Âm thầm chảy qua nhiều thế hệ như con suối trong rừng, sự “hồn nhiên” của họ đã khiến cho tục “đa thê” đến nay vẫn chưa dứt bỏ được...
Nhiều con để làm rẫy...
Nghe có người hỏi chuyện về những người đàn ông trong xã có nhiều vợ, chị Vừa Thị Khua (SN 1964, nhà ở bản Xa Dung B) vô tư chỉ vào mình: “Chồng mình có hai vợ đấy. Mình là vợ hai”. Theo lời chị Khua, cách đây mấy chục mùa nương, ở tuổi trăng tròn, chị là một trong những cô gái đẹp nhất bản, đêm nào trai làng cũng đến thổi khèn hò hẹn. Rồi chị cũng chọn được người thương và cưới. Sống với nhau được hai mặt con, đùng một cái, chồng chị ngã bệnh mất sớm. Chị Khua buồn lắm. Nhưng chỉ được mấy năm, khi đã nguôi ngoai nỗi đau mất chồng, có một ông người cùng bản tên là Chá Già Lử “để mắt” tới chị.
Khổ nỗi ông Lử lại đang yên bề gia thất và đã có ba đứa con. “Không sao mà! Mình ưng thì lấy nhau! Công khai chứ có phải lén lút gì đâu. Với lại vợ đầu mình nó cũng đồng ý vì nó không còn sinh được con trai cho mình mà. Người Mông mình có câu “mười gái không bằng một trai…”. Nghe ông Lử nói thế, chị Khua thấy xuôi xuôi cái tai nên đã cùng hai con dọn về ở chung một mái nhà với ông Lử cùng bốn mẹ con chị cả.
Thời gian cứ thế trôi đi, mới đó mà đã 16 mùa nương. Chừng ấy thời gian, chị Khua đã kịp sinh cho ông Lử thêm 5 đứa con (2 trai, 3 gái). Nghe chúng tôi hỏi về đại gia đình 11 người mà chị Khua là một trong những nhân vật chính, chị cười hồn nhiên: “Có thêm nhiều con, mình và chị cả cùng với chồng vất vả nhiều lắm mà vẫn không đủ ngô để làm mèn mén cho chúng nó ăn. Mấy đứa con chị cả phải nghỉ học lên nương để giúp người lớn kiếm thêm lúa, thêm ngô…”.
Tìm hiểu thêm gia cảnh “đặc biệt” của ông Lử, chúng tôi thấy một điều lạ là dù sống chung một mái nhà sàn, cuộc sống lại vất vả, khổ cực vì đông con, giữa chị Khua và bà cả vẫn không “bùng nổ chiến tranh”. Được hỏi bí quyết nào để “chỉ huy” được cả một “tiểu đội” trong ấm ngoài êm khi kinh tế gia đình thì ngày càng khó khăn, ông Lử nói lái sang “vấn đề kinh tế” như muốn đánh trống lảng chuyện tế nhị: “Trước đây nhà mình nuôi nhiều trâu lắm, lúa ngô không lúc nào thiếu.
Từ khi cưới vợ hai về, đàn con thi nhau ra đời, khó khăn lắm. Khổ nhất là bây giờ mình không có tiền để cho con đi học…”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Thế hai bà xã có cãi nhau không?”, đáp: “Không mà! Cùng khổ như nhau nên cái bụng chúng nó biết thương nhau”. Chúng tôi lại hỏi, biết có nhiều con thì cả hai vợ cùng khổ, sao đẻ nhiều thế, ông Lử rít một hơi thuốc lào, trầm ngâm: “Ở với nhau thì phải đẻ chứ! Đẻ để thêm người làm cái rẫy mà…”.
Khởi nguồn từ tục bắt vợ
Cùng xã, cùng kiếp chồng chung nhưng chị Lầu Thị Nhánh (32 tuổi, nhà ở bản Thẩm Mín) không may mắn như chị Khua trong chuyện “cơm lành, canh ngọt” với vợ trước của chồng mình. Thay vì sống nhẫn nhịn, cam chịu như hầu hết phụ nữ người Mông, hai người thường xuyên cãi lộn, thậm chí đánh nhau. Kể về hoàn cảnh của mình, chị Nhánh cho chúng tôi biết, năm 17 tuổi, chị lấy chồng, ở với nhau được một thời gian thì chồng bỏ.
Do ông Lầu Tùng Pó, ở cùng bản có tài văn nghệ, đàn hát, đã thế, nương lúa nhà Nhánh lại gần nhà ông Pó nên sau nhiều lần “chạm mặt”, hai người đã phải lòng nhau. Khổ là khi ấy ông Pó đã khá già, ngoài 50 mùa nương, lại đã từng có đến… 3 bà vợ và tổng số 11 đứa con, trong đó, hai vợ đầu đã chết, còn vợ ba thì vẫn còn sung sức lắm. Nhưng có hề gì, chỉ sau mấy cái chép miệng, một đám cưới với đủ lệ bộ theo phong tục của dân tộc Mông đã diễn ra và chỉ 3 năm sau (tính đến thời điểm hiện tại), bà tư của ông Pó, tức Lầu Thị Nhánh đã sinh thêm 4 người con.
Một góc Xa Dung
“Vì sao đàn ông người Mông thích có nhiều vợ?”, chúng tôi hỏi ông Pó. Cười hề hề, ông đáp: “Tại nó yêu mình thì mình yêu lại nó. Từ chối là mình có tội đấy. Chỉ cần “con mắt nó ưa, cái bụng nó chịu” là cưới mà…”. “Thế xã không phạt vì vi phạm Luật Hôn nhân gia đình à?”, “Có chứ! Mình bị phạt đấy. Mình cũng biết cưới nhiều vợ là sai nhưng người Mông mình cưới nhiều vợ là chuyện thường mà…”.
Khi được hỏi về việc “giải quyết chiến tranh” giữa hai bà vợ, ông Páo tỏ vẻ tự hào: “Mình là người hiểu biết(?) nên sau nhiều lần thấy chúng nó đánh nhau, liền gom góp tiền bạc làm thêm một căn nhà ở ngoài nương cho vợ út, nhường nhà lớn cho bà cả. Và lúc nào nhà có việc thì bà út mới về nhà”.
Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi ông Pó: “Có muốn cưới thêm vợ không?” thì nhận được câu trả lời hồn nhiên: “Muốn lắm chứ nhưng sợ Nhà nước không cho nữa”.
Biết pháp luật không cho phép
Men theo con đường uốn lượn quanh co, chúng tôi tìm gặp ông Lầu Chú Di, 61 tuổi, nhà ở bản Xa Dung A. Vừa nhìn các nhà báo “mắt chữ o, mồm chữ a” khi được biết vị tộc trưởng dòng họ Lầu này tính sơ sơ mới chỉ có… ba vợ, ông Di lẩm nhẩm như hồi tưởng về “một thời oanh liệt”: “Người Mông mình đã có thói quen bắt nhiều vợ từ đời cha ông rồi! Cái bụng thích vợ đẹp, vợ tốt là bắt, bất kể đã có mấy vợ. Xưa, trong dòng họ Lầu mình, đàn ông đều có 3 - 4 vợ và điều đó là niềm hãnh diện của gia đình…”.
Ông Di muốn đẻ nhiều con trai để đi nương
Theo trưởng tộc Di, đa thê là phong tục của người Mông từ rất lâu đời. Hiện, ở xã Xa Dung có hàng chục người đàn ông lấy hai vợ, tập trung vào những người từ 40 tuổi trở lên. Trước câu hỏi của chúng tôi rằng đó là những “câu chuyện cũ”, còn bây giờ là thời văn minh, pháp luật đã quy định một vợ, một chồng, ông Di lý sự: “Mình là tộc trưởng nên phải có con trai mà. Vợ cả chỉ có hai đứa con gái thì phải kéo thêm vợ chứ”. “Nhưng có thêm vợ hai, lại đẻ được con trai rồi, lại kéo thêm vợ ba Sồng Thị Mỵ để làm gì?”, chúng tôi hỏi. Nghe câu hỏi khó, ông Di gãi tai: “Tộc trưởng có thêm nhiều con trai thì càng tốt mà. Mình biết là không hay, làm vậy là khổ cho người phụ nữ và cuộc sống gia đình sẽ thêm khó khăn nhưng biết làm sao, tập tục lâu nay là vậy…”.
Hai bà vợ của ông Lầu Chú Di là bà cả Chá Thị Dua, bà hai Chá Thị Mỵ vẫn thường cùng đi nương
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Lầu Chú Di, một người đàn ông có ba vợ và 8 đứa con đã phần nào giải quyết được nguyên nhân tồn tại của “phong trào đa thê” ở Xa Dung. Đằng sau những “cái lý của người Mông”, tập tục lạc hậu về hôn nhân đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ “kết hợp” với nhiều yếu tố đặc thù về kinh tế - xã hội trên địa bàn đã khiến cho xã Xa Dung trở thành một “vương quốc đa thê”.
Đem câu chuyện này trao đổi với cán bộ tư pháp xã Xa Dung Lầu A Xá, ông chép miệng, thở dài: “Người dân vẫn biết lấy hai vợ là vi phạm pháp luật. Xã biết cả nhưng không làm gì được. Gọi lên ủy ban “góp ý” thì họ bảo từ bao đời nay, người Mông đã có phong tục như vậy. Bây giờ, biết là pháp luật không cho phép nhưng lỡ thương nhau nên vẫn phải lấy thêm về. Phạt tiền thì họ vui vẻ nộp rồi sau đó, vẫn về cưới vợ hai, vợ ba, bất chấp nhiều đứa trẻ ra đời không có giấy khai sinh, bất chấp chính quyền xã tốn nhiều công sức vận động, thuyết phục bãi bỏ…”.
Theo ông Xá, tập tục “đa thê” không những chỉ có ở xã Xa Dung mà còn tồn tại ở nhiều bản làng khác trong huyện Điện Biên Đông. Mặc dù cán bộ tư pháp hàng tháng, hàng quý đều tổ chức đi tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tập tục này, các Trưởng thôn đều được phổ biến kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình nhưng thay đổi một tập tục lâu đời không dễ, nhất là khi đồng bào nhận thức còn hạn chế.
“Nói vậy không phải chúng tôi đầu hàng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng chấm dứt tình trạng này bằng cách tiếp tục vận động tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu thôi…”, ông Xá nói trước khi chia tay với chúng tôi.
Theo
Báo Công lý