Dù đốt vàng mã không phải bắt nguồn từ nước ta mà được du nhập từ Trung Quốc thì trải dài năm tháng nơi đất Việt, đốt vàng mã trở thành tập tục có “đời sống riêng” của người Việt. Đã là tập tục, người dân chỉ biết đời trước làm thế nào, đời sau làm thế, cứ vậy thôi.
Ông bà, người thân gia đình thường nói tôi rằng: hóa vàng phải cẩn thận, đốt cho hết, không để sót, các cụ mới nhận được tiền bạc của con cháu. Điều đó, đúng hay không, không ai kiểm chứng được, ta cứ tin vào chính sự tưởng tượng của những người bề trên truyền lại.
Từng tham gia vào việc sản xuất hàng mã, có những lúc, tôi tự hỏi tại sao đốt cho các cụ tiền bạc mà không đốt thực phẩm để các cụ mua, tại sao đốt ô tô, xe máy mà không đốt nhiên liệu… vô vàn những câu hỏi tại sao. Thực ra, đốt vàng mã là tập tục mà đã là tập tục thì là của người đời đặt ra. Vậy thì đốt vàng mã người âm có nhận được không?
Câu hỏi đó chắc không thể trả lời. Thế thì, trước mắt, đốt vàng mã chính là để cái tâm của người sống thanh thản, là hành động của người sống nhớ tới người đã khuất, thể hiện lòng thành của con cháu với ông bà, tổ tiên. Vậy, đốt cũng được mà không đốt cũng chẳng sao…
Ai thấy rằng tâm mình an, thanh thản thì việc đốt hay không không quan trọng. Còn ai đã coi trọng phong tục, tập quán thì cứ tiếp tục đốt nhưng đừng quá lố, đốt một cách vô tội vạ. Dù cho quan niệm rằng trần sao âm vậy nhưng cũng không nên đốt cho các cụ "vô thiên lủng" từ túi Hermes đến điện thoại Vertu hay thậm chí cả... mô hình người mẫu.
Ta cứ nên theo tập tục của người xưa, đốt thì cũng chỉ cần tiền vàng, mũ, áo… và chú ý đến phòng cháy chữa cháy, an toàn cho mọi người là được.
Còn bỏ hay không bỏ nên là quyết định của mỗi người. Vấn đề tâm linh không thể bắt buộc trăm người như một.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân.