Theo các chuyên gia văn hóa, ngày Thanh Minh là một trong 24 tiết khí (tính theo lịch tiết khí). Theo đó, Tiết Thanh Minh (hay còn gọi là Tết Thanh Minh) thường bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5/4 dương lịch cho đến hết 20 hoặc 21/4 dương lịch.
Thanh có nghĩa là trong, Minh có nghĩa là sáng. Vì vậy Tiết Thanh Minh được coi như khoảng thời gian khí trời trong sáng và thanh khiết. Đây là thời điểm các thành viên trong gia đình cùng nhau đi tảo mộ, dọn dẹp sạch sẽ phần mộ của cha ông, tổ tiên. Đây cũng được coi là ngày giỗ chung để mọi người cùng nhau báo hiếu phần nào ơn nghĩa sinh thành, tạo dựng của tổ tiên mình.
Theo tính toán khoa học thì năm 2017, Tiết Thanh Minh sẽ bắt đầu vào hôm nay, thứ Ba, ngày 4/4, tức mồng 8 tháng 3 năm Đinh Dậu.
PV báo Người Đưa Tin đã có dịp tham dự một ngày lễ Thanh Minh tại Tiên Minh, Tiên Lãng, Hải Phòng. Với người dân nơi đây, năm nào cũng vậy, đến ngày lễ Thanh Minh, con cháu dù làm ăn, học tập ở đâu cũng sắp xếp thời gian tìm về bên gia đình, cùng nhau dọn dẹp phần mộ cha ông, sắm chút lễ mọn để tưởng nhớ công ơn những người sinh thành.
Thanh Minh cũng là dịp để thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau về gốc tích, truyền thống gia đình, gắn bó tình cảm giữa các thế hệ.

Vào dịp Thanh Minh, đường phố đông đúc hơn ngày thường. Hoa quả được người dân mang theo trên đường về quê Thanh Minh.

Các em bé cũng được theo mẹ đi sắm lễ.

Dọn dẹp cỏ rợp xung quanh các phần mộ là việc làm không thể thiếu trong ngày Thanh Minh.

Những mâm lễ được sắp sửa đơn giản với lòng thành kính, là tâm đức của người đang sống với người đã khuất.

Thế hệ đi trước truyền dạy cho thế hệ sau về những nghi thức cần phải làm trong ngày lễ Thanh Minh.

Những nén hương thơm tỏ lòng thành kính.

Em Đỗ Bảo Hiếu, 9 tuổi, theo gia đình cùng đi tảo mộ để hiểu hơn về ngày lễ Thanh Minh cũng như tình cảm gia đình, nhớ ơn tổ tiên.

Cả gia đình cùng nhau chắp tay vái lạy, nghiêm trang trong thời khắc thiêng liêng của đất trời.

Không chỉ thắp hương lên phần mộ của người thân, bà Đỗ Thị Nghi còn thắp nén hương thơm cho các phần mộ bên cạnh, để người mất được "sưởi ấm" bằng tình cảm của người sống.

Gia đình ông Đỗ Văn Vượng làm lễ Thanh Minh. Theo thông lệ, người con trưởng trong gia đình sẽ là người đọc văn cúng, các thành viên khác trong gia đình làm lễ vái.

Lòng thành kính được thể hiện từ trong tâm mỗi người một khác.

Hàng năm, dù bận rộn với công việc nhưng anh Lê Quang Minh vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để đưa bố mẹ về quê Thanh Minh, bởi đây không chỉ là một ngày lễ, Tết mà nó còn là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ.

Những nén hương được chuẩn bị chu đáo trước khi mang xuống mộ.

Thành tâm đứng trước mộ phần của người đã khuất.

Con đường làng vốn bình yên bỗng trở nên náo nhiệt hơn vào những ngày này bởi gia đình nào cũng đi tảo mộ.

Thanh Minh trong tiết tháng Ba...

Những chiếc xe đỗ dọc con đường quê xanh mướt màu lúa mới.

Trong dịp lễ Thanh Minh, người thân quen, họ hàng lâu ngày không gặp có dịp tay bắt mặt mừng, cùng nhau nhắc nhớ về truyền thống gia đình.

Có những thời điểm, đường quê cũng tắc nghẽn như phố thị.
Bài và ảnh: Dương Thu