Bất cứ ai khi chứng kiến đoạn clip (khoảng ba phút) quay lại cảnh cướp vợ giữa đường tại Nghệ An cũng phải thốt ra những lời ngán ngẩm. Song hành với việc chê trách, chỉ trích hành động của những thanh niên “cướp vợ” trong clip là những “viên gạch”, được “đáp túi bụi” vào tục cướp vợ. Người cho rằng đó là hủ tục cần phải bỏ, người lại bảo nó là “nền móng” cho sự bạo hành và thiếu tôn trọng người phụ nữ trong gia đình.
Chúng ta có thể thấy, tục cướp vợ (hay kéo vợ) đã có từ rất lâu đời. Thường thì những đôi trai gái đã “ưng cái bụng”, họ sẽ hẹn hò nhau trên rừng, trên đường hay ở phiên chợ rồi đợi đến xế chiều, chàng trai sẽ nhờ một vài người bạn lên điểm hẹn để kéo cô gái về nhà mình.
Gọi là cướp vợ (tức lực tác động để sở hữu chỉ đến từ một phía) nhưng trên thực tế, tình cảm phải phát sinh từ hai phía, cũng như hành động kéo vợ phải thể hiện được sự tôn trọng đối với cô gái (cũng như gia đình nhà gái) thì việc kéo vợ mới được chấp thuận. (Theo lệ của người Mông, khi kéo vợ, người nhà gái mang gậy gộc đến cứu cô gái, các bạn của chàng trai sẽ xông ra đỡ đòn để chàng trai mang cô gái về nhà, nhà trai không được phép đánh lại nhà gái. Việc kéo vợ về cũng phải rất khéo léo để chân cô gái không chạm đất, không có lực giằng co, không đánh trả được và không được làm tổn thương cô gái.)
Điều đó cũng giống như quan điểm của Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp – ông Nguyễn Đình Tùng đã khẳng định với báo chí: “Quan trọng là có sự đồng ý giữa nam và nữ. Còn nếu bắt vợ mà không được sự đồng ý của cô gái là lợi dụng, không thể chấp nhận được".
Mặt khác, tục cướp vợ còn là một tục lệ rất nhân văn khi nó là giải pháp hữu hiệu cho những đôi trai gái yêu nhau nhưng bị ngăn trở bởi gia đình.
Ấy vậy mà những ngày gần đây, một tục lệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, một tục lệ đầy tính nhân văn của người vùng cao lại bị bóp méo bởi những con người “không đi lên từ văn hóa”.
Chúng ta có thể coi chủ đề của đoạn video clip được tung lên mạng là “cướp vợ” – theo nghĩa đen thông thường chứ đừng mặc định đó là một tục lệ của người vùng cao.
Bởi hành động đó chỉ mang vỏ bọc, mang hình thức và có tên gọi “na ná” giống với một tục lệ của người dân tộc. Còn về bản chất thì nó trái ngược hoàn toàn. Thậm chí, đó còn bị coi là hành động vi phạm pháp luật, là hành động bắt giữ người trái phép.
Ở một diễn biến khác, cư dân mạng cũng vô cùng bức xúc với những clip ghi lại những cảnh cướp vợ “thật” ở vùng miền núi phía Bắc (Lào Cai, Hà Giang). Họ cũng tỏ ra thương cảm với những cô gái “bị cướp thân”, họ ám ảnh bởi những tiếng khóc thét vang núi đồi, những bản mặt méo xệch của “những bông hoa ban rừng”.
Nhưng sự nhân đạo khi đặt dưới một con mắt thiếu hiểu biết thì đó là sự nhân đạo “dỏm”. Bởi theo tục lệ, quan niệm của nhiều vùng, người con gái nào gào thét càng to, càng nhiều thì khi về đến nhà chồng sẽ càng được yêu thương và chiều chuộng. Không những thế, người con gái nào có phản ứng thật (không ưng ý với người con trai) thì mấy ngày sau sẽ được thả về nhà chứ không hề có sự ép uổng.
Vậy nên, chúng ta cần có một cái nhìn khách quan, bao quát hơn với những hiện tượng văn hóa. Không nên cưỡng bức văn hóa miền ngược bằng cái nhìn của những kẻ “xuôi” để rồi dần giết chết những đặc trưng vùng miền bằng bê tông, cốt thép.
Càng không nên đánh đồng những hành vi vi phạm pháp luật với những tập tục. Nếu những con người vô ý thức đã mượn phong tục bản xứ để làm vỏ bọc cho hành vi đớn hèn của mình thì chúng ta phải là người bóc tách hai sự việc đó sao cho “vẹn cả đôi đường”.
Trịnh Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả