với thần linh. Họ làm vậy để ước mong được các thần bảo hộ và ban cho sức mạnh, sự giàu sang quyền quý cũng như tránh nạn chết chóc.
Già Y Sáo, ở làng Kon Klor giải thích cặn kẽ lý do vì sao mà gần 50 năm trước, già khi ấy còn là người đàn ông khỏe mạnh, có vợ và 3 con, đã làm lễ kết nghĩa với Thần lúa: "Một đêm nằm ngủ, mình thấy thần hiện thân là đứa trẻ đến thăm, tặng cho mình lưỡi cuốc. Rồi mình và thần nói chuyện rất lâu. Khi đi, thần nắm tay mình bảo từ đây là cha con. Tỉnh dậy mình đã nhờ bơjâu (thầy cúng) làm lễ kết nghĩa".
Sau giấc mơ ấy, già Y Sáo, tin rằng: "Nếu không được mùa thì thần không còn bảo hộ mình nữa. Thần không bảo hộ do có ai đó trong dòng họ làm thần buồn lòng".
Những người già cho biết bao đời qua, người Bana kết nghĩa anh em, cha con, mẹ con, anh chị em với nhau vì nhiều lý do như để được thân mật hơn, hoặc giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhưng thường thì khi ông bố bà mẹ nào đó đồng ý cho con mình làm con người khác và ngược lại là mong cho con có người đỡ đầu, để con không phải gánh chịu cái hủ tục "dọ-tơm-amí". (Hủ tục "dọ-tơm-amí", nếu chẳng may người mẹ qua đời khi đứa con còn chưa dứt sữa thì đứa bé phải chôn theo mẹ)
Chị Y Den, chứng nhân sống của hủ tục "dọ-tơm-amí",cho biết: "Mẹ chị tên Y Dơn, là người làng Kon K'tu 1, lấy chồng người Jrai ở Phú Bổn, nay là huyện Ayunpa (tỉnh Gia Lai). Nghe ông bà kể lại, hồi đó mẹ chị Den là vợ hai. Lúc mẹ chết, ba chị đang đi lính. Theo tục lệ, vì chị Den chưa dứt sữa nên làng buộc phải chôn sống theo mẹ. Nhưng trong một phút may, có người "bảo trợ", chị đã thoát chết.
Y Den là đứa trẻ hiếm hoi được trở về từ cõi chết. Trước khi kết thúc cơn ác mộng "dọ-tơm-amí" mà mình là chứng nhân sống, chị Y Den bộc bạch: "Bên cạnh những lý do cuộc sống cực khổ, mẹ chết thì đứa trẻ sơ sinh sẽ không có sữa để bú nên trước sau gì cũng chết, còn có lý do khác. Sở dĩ ngày trước người ta nhất quyết chôn sống đứa trẻ theo người mẹ vì niềm tin ấu trĩ rằng, đứa trẻ chưa dứt sữa mà đã mồ côi mẹ ít nhiều có liên quan đến ma lai, bởi ma lai là hiện thân của sự chết chóc, bệnh tật. Làng nào có thai phụ sinh con bị chết hoặc có đứa trẻ chết mẹ như thế đều rất sợ hãi. Họ lo lắng chuyện bất thường ấy sẽ khiến họ tộc, cả làng phải nhận những hình phạt tàn khốc của không chỉ ma lai mà cả các Yàng (thần linh) như làm cho làng xảy ra dịch bệnh, chết chóc! Và để tránh chuyện không hay xảy ra, người ta quyết định chôn sống đứa trẻ theo mẹ để trừ hậu họa".
Được hỏi chuyện về những đứa trẻ thoát khỏi hủ tục “dọ-tơm-amí”, sơ Y Nắk, ngoài 70 tuổi, người Xơ-đăng, có thâm niên gắn bó với những số phận bất hạnh trên đất Tây Nguyên từ năm 20 tuổi đã kể nhiều câu chuyện buồn, trong đó có chuyện của bé Pi Yo Rong chẳng may mất mẹ lúc còn đỏ hỏn.
Sơ Y Nắk nhớ lại: "Khoảng tháng 2/2007, sinh xong, mẹ Rong đi rẫy và chết ngay trên ấy vì gặp mưa gió, bị cảm lạnh. Lúc làm đám ma cho vợ, cha của Rong không chịu nhận con, cứ đòi cho bé đi theo mẹ. May cho Rong, có một cặp vợ chồng trong làng đã đấu tranh cứu sống, cưu mang bé. Khi biết sơ Y Pơnh đến Gia Lai, cặp vợ chồng nọ đã nhờ sơ giúp đỡ, cưu mang đứa bé mà họ đã chở che”.
Nói về những đứa trẻ thoát khỏi hủ tục "dọ-tơm-amí" như bé Pi Yo Rong, đôi mắt già nua của sơ Y Nắk ngấn lệ. "Kỳ thực thì Pi-an, một đứa trẻ khác đã bị chôn sống. Mẹ chết, bé bị họ hàng mang ra rừng ma bỏ vào hốc cây to vì muốn bé chết theo mẹ. May cho bé là lúc đi rừng săn thú, một thợ săn đêm nghe tiếng trẻ khóc đã lần theo và phát hiện ra bé. Xót thương quá, người thợ săn đã mang bé về nhà ủ ấm rồi tìm đến mái ấm giao cho các sơ", sơ Y Nắk kể lại.
Sơ YLan.
Tục khơi nguồn xóa bỏ hủ tục "dọ -tơm-amí"
Lại nói thêm về tục bú vú, cụ Siu P'Lei cho rằng, thường thì hai gia đình muốn kết nghĩa nhận con với nhau phải cùng khá giả, cùng có của ăn của để. Bởi có như thế thì khi một trong hai gia đình gặp sự cố, ví như mẹ ruột của đứa trẻ còn chưa dứt sữa chết thì bố mẹ nuôi của nó mới có điều kiện chăm lo cho nó. Nếu hai gia đình đồng ý thì cùng hẹn ngày làm lễ bú vú.
Cũng theo cụ, lễ vật do phía người làm con sắm sửa. Bình thường thì có gà rượu, người khá giả hơn thì mổ thêm heo mang đến nhà cha (mẹ) làm lễ. Nghi thức của lễ bú vú xem ra rất đỗi kỳ lạ nhưng không đến độ trần tục như người ta nghĩ. Nghĩa là không có chuyện đứa trẻ sẽ vục đầu vào ngực người mẹ hay người cha mà nó sẽ kết nghĩa bú lấy bú để!
Các già làng kể: Hôm diễn ra lễ bú vú, trước tiên gia đình hai bên cùng nhau thịt heo mổ gà rồi lấy máu trộn lẫn với rượu. Xong rồi người nhận làm cha (hoặc mẹ) của đứa trẻ kết nghĩa sẽ để mình trần. Người làm môi giới cầm bát rượu hòa máu con vật hiến sinh đứng sau lưng đổ từ vai xuống ngực cho đứa con kết nghĩa há miệng dưới vú hớp uống nước ấy với sự hỗ trợ của người cha (hoặc mẹ) nuôi bằng cách dùng hai tay ôm lấy cổ đứa con kết nghĩa.
Chỉ đến khi người môi giới đổ hết chén rượu thì nghi thức bú vú mới kết thúc. Lúc này hai gia đình kết nghĩa sẽ cùng đến bên ghè rượu, lấy gan con vật hiến sinh và khấn thề với hàm ý thông báo cho các vị thần biết chuyện. Sau đó, họ khấn mời các thần uống rượu, ăn gan những con vật hiến sinh như một cách thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ cho cha con (hoặc mẹ con) kết nghĩa được sức khỏe, sống lâu. Cũng cần nói thêm rằng, trong quá trình đổ rượu hòa máu ấy, người môi giới vừa đổ rượu vừa khấn xin các thần phù hộ cho tình phụ tử hoặc mẫu tử của hai gia đình kết nghĩa được bền chặt, cùng ăn ở thuận hòa, cùng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Ai làm trái, sống sai sẽ bị các thần trừng phạt.
Đến đây thì nghi lễ bú vú xem như khép lại. Mọi người cùng ăn uống, trò chuyện vui vẻ với nhau. Quanh nghi thức đổ rượu hòa máu vật hiến sinh trên cơ thể người cha (hoặc mẹ) cho đứa trẻ họ nhận kết nghĩa uống, chúng tôi hỏi những người già nghi thức ấy hàm chứa ý nghĩa gì. Già Y Sáo từ tốn giải thích rằng, máu hòa rượu kia chính là "sữa" và người ta chỉ có thể là mẹ con (hay cha con) với nhau khi đứa trẻ bú sữa đấng sinh thành của nó.
Câu chuyện bú vú kết nghĩa của người Bana thật đẹp và mang nặng tính nhân văn. Dường như để tuyên chiến với hủ tục "dọ-tơm-amí", tổ tiên người Bana đã khai sinh ra tục kết nghĩa để bảo vệ những đứa trẻ chẳng may mất mẹ. Nhưng thực hư của điều này như thế nào có lẽ phải chờ những nhà nghiên cứu văn hóa, các chuyên gia về dân tộc học mới có câu kiến giải cặn kẽ.
Hoàng Việt