Rợn người với những chiếc chân treo gác bếp
Vượt qua hơn 30km đường núi đá nhấp nhô, khúc khuỷu, một bên là núi đá, một bên là vực sâu, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được những nhân vật đặc biệt, người treo chân trên gác bếp. Đó là chàng thanh niên người Mông tên Mìn Hoa, (SN 1982) ở đội 2 thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân, huyện Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang. Ngôi nhà của Mìn Hoa được dựng cheo leo giữa lưng chừng núi, mọi thứ trong nhà rất sơ sài, ẩm mốc. Ngay cạnh chiếc giường cũ kĩ là một bếp lửa đun bằng củi.
Theo quan niệm của người Mông, việc đun nấu ngay cạnh giường ngủ sẽ giúp cho họ xua tà ma và thú dữ. Cũng chính vì quan niệm này mà mọi vật dụng trong nhà từ nồi niêu, xoong chảo, chăn gối, giường ngủ... đều nhuốm màu cáu ẩm, mốc meo. Sùng Mí - cô vợ trẻ xinh đẹp của Mìn Hoa mời chúng tôi vào nhà bằng thứ tiếng Mông đặc sệt. Tuy nhiên, sự giao tiếp giữa khách và chủ đều thông qua ánh mắt, cử chỉ và sự phiên dịch của anh Giàng Seo Quả, trưởng thôn.
Ông Hàu Diện Chảo cũng có 1 chiếc chân treo gác bếp và hàng ngày ông phải di chuyển bằng chân giả.
Ở nơi thâm sơn nên công việc hàng ngày của Mìn Hoa là lên núi làm nương và thỉnh thoảng cầm bẫy, vác súng vào rừng săn con chim, con thú để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Bữa ăn của gia đình chủ yếu dựa vào lương thực ngô tự trồng trên nương, thi thoảng có chút gạo cải thiện. Cuộc sống của Mìn Hoa tưởng chừng cứ thế êm trôi như những hộ dân ở Mã Hoàng Phìn, vậy mà năm 2007, trong một lần phát nương anh vô tình giẫm phải mìn. Ngày gặp nạn, cứ ngỡ đây là dấu chấm hết cho cuộc đời mình nhưng nhờ sự động viên và giúp đỡ của cán bộ biên phòng đã giúp Mìn Hoa có thêm nghị lực sống.
Tuy nhiên, điều lạ lùng mà chúng tôi nghe Mìn Hoa kể chính là việc anh có một quyết định: Lấy phần chân đã bị mìn cắt sấy khô rồi treo trên gác bếp. Sợ hãi hơn, thỉnh thoảng Mìn Hoa lại lấy cái chân "hun khói" ấy của mình xuống cho mọi người "thưởng lãm". Cái chân xấu số ấy sau mấy năm bị hun khói trên gác bếp cũng đã teo tóp lại khô đét và đen sì, nhìn mà rợn người. Chiếc áo cũ của Mìn Hoa gói chiếc chân đó cũng bị đóng mấy tầng ám muội bởi bị gác bếp lâu ngày. Phần xương ống chân trơ ra như khúc củi khô đen kịt, nhìn bên ngoài, bàn chân còn nguyên hình dạng, rất khủng khiếp.
Cùng thôn Mã Hoàng Phìn còn có anh Sào Trung (xóm 2) cũng là nạn nhân của thứ vũ khí quái ác. Năm 2009, quả mìn sót nằm ngay tảng đá lớn, nơi mấy mùa rẫy anh vẫn thường lấy làm chỗ nghỉ ngơi đã cắt mất phần chân Sào Trung. Bao lần qua lại chẳng sao, thế nhưng hôm ấy, vừa đặt chân đến thì một tiếng nổ chát chúa vang lên khiến anh ngất lịm. Khi tỉnh dậy, anh đã hốt hoảng và đau đớn khi thấy chân trái của mình đã bị mìn nổ dập nát.
Tại thôn Mã Hoàng Phìn và thôn Hoàng Lì Tả, xã Minh Tân, số người trúng mìn như Mìn Hoa và Sào Trung không ít. Điều kỳ lạ là hầu hết họ đều mang phần thân thể bị nạn treo trên gác bếp để phơi khô (như một hình thức ướp xác- PV). Điều này khiến không ít người cảm thấy kinh hãi khi nghe nói đến mảnh đất đầy chết chóc này. Anh Vàng Seo Quả, trưởng thôn Mã Hoàng Phìn cho biết: "Tại thôn Mã Hoàng Phìn tình trạng bom mìn làm người dân bị thương và thiệt mạng khá nhiều. Mặc dù Nhà nước và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc rà soát tháo gỡ nhưng số lượng bom mìn ẩn dưới lòng đất chỉ vơi bớt phần nào. Chính vì thế, người dân nơi đây hàng ngày vẫn phải sống trong sự sợ hãi bởi dưới chân họ có thể có những quả mìn đang chờ thời cơ phát nổ".
“Lưu giữ thân thể” để khi về với tổ tiên còn nguyên vẹn
Qua trao đổi với người dân và các cán bộ địa phương, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đau thương xảy ra trên vùng đất địa đầu Tổ quốc này. Kỳ lạ thay, sau khi gặp nạn họ đều đem phần thân thể bị mìn phá huỷ lưu giữ lại như một món đồ quý. Có tận mắt chứng kiến và chính tai nghe được chúng tôi mới biết hết những điều ly kỳ đằng sau những cái chân được gác bếp đến teo tóp, khô đét nhìn rất kỳ dị...
Thực tế không phải như một số lời đồn đại rằng "họ treo chân để làm kỉ niệm", mà bởi người Mông có rất nhiều phong tục độc đáo, thậm chí có phần hơi kỳ lạ. Một trong những tập tục đó là lưu giữ thân thể một cách đầy đủ trước khi về với tổ tiên. Giải thích cho tập tục này, anh Vàng Seo Quả cho biết: "Người Mông chúng tôi có tập tục rằng khi một ai đó mất một phần thân thể như đứt chân, lìa tay... đều phải giữ cái phần mất đi ấy lại cho đến khi chết. Lúc chết phải chôn đầy đủ các bộ phận trên người thì tổ tiên mới nhận. Nếu người chết mà không đủ các bộ phận hoàn chỉnh thì tổ tiên không nhận. Do vậy, người Mông khi gặp nạn mới chọn cách hong khô để bảo quản các bộ phận thân thể như vậy". Theo tục của người Mông, người chết sẽ được cúng cơm treo trên gác bếp từ 2 -3 ngày. Và tục treo chân gác bếp thực chất chỉ là một phong tục "giữ nguyên vẹn thân thể để gặp tổ tiên" của người Mông.
Ngoài Mìn Hoa, Sào Mí Trung còn có Hàu Mí Chảo, đội 3 thôn Mã Hoàng Phìn, anh Giàng Đức Vần đội 2, thôn Hoàng Lỉ Pả, xã Minh Tân cùng rất nhiều người khác cũng treo chân hun khói trên gác bếp như vậy.
Đánh đổi mạng sống vì miếng cơm manh áo
Ở cực Bắc xa xôi của tổ quốc không thiếu những cảnh ngộ bi thương do vấp phải bom mìn. Thế nhưng có lẽ gia đình ông Nguyễn Văn Khắp ở xã Phương Tiến (Vị Xuyên) là bất hạnh nhất. Câu chuyện mà chúng nghe kể trong căn nhà tạm bợ ngay sát đường lên cửa khẩu Thanh Thủy mới thấy được những chông gai mà người đàn ông khắc khổ, đen đúa này phải trải qua từng ấy năm ròng.
Ông kể, năm 1997, trong một lần vào rừng lấy gỗ, ông đã vô tình giẫm lên quả mìn. Sau cú nổ kinh hoàng, ông bị mất hẳn một chân bên phải. Vết thương đó mỗi khi thời tiết thay đổi lại nhức đau, hành hạ. Cũng năm ấy, người vợ của ông cũng đột ngột ra đi, bỏ lại ông với cái chân tàn phế. Năm 2003, một vụ nổ mìn nữa lại tiếp tục cướp đi đôi chân của người em trai ông. Tưởng rằng với những hiểm nguy mà gia đình ông đã gánh chịu, ông sẽ lánh xa nghề dò tìm phế liệu, nhưng cũng chỉ vì cuộc mưu sinh, hàng ngày người đàn ông này vẫn phải đánh liều với số phận. Không chỉ gia đình ông Khắp mà ở xã Phương Tiến này có hàng chục hộ gia đình chấp nhận đánh đổi mạng sống cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo.
Hà Giang là vùng đất có lịch sử đấu tranh, diệt Phỉ (1945- 1967) lẫy lừng, anh dũng. Nhưng cùng tại nơi biên ải xa xôi này, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số: Còn nhiều khó khăn, đặc biệt là 4 huyện miền cao nguyên đá: Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc. Bởi đặc điểm vùng cao nguyên núi đá chỉ toàn là núi đá khắc nghiệt, hiểm trở, hầu như thứ lương thực duy nhất chỉ có ngô. Người ta thường lên nương đi tìm vỏ bom mìn vụn để bán đồng nát, sắt vụn, cải thiện cuộc sống.
Chưa có con số thống kê chính xác về số lượng thương vong vì bom mìn hậu chiến tranh trên địa bàn, thế nhưng, tới những nơi trước đây là điểm nóng của cuộc chiến, chứng kiến nhiều người trên mình mang đầy thương tích cũng đủ biết con số trên là không nhỏ. Dù đã nhiều lần rà phá nhưng mìn thời chiến vẫn còn vương vãi ở rất nhiều nơi trên địa bàn xã, đặc biệt là hai bản Mã Hoàng Phìn và Hoàng Lỳ Pả. Hai bản có hơn 100 hộ dân, nhưng từ khi bản làng im tiếng súng đến nay đã có gần 40 trường hợp không may dính phải thứ mìn sát thương khủng khiếp này. Kinh hãi hơn, chỉ tính riêng ở hai bản trên đã có 15 người phải thiệt mạng do "hung thần" rơi vãi thời hậu chiến.
Triều Xuân - Nguyễn Bắc