Giải mã chiếc hộp sọ bí ẩn
Khi câu chuyện về những người chết mất xác ở hang Trâu đã dần lùi xa dần theo thời gian, những người dân địa phương mới dám chui vào hang thám hiểm. Họ đã đốt đuốc, mang sẵn dây thừng đi vào những nơi ngóc ngách trong hang động. Ông Bùi Văn Nam - một trong những người thám hiểm kể lại: "Phải mất khá nhiều ngày, mò mẫm, đánh dấu trong hang động chúng tôi mới có thể vẽ được sơ đồ đường đi lối lại trong hang.
Đến ngày thứ 7, anh em chúng tôi đi về hang phía Bắc. Có lẽ là hang sâu trong lòng núi nên không chỉ ẩm thấp mà từng luồng khí lạnh toát làm cho ai đấy cũng cảm thấy rờn rợn, đi vào sâu một chút nữa chúng tôi gặp một tảng đá chắn ngang đường đi, anh em cố gắng hò nhau đẩy ra. Một cảnh tượng kỳ vĩ hiện ngay trước mắt, phía dưới là hai dòng suối nhỏ nước chảy trong veo, phía trên là những nhũ đá phản chiếu ánh sáng lung linh, huyền ảo.
Đặc biệt hơn, ngay phía bên dòng suối nhỏ có một tảng đá vuông vức bằng hai chiếc chiếu. Mọi người không khỏi lạnh người, kinh hãi khi trên phiến đá đó là một chiếc sọ người còn tương đối nguyên vẹn đặt trên một chiếc thố bằng gốm. Giữa trán có một lỗ thủng tròn, đường kính khoảng 3mm. Khi nâng chiếc đầu lên thì trong thố còn có một chiếc rìu đá, một chiếc đục đá, một mảnh xương có vết mài và hai mảnh vỏ trai biển".
Chẳng biết chiếc sọ người tìm thấy trong hang như thế nào, nhưng người dân nơi đây lại được dịp xôn xao bàn tán về ma Minh Tinh. Người thì cho rằng chiếc sọ người chắc có liên quan đến ma Minh Tinh, người thì lại quả quyết, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
> Đọc thêm kỳ trước: Những cái chết bí ẩn ở hang hiến tế
Chiếc hộp sọ được xác định có niên đại gần 3.000 năm đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình.
Khi trở về, đoàn thám hiểm đã báo với cơ quan chức năng về chiếc sọ người kỳ lạ được tìm thấy trong hang. Sau đó, bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã cử người về đưa hiện vật về phục vụ công tác nghiên cứu và giải mã chiếc hộp sọ.
Để tìm hiểu thêm thông tin về chiếc sọ người này, chúng tôi đã tìm đến bảo tàng tỉnh Hòa Bình nơi đang trưng bày những hiện vật đã tìm thấy ở hang Trâu. Theo như nghiên cứu ban đầu thì chiếc thố được làm từ một chất liệu gốm thô, pha nhiều cát, độ nung không cao, có dáng như một lẵng hoa, cao khoảng 17cm, đường kính miệng khoảng 19cm. Thố có mầu nâu đỏ, được trang trí hai băng hoa văn khắc vạch hình "răng sói" ở phần miệng và chân đế. Chiếc thố còn có hai đường gờ đắp nổi trang trí trên thân. Ở phần mép chân đế lại có hai lỗ thủng, tròn, có tác dụng xuyên dây để treo thố. Điều đó chứng tỏ chiếc thố này là đồ dùng sinh hoạt thường ngày, mang giá trị thực dụng chứ không phải là đồ được làm ra để chôn theo người chết.
Về những vật trong chiếc thố như chiếc rìu đá và đục đá được mài nhẵn toàn thân, lưỡi sắc bén làm từ đá cứng màu đen xám là những công cụ lao động hữu hiệu của người xưa. Chiếc thố gốm mang dáng vẻ và hoa văn của loại đồ gốm trước thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cùng với những rìu đá đục đá có thể ước đoán các hiện vật có niên đại thời tiền sử cách đây khoảng vài nghìn năm. Ngoài ra, bên trong thố còn có mặt của vỏ trai biển chứng tỏ người tiền sử thời này rất quý trọng những sản phẩm đến từ biển. Đặc biệt là ngoài nhóm hiện vật và chiếc sọ người, không còn tìm được bất kỳ một mẩu xương nào khác nữa ở khu vực tìm thấy hiện vật, dẫu chỉ là những mảnh xương nát vụn.
Minh chứng cho tục hiến tế người từng tồn tại?
Tuy nhiên, đối với chiếc sọ người trong một không gian kỳ bí ở một vùng núi hẻo lánh thì đến nay vẫn chưa có một kết luận chính thức, vẫn còn chứa đựng nhiều ẩn số và những giả thuyết. Có thể đây là một cách thức chôn cất theo phương thức "địa táng". Cách chôn phổ biến thời bấy giờ là đào huyệt mộ để chôn nguyên xác trong quan tài gỗ hoặc trong một chiếc chum gốm to rồi vùi lấp lại, đôi khi đắp nấm mồ (gọi là địa táng) như ở các khu mộ địa. Ở một số nơi thì người dân còn có cách mai táng và "bảo quản" riêng đầu lâu người quá cố. Sau khi chôn người chết vài năm, họ rửa sạch sọ, rồi đem về giữ ở nhà, lại còn lấy đất sét đắp lên sọ "cho có da, có thịt" để cất giữ lâu dài. Tuy cũng là cách giữ gìn riêng phần sọ mà bỏ phần thân, nhưng tục lệ này cũng không giải thích được với trường hợp của sọ người ở xóm Chũm, bởi trong hang cũng chỉ có một chiếc sọ người duy nhất chứ không phải như một khu nghĩa địa của người xưa.
Hang trâu là nơi phát hiện nhiều di tích khảo cổ giá trị.
Điều đáng lưu ý chính là lỗ thủng tròn trịa ở giữa trán sọ. Lỗ thủng này do một vật nhọn sắc và rất cứng gây ra. Qua nghiên cứu lỗ thủng để lại có kích thước nhỏ. Lỗ thủng tròn để lại giữa trán có lẽ đã nói lên nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong. Phải chăng mũi nhọn của ngọn giáo đồng hay đầu mũi tên đương thời đã gây nên cái chết bất đắc kỳ tử này. Có thể sau khi nạn nhân bị cắt lấy đầu và đưa vào hang sâu xóm Chũm làm lễ tế thần. Họ trân trọng nghi lễ này bằng cách đặt đầu người một cách ngay ngắn vào một chiếc thố bằng gốm thuộc loại đẹp, lại không quên bỏ vào đấy những chiếc rìu đục thường ngày sử dụng và những mảnh vỏ trai được mài nhẵn óng ánh mà thời đó có thể là những vật trang sức quý giá. Theo như giả thuyết này thì chiếc sọ liên quan đến một tín ngưỡng rất cổ xưa có ở nhiều nơi trên thế giới và ở Đông Nam Á, đó là tục hiến tế.
Từ thuở xa xưa, con người "sợ" đủ thứ. Vì thế, sinh ra đủ loại thần thánh cứu giúp chúng sinh. Nhất là những lúc thiên tai ập đến. Người xưa giải thích lũ lụt là do thần Hà Bá, sét đánh là do Thiên Lôi, cháy cả làng là do Hỏa Thần... Hay cũng chỉ là sự cầu mong cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa mà sinh ra cúng thần thánh, lập đền thờ. Và đi kèm bao giờ cũng có vật hiến tế như tế thần Hà Bá là trâu, bò, lợn, gà còn sống và đôi khi còn là những thiếu nữ xinh đẹp. Trong tất cả các lễ hiến tế thì lễ hiến tế người là khủng khiếp nhất.
Ông Lê Quốc Khánh, phó giám đốc bảo tàng tỉnh Hòa Bình cho biết: "Khi nghe thông tin về việc người dân xóm Chũm, xã Trung Sơn tìm thấy chiếc sọ người chúng tôi đã về tận nơi để tiếp nhận hiện vật. Qua nghiên cứu hiện vật có niên đại cách đây khoảng 2.700 năm. May mắn thay, nhờ những hiện vật khảo cổ quen thuộc mà có thể đoán định được niên đại và phần nào thân phận bất bình thường của người quá cố, cũng như về một tục lệ cổ xưa ở khu vực Hòa Bình". Tuy nhiên để làm rõ, cũng cần các nhà khoa học quan tâm vào cuộc.
Vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về tục hiến tế Theo các cụ già làng, căn cứ vào kích thước hộp sọ, độ dày của xương, mạch ghép của các mảng sọ, vài chiếc răng tiền hàm trên còn sót lại thì có thể xác định đó là xương của một người đã trưởng thành... Rất tiếc là không tìm được xương thân người, như xương chậu chẳng hạn để có thể giám định chính xác đây là đàn ông hay đàn bà. Do đó vẫn chưa thể kết luận cụ thể về tục hiến tế này. |
Thế Hoàng