Hỏa táng người chết trực tiếp ngoài trời
Từ TP.HCM đi hơn 100 cây số, chúng tôi đã đến được chùa Thác Rác ở huyện Châu Thành. Biên giới những ngày cuối năm lạnh lẽo, vắng lặng. Sựå hiu quạnh đó càng trở nên ảm đạm khi chúng tôi được nhà sư Noo Han, trụ trì chùa Thác Rác dẫn đi thăm nơi diễn ra những cuộc hỏa táng của cộng đồng người Khơ Me…Đó là một bãi đất trống nằm ở phía Tây nhà chùa, khá rộng rãi, ngổn ngang những khúc củi chưa đốt hết còn xót lại ở đằng sau nhà chùa
Chỉ tay về khúc gỗ to còn vương lại đống tro tàn, thầy Noo Han chia sẻ: "Ở ấp Bến Cừ hầu hết đều là người Khơ Me sinh sống, họ tiếp thu quan niệm sinh tử của đạo Bà La Môn giáo. Người Khơ Me quan niệm, con người được hình thành từ vũ trụ. Khi chết, con người tiểu vũ trụ lại trở về với đại vũ trụ nên thi hài phải nhanh chóng thiêu đi để linh hồn không còn nơi bám víu, nhanh chóng trở lại với đại vũ trụ để lại tách ra đầu thai vào kiếp khác. Vì thế, tang lễ được tiến hành theo nghi thức hỏa táng với quan niệm sẽ thiêu đốt hết mọi tội lỗi trước khi sang kiếp khác.
> Đọc thêm: Tục bú vú cứu trẻ thoát khỏi hủ tục chôn con theo mẹ
Mỗi khi có người chết cộng đồng người Khe Me lại tiến hành hỏa táng ngoài đồng ruộng.
Cũng theo thầy Noo Han, khi gia đình có người qua đời, một trụ trì của chùa sẽ hướng dẫn liệm xác, không được bọc nhiều vải để dễ thiêu xác, chỉ thay quần áo mới, bỏ vào miệng thi hài vài đồng tiền với quan niệm để người chết có tiền đi đường, phủ miếng vải trắng lên mặt. Sau đó, thầy trụ trì và các sư sãi trong chùa vừa tụng kinh vừa hướng dẫn đặt thi hài vào quan tài cho ngay ngắn. Nhà giàu có áo quan riêng bằng gỗ tốt, sơn vẽ trang trí, thiêu xác luôn cùng áo quan. Nhà nghèo thì mượn áo quan của nhà chùa, khi thiêu thì rút tấm ván hậu cho thi hài lọt xuống đống củi thiêu, quan tài được tẩy uế trả lại cho nhà chùa để người sau mượn tiếp.
Trước khi tiến hành đưa người quá cố ra ngoài đồng, ruộng hỏa táng, trụ trì của chùa và các vị sư sãi ngồi phía đầu quan tài của người chết. Thầy trụ trì một tay cầm lá cờ trắng vẽ hình cá sấu xua đuổi tà ma, tay còn lại cầm cái phạng treo nồi đất, ý nghĩa là cuộc đời con người như cái nồi đất được nặn chế ra, sử dụng đến khi hư hỏng đến khi qua đời. Nồi đất sau đó được treo vào một chỗ nào đó hoặc đem biếu cho thầy trụ trì. Trên đường đưa tang, thầy trụ trì tung rắc cốm (bằng thóc ngâm nước phơi khô, rang nổ bông), ý là con người sống bằng lúa gạo khi chết có nhiều lúa gạo để rang cốm sẽ không bị đói.
Bên cạnh đó, một thủ tục không thể thiếu khi hỏa táng, quan tài được rước vòng quanh chỗ thiêu 3 vòng từ phải qua trái, từ dương sang âm, ý là người chết từ cõi dương về cõi âm. Thầy trụ trì được mời châm lửa thiêu xác. Trong khi thiêu, các nhà sư liên tục tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát, đồng thời các nhà sư làm lễ xuống tóc cho con hoặc cháu trai người quá cố vào chùa tu hành báo hiếu, để đền đáp ơn nghĩa người quá cố.
Củi để thiêu người chết được huy động từ quần chúng nhân dân và nhà chùa, nhưng phải là những loại gỗ tốt được đốn hạ ở rừng về. Vì có củi tốt thì than mới hồng, hỏa táng mới nhanh chóng. Xung quanh bãi hỏa táng, lúc nào cũng có người canh chừng cho lửa âm ỉ đến khi thành tro tàn mới thôi, đây là cách những người trước khi chết tin rằng linh hồn họ sẽ được siêu thoát và lên cõi tiên.
Tro cốt của người chết được người Khơ Me đựng trong một cái bát rồi để vào tháp chung xây trong chùa.
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường
Trung bình, thời gian thiêu xác mất khoảng từ 4-6 tiếng đồng hồ. Theo tín phong tục của người Khơ Me, cuộc hỏa táng gọi là hoàn thành đồng nghĩa với việc hộp sọ của người chết nổ tung, quả tim phải cháy hết, xương cốt thành tro vụn thì đó là lúc linh hồn của họ được siêu thoát. Nếu hộp sọ không nổ, người thân của người chết phải tang phải đập cho hộp sọ vỡ ra trước khi ngọn lửa tắt. Sau khi hỏa táng xong, người thân của người chết sẽ hốt một ít tro cốt bỏ vào bát hoặc hũ. Sau đó, đem cốt vào tháp chung của cả đại gia đình xây trong khu vực chùa.
Dẫu rằng, hỏa táng là một phong tục tập quán có từ lâu đời của cộng đồng người Khơ Me, nhưng đây không phải là một giải pháp tốt đối với cuộc sống thực tại. Nói về điều này, thầy Noo Han bày tỏ: "Mỗi khi tiến hành thiêu người chết phải tốn rất nhiều củi, còn khói bay mù mịt khắp làng xóm. Mỗi khi có người chết y như rằng ấp Bến Cừ lại bị từng mảng khói dày đặc bao trùm, người đi đường không tránh khỏi mắt cay nhức, ở đâu cũng ảm đạm một màu không khí sặc mùi gỗ cháy, phảng phất đâu đó một mùi hương khét lẹt. Đó là cảnh tượng điển hình của tục hỏa táng người chết của người Khơ Me ở Tây Ninh, một phong tục truyền thống của người Khơ Me theo đạo phật Tiểu Thừa.
Thực tế, việc hỏa táng được thực hiện ngay giữa thanh thiên bạch nhật bằng phương pháp thủ công của Khơ Me đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chị Nguyễn Thủy Trân, ngụ tại xã Ninh Điền búc xúc nói: "Nhiều năm nay, nhiều người dân sống quanh khu vực bãi hỏa táng của cộng đồng người Khơ Me cảm thấy rất ám ảnh. Mỗi lần có người chết, y như rằng khói thiêu bốc lên mù mịt và bay vào nhà dân, nhiều người chịu không nổi phải đi ra khỏi nhà hàng giờ đồng hồ liền. Có khi đứng xa hàng trăm mét cũng thấy. Đó là chưa nói đến mùi khét. Mỗi lần cơm nước, khói bốc vào nhà là bỏ ăn.
Trụ trì Noo Han tâm sự: "Nhiều người dân đã phàn nàn về tục thiêu người chết ngoài đồng ruộng của người Khơ Me. Nhưng do kinh phí của chùa cũng như của người dân còn hạn hẹp nên chưa thể xây được nhà hỏa táng. Trước các cuộc họp dân cư, trụ trì cùng nhân dân đã kiến nghị lên chính quyền địa phương để xin hỗ trợ xây nhà hỏa táng. Có lẽ trong thời gian tới, ấp Bến Cừ nói riêng và địa bàn sinh sống của công đồng người Khơ Me sẽ có nhà hỏa táng. Khi ấy, người dân sẽ không còn nhìn thấy cảnh thiêu người chết ngoài đồng ruộng ngoài nữa”.
Không chỉ người Khơ Me thiêu người chết Tại thành phố thánh Varanasi, một trong những nơi đáng xem nhất được quảng cáo bởi ngành du lịch Ấn Độ, lễ hoả táng người đã khuất vẫn thịnh hành. Nhiều du khách tận mắt chứng kiến cách tiễn đưa người chết này nói rằng họ cảm thấy ghê rợn, khủng khiếp. Tuy vậy, dưới con mắt của tín đồ Hindu giáo, cái chết là sự khởi nguồn của mọi niềm hạnh phúc, an lạc mà con người không nên né tránh. Chính phủ Ấn Độ cũng đã nỗ lực giải quyết bằng phương án xây dựng lò hỏa táng bằng điện bên cạnh sông Hằng vào những năm 1990. Tuy nhiên, thay đổi tín ngưỡng tôn giáo một sớm một chiều là điều hết sức khó khăn, thêm vào đó, nhiều người vẫn chọn cách truyền thống để tiễn đưa người thân của mình về nơi an nghỉ. |
Quyên Triệu - Hương Lam