Làm giỗ sống cho những đứa con
Bru-Vân Kiều (gọi tắt là Bru - PV) là một trong ba dân tộc bản địa cư trú ở miền núi tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Xưa kia, người Bru đã từng sinh tụ ở miền Trung Lào, sau do những biến động lịch sử họ phải di cư, một bộ phận đi theo hướng Tây Bắc sang Thái Lan, một bộ phận đi về hướng Đông tụ cư ở phía Tây Quảng Trị, họ dựng làng ở xung quanh hòn núi Viên Kiều (Vân Kiều), về sau người Việt lấy tên của hòn núi đặt cho một tổng của người Bru và từ đó cái tên Vân Kiều mới được hình thành. Phần đông người Vân Kiều cư trú trong các làng tương đối biệt lập trên đồi hoặc lưng chừng núi, dọc theo những con nước. Nếu người Kinh ở dưới dãy núi Trường Sơn định cư có tục thờ người chết, thì người Vân Kiều ở trên những ngọn núi hùng vĩ lại có tục thờ người sống hết sức kỳ lạ.
Già làng Hồ Xuân Thoàng (ngụ xã Hướng Hiệp) tự hào kể về phong tục của đồng bào mình. Đứa trẻ lúc mới sinh ra, được cúng lễ Rặp chiết để rước hồn từ trời về. Già làng sẽ buộc sợi chỉ đỏ nhuộm từ cây cỏ máu vào tay đứa bé, đánh dấu việc khởi nguồn sự sống. Sau khi làm lễ, cha của đứa bé theo chân già làng đến Miếu Giàng xem quẻ để biết linh hồn nhập vào đứa bé là của người thân đã quá cố, hay thần linh từ trên trời xuống trần gian đầu thai làm người. Sau khi biết rõ gốc tích, người cha lên rừng đốn cây tre khỏe nhất về làm nhà ở cho linh hồn, nơi khởi nguồn sự sống của con cái họ.
Kệ thờ trong nhà phên của người Vân Kiều
Niềm tin mãnh liệt thế giới tâm linh Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Sáu (Phó chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp) cho biết: "Người Bru tại địa phương còn lưu giữ khá nhiều tập tục truyền thống của họ. Xét thấy đó là những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, không có tính mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào, nên chúng tôi cũng không can thiệp gì. Ngày nay, người già trẻ nhỏ đồng bào Bru khi bị đau ốm họ vẫn đến bệnh viện khám chữa bệnh và mua thuốc theo sự tuyên truyền của Nhà nước. Nhưng trước khi đi, họ vẫn vào khấn vái nhà Phên, bởi niềm tin của họ vào thế giới tâm linh này là rất lớn". |
Gia đình người Bru theo chế độ gia đình nhỏ phụ quyền do người đàn ông già nhất làm chủ. Mỗi ngôi nhà đều có hai cửa chính, một dành cho nữ, một cho nam và khách nam, cách bố trí không gian trong nhà phân biệt nam nữ rõ ràng. Người dân nơi đây cho biết, phải có nhà riêng cho người phụ nữ sinh con bởi vì căn nhà chính phải luôn được giữ gìn sạch sẽ. Nếu không may mà người phụ nữ sinh con trong nhà thì trong ba ngày đầu tiên gia đình đó phải làm sáu bữa cơm để làm lễ "rửa nhà và đặt tên cho cháu bé". Làm lớn hay nhỏ là tùy thuộc theo kinh tế của mỗi gia đình nhưng nhất thiết phải làm để mong nhận được sự tha tội của thần linh. Rồi sau đó mới đi xóc quẻ, làm nhà Phên (tên gọi của nhà ở cho linh hồn - PV) cho linh hồn cháu bé.
Khi lên tám tuổi, những đứa trẻ được thực hiện một lễ cúng sống nữa, ấy là lễ Xana chiết, được hiểu là lễ mừng cái hồn trên trời được phái vào nó từ nhỏ, lớn lên cùng với thể xác. Cho đến khi 18 tuổi, đủ tuổi trưởng thành chúng được cúng thêm một lễ gọi là Rặp chămparơ. Ngoài ra, hằng năm các gia đình Vân Kiều phải tổ chức giỗ cúng nhà Phên vào đúng ngày 18 tháng 8 âm lịch, khi con trăng trên núi chếch về phía tây, ngày mà thần linh của người Vân Kiều xuống thăm nom thể xác.
Già làng Hồ Xuân Thoàng cho biết: "Người Bru từ lúc mới sinh đã có riêng cho mình một ngôi nhà Phên để linh hồn của họ trú ngụ. Nhà Phên được lập để tỏ lòng thành kính đối với vị thần linh hoặc người thân đã che chở cho họ, nhờ vậy mà họ mới thoát khỏi ốm đau, bệnh tật, có sức để sống với rừng, với bản. Vì thế mà vào lễ cúng nhà Phên hằng năm, bản làng vui như hội, người người, nhà nhà hát ca, mổ heo gà thiết đãi lẫn nhau, nguyện cầu linh hồn bảo vệ họ được bình an vô sự ".
Trả linh hồn về cho Ma Xứ
Mỗi linh hồn chỉ bảo vệ một người nên từ khi ra đời mỗi thành viên người Bru đều có riêng cho mình một cái nhà Phên. Người làng Pa Loang kể rằng, linh hồn có hai dạng, một là thiên thần từ trên trời xuống hai là do người quá cố trong gia đình nhập vào. Nếu linh hồn là thiên thần thì nhà Phên sẽ có hình nhỏ và nhọn như hình cái nón còn nếu là người quá cố thì nhà Phên sẽ có hình tròn và trên hình tròn đó sẽ có một cái bát. Cái bát đó phải lớn, có màu sắc hoa văn đẹp nhưng điều quan trọng nhất là chiếc bát phải đặt vừa khít trong giỏi tre có như vậy nhà Phên của người quá cố mới có thể bảo vệ cho thể xác họ nhập vào.
Nhà Phên phải do chính tay người cha làm nên, sau khi hoàn thành người mẹ bỏ vào đó ba miếng trầu rừng, rồi làm lễ rước nhà Phên lên kệ thờ sát mái nhà sàn. Chúng được đặt ở vị trí cao, trang trọng trong nhà, ở phía hai bên bàn thờ tổ tiên. Tùy vào tuổi và cấp bậc mà vị trí của nhà Phên được đổi thay theo năm tháng. Một số nhà Phên khi có yêu cầu được đặt phía trên gần bàn thờ tổ tiên thì phải làm lễ cúng trâu, bò tùy theo yêu cầu và phải được dòng tộc đồng ý. Nhà Phên gắn với người Bru kể từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Để gìn giữ ngôi nhà linh thiêng ấy suốt mấy chục năm trời, hằng năm các nam nhân trong nhà phải lặn lội lên rừng tìm kiếm một loại nhựa cây đem về phết vào nhà Phên, nhờ vậy mới không bị mối mọt xâm hại.
Già làng Hồ Xuân Thoàng kể: "Người Vân Kiều quý nhà Phên như mạng sống, nâng niu thờ phụng hơn cả báu vật. Ngày trước chiến tranh, giặc Pháp, giặc Mỹ cày xới hết núi rừng buộc dân làng phải rời khỏi bản, của cải, cơm gạo không kịp mang theo nhưng ai cũng phải đem theo nhà Phên để khi nào có chỗ ở ổn định lại đem ra thờ cúng". Dân bản Pa Loang cho biết, nếu trong nhà có người chết, buồng ngủ của người đó được phá ra, thi thể được đặt trong quan tài thường làm bằng vỏ cây, đan bằng giang, hay khúc gỗ bổ đôi khoét giữa, chôn xong bỏ hẳn, không mai táng. Nhà Phên cũng được chôn cùng với người đó, hoặc hóa vàng mã sau ba ngày chôn cất chứ không giữ lại trong nhà nữa.
Lý giải điều này, già làng Thoàng cho biết thêm: "Chỉ đến khi mất, cả con trai, con gái mới được đi qua Miếu Giàng. Đến cửa Miếu, họ trao nhà Phên cho quản miếu để Ma Xứ biết rằng linh hồn của người hay thần linh nhập vào họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Lúc này, Ma Xứ lại tiếp tục giao nhiệm vụ cho linh hồn người mới mất đi tìm thân xác khác (những đứa trẻ mới sinh trong dòng tộc) để nhập vào và bảo vệ chúng suốt cuộc đời. Người Vân Kiều chúng tôi là vậy, sống khôn thác thiên để còn bảo vệ thế hệ kế tiếp bởi sự sống của hiện tại phải được bắt nguồn từ quá khứ".
Ái Linh