Trải nghiệm kinh hoàng
Trong chuyến công tác đến xứ sở Mường Bi (tỉnh Hòa Bình), chúng tôi được nghe, được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những câu chuyên ly kỳ về mảnh đất, con người nơi đây. Bên cạnh những điều thú vị, có một thủ tục của người dân thuộc huyện Lạc Sơn, (Hòa Bình) mà nghĩ lại chúng tôi vẫn cảm thấy rợn người. Đó là việc đào mộ người thân mới chết để "khống chế con ma trùng".
Bà Nguyễn Thị Th..
Trước đây, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện xung quanh vấn đề trùng tang qua lời kể của ông bà, bố mẹ và để hoá giải cũng chỉ là việc thờ khấn đơn giản, lấy một lá bùa nhỏ để người sống mang theo bên mình trong một thời gian nhất định với một tâm niệm tự trấn an. Nhưng những gì mắt thấy, tai nghe về cách làm có phần thái quá của người dân nơi đây khiến chúng tôi không khỏi rùng mình ghê sợ. Đặc biệt khi mà những nghi thức đó diễn ra vào ban đêm với một không gian thanh vắng, lạnh lẽo của vùng đồi núi.
Sự việc diễn ra ở đây từ lâu, có thể coi đó như là một hủ tục. Theo đó, trong các gia đình khi có một người mất, liền sau một khoảng thời gian ngắn lại có một người khác chết... thì được xem là nhà có con ma trùng. Người chết được cho là chết vào ngày xấu, giờ xấu hay do có một uẩn khúc nào đó mà khi thành con ma đã về bắt những người thân khác đi theo. Các gia đình ấy phải tìm tới thầy cúng, nhờ thầy ra tay cứu giúp.
Chuyện xảy ra với gia đình bà Nguyễn Thị Th. (60 tuổi). Theo lời kể của bà Th., ông Hoàng Văn S. (63 tuổi, chồng bà Th. - PV) thời gian gần đây sức khỏe bị giảm sút. Đi khám ở các bệnh viện lớn dưới Hà Nội, các bác sỹ cho biết ông bị nhiều chứng bệnh nan y như tiểu đường, ung thư gan, sỏi thận. Gia đình đôn đáo dùng đủ loại thuốc nhưng sức khỏe ông chẳng hề tiến triển. Ông gần như không thể đi lại được, chỉ nằm bẹp một chỗ.
Tất cả mọi người trong gia đình đều lo lắng, không lẽ việc mồ mả trong dòng họ lại phạm vào điều gì. Hơn nữa, chỉ trong vòng một năm gần đây gia đình liên tục có hai người chết. Đầu tiên là cụ cố trong họ hơn 90 tuổi, tiếp sau đó mấy tháng thì ông X. (55 tuổi, em trai ông S. - PV) chết một cách đột ngột. Xâu chuỗi các sự việc lại, bà Th. cùng gia đình như bừng tỉnh và hoảng sợ nghĩ đến con ma trùng.
Suy đi tính lại bà quyết định tìm lời giải và làm theo những gì bố mẹ bà đã từng làm. Bà tìm đến thầy G. cùng huyện, nhờ xem bói. Khi gặp thầy G., chỉ bằng mấy câu hỏi han xung quanh vấn đề gia đình bà, thầy G. làm lễ và được "bề trên cho biết": “Cụ cố trong họ và em trai ông S. chết phạm vào giờ trùng. Bây giờ gia đình muốn yên ổn, không ai bị ma trùng bắt đi và muốn ông S. khỏe lại hoặc có chết cũng chết vào giờ tốt thì gia đình phải lo làm lễ cắt dây, đào mộ hai người chết lên để thầy đến yểm bùa, tống táng thần trùng đi"!?
Hành trình "quy phục ma trùng"
Rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban ngành chức năng Ông Bùi Văn Nghin (trưởng công an xã Nhân Nghĩa - ảnh bên) cho biết: Câu chuyện "ma trùng" nên phải đào mộ người chết cứu người sống đang ám ảnh trong đời sống một bộ phận dân cư trong các xã của huyện Lạc Sơn như một tập tục, quan niệm cổ hủ từ lâu. Rất mong các các cấp chính quyền, ban ngành chức năng vào cuộc giải thích và có định hướng tốt để người dân nhận thức đúng, được sống, lao động, học tập trong môi trường văn minh. |
Để bắt và quy phục được ma trùng, thầy G. yêu cầu gia đình phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật. Theo chỉ dẫn của thầy, gia đình chuẩn bị sẵn lễ vật rồi đến ngày tốt, giờ tốt mọi người trong dòng họ tiến hành mổ một con lợn khoảng hơn 50kg, thịt bảy con gà, một con vịt to và một con chó rồi đan vỉ tre làm mâm cúng. Thầy còn yêu cầu cần có 4 người cháu trong gia đình nhưng phải chưa có vợ, có chồng (gọi là trai vản, mại vản) đóng 700 cỗ oản xôi. Bốn người cháu này sẽ tham gia phục dịch cho đến khi buổi lễ cúng kết thúc. Đồng thời, gia đình còn phải mua một con vịt con, một con gà giò, một con chó nhỏ, một con lợn để thầy dùng phép thuật và quyền năng của mình trấn bốn phương trong khu vực lập đàn cúng. Kèm theo đó là những thứ không thể thiếu cho một lễ đăng đàn: Vàng mã, đèn hương, rượu, bánh kẹo, thuốc lá, thuốc lào, hoa quả, trầu cau và... tiền mặt. Tất cả được đặt sẵn trong khu rừng, cách ngôi mộ khoảng vài chục mét. Ngôi mộ phải được đào lên vào buổi tối.
Ông Bùi Văn Nghin.
Mọi người trong gia đình bà Th. đã dựng một lều bạt khá rộng. Theo lời chỉ dẫn của thầy, họ dựng lên một cái bàn cúng chia làm ba cấp: Thượng - trung - hạ. Hai bên sườn dọc theo bàn cúng là hai dãy liếp bằng tre cũng chia làm ba cấp. Bốn cửa hướng đông - tây - nam - bắc cũng được bày mâm lễ vật; đồng thời còn đặt rọ nhốt lợn con ở hướng Nam, rọ gà con ở hướng Bắc, rọ nhốt vịt hướng Đông, rọ chó con đặt chấn hướng Tây. Tất cả mọi người trong gia đình phải chuẩn bị, phục dịch, nấu nướng bày mâm từ sáng sớm cho đến chiều tối.
Thầy G. còn trẻ, có lẽ chỉ mới ngoài 30 tuổi, khuôn mặt khôi ngô, thầy chưa lấy vợ. Thầy cho biết mình mới có lộc từ tổ tiên nên phải theo. Nếu không có nghiệp thì muốn cũng không làm được. Để có thể theo nghiệp chữa trùng được cho dân, cứu nhân độ thế thầy phải chay tịnh 3 tháng.
Thầy khoe, "thầy nhập vai được cả ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy, Hoàng Ba... Nhưng vai chính của thầy là vai Vua Hai, núi Khụ Trắng". Trong câu chuyện, thầy liên tục kể về những thành công trong nghề của mình, đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người. "Đặc biệt, có trường hợp thầy chữa trùng cho gia đình họ còn biếu thầy cả trăm triệu đồng!". Như để minh chứng cho lời nói, uy tín và khả năng cứu nhân độ thế của mình, thầy liên tục rút điện thoại ra nghe - gọi rồi chỉ đạo, đặt lịch... khiến mọi người phục lăn!
Niềm tin quái gở
Đến khoảng 13h, thầy bắt đầu tiến hành làm lễ. Thầy mặc áo chùng màu đỏ, đội mũ nhà Phật... Giọng thầy ngân nga, điệu trẩy mợi, thầy miệt mài khấn vái. Thỉnh thoảng thầy lại thả nhúm những đồng xu xuống chiếc đĩa sứ gieo quẻ. Cánh đàn ông, con trai hì hục chuẩn bị máy nổ, máy phát điện, xẻng, xà beng, dây tời, đòn khiêng, đinh móc, mang thêm dầu cao, dầu hoả, khẩu trang để chuẩn bị cho nghi lễ đào mộ.
Họ chia làm hai nhóm, tiến hành đào mộ anh ông X., nhóm khác đi sâu hơn vào khu rừng đào mộ của cụ cố. Một không khí im ắng, hồi hộp đến rợn người. Nắp quan tài từ từ được bật tung, làm lộ ra cái xác người thân. Thầy G. đến gần huyệt mộ, tay huơ huơ thẻ hương, miệng lẩm bẩm khấn vái, nhanh chóng thả xuống một vài vật nhỏ được cho là bùa yểm rồi ra hiệu cho mọi người từ từ đóng nắp quan tài và lấp đất lại.
Kết thúc việc yểm bùa ở khu mộ, thầy G. trở về lán và tiếp tục khấn vái, hương khói nghi ngút đến tận nửa đêm. Người nhà bà Th. thở phào nhẹ nhõm. Vậy là hai ngôi mộ đã được thầy ra tay trừ tà, đuổi lũ thần trùng đi. Hồn người chết đã được yên ổn, người sống cũng được bình yên.
Theo bà Th., có gia đình trong thôn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng, đào 5 ngôi mộ nhờ thầy trừ ma trùng. Có gia đình một đêm lật lên ba mộ, kể cả mộ đã chôn từ lâu để thầy yểm bùa. Thầy phán, gia đình nào có trùng không chữa, không đủ phép, ma trùng vẫn chưa chịu buông tha. Hồn người chết vẫn quay trở về quấy phá, đòi hỏi người thân, gây đau ốm rồi bị ma trùng bắt đi. Việc gia đình bà nhờ thầy như vậy, chẳng biết sẽ thế nào nhưng cũng hy vọng chồng bà sớm khỏe lại, không còn nỗi lo bị ma trùng bắt đi nữa.
Trần Hải