Răng càng nhọn càng đẹp
Được bao quanh bởi những khu rừng mưa nhiệt đới và đắm mình trong màu sắc huyền bí của tín ngưỡng địa phương, Mentawai xứng đáng cho một chuyến phiêu lưu hấp dẫn đến nơi này. Khoảng cách giữa đất liền và Mentawai không lớn nhưng đây vẫn được xem là một trong những nơi cô lập nhất ở Indonesia. Nhiều du khách khi đến với bộ tộc đều sững sờ trước sự thô sơ và hoang dã của con người nơi đây.
Khi bước chân lên hòn đảo Siberus đẹp xinh (Indonesia), hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng du khách chính là hàm răng sắc nhọn của các thành viên trong bộ tộc Mentawai. Mentawai là một trong số những bộ tộc thiểu số còn giữ lối sống hoang dại và phong tục kỳ quái.
Nhiều lần chính quyền địa phương và một số tổ chức như UNESCO, Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới lên kế hoạch thay đổi cư dân nơi đây nhưng mọi cố gắng đều vô ích. Người Mentawai không muốn tiếp thu lối sống hiện đại mà hài lòng với cuộc sống đã có từ hàng trăm năm nay.
Người Mentawai quan niệm người phụ nữ răng càng nhọn thì càng đẹp.
Người Mentawai duy trì một ngôn ngữ riêng, nền văn hóa riêng biệt và những tập tục quái dị. Nói người Mentawai là những người tiền sử duy nhất còn sót lại trên trái đất cũng không hề sai. Họ để tóc dài, mặc khố, cài hoa trên đầu để làm đẹp, sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm. Nhà của người Mentawai rất dài, dựng dọc theo các con sông. Cách trang trí nhà cửa hay trang sức đeo bên mình cũng thể hiện rõ nét hoang dã của bộ tộc.
Họ thường dùng đầu lâu động vật, thậm chí là đầu lâu người treo trước cửa nhà hoặc bên mình. Trong số những đầu lâu đó, có cả đầu lâu kẻ thù mà các Mentawai từng giết. Với cách trang trí này, họ muốn chứng tỏ gia đình mình là gia đình đông đúc, có nhiều thế hệ và thể hiện niềm tự hào trong các cuộc chiến chống lại kẻ thù. Bộ tộc Mentawai vẫn tin vào linh hồn của cây cỏ và mẹ thiên nhiên. Linh hồn của cỏ cây hoa lá và chim muông được người Mentawai gọi là Kima.
Mỗi khi đi hái lượm, họ thường cầu khấn để được hái quả an toàn mà không bị mẹ thiên nhiên trừng phạt và gây tổn thương cho các Kima bé bỏng trong rừng. Đặc biệt, họ chỉ ăn trái cây khi đến mùa hay ăn thịt vào các ngày lễ hội quan trọng.
Tập tục quan trọng nhất của người Mentawai là tục mài răng. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ con trong làng đã ý thức được sự quan trọng của một hàm răng nhọn hoắt. Đối với phụ nữ hiện đại, việc trang điểm giúp họ tự tin sải bước trên phố, thuận lợi trong giao tiếp và cải thiện phần nào các nét trên khuôn mặt. Còn đối với phụ nữ Mentawai, hàm răng sắc nhọn mới là vũ khí chính giúp họ "hạ gục" các chàng trai, tăng vẻ quyến rũ của người phụ nữ.
Tuy nhiên, để có được hàm răng "đẹp" như ý thì họ sẽ phải trải qua quá trình đục và mài răng đầy đau đớn tưởng như chết đi sống lại mà không có bất kỳ sự hỗ trợ của các loại thuốc giảm đau hay gây mê nào. Thứ giảm đau duy nhất của họ là cắn vào những miếng chuối xanh. Người pháp sư sẽ dùng một thanh gỗ để cố định răng sau đó mài trực tiếp răng bằng dao hoặc đục. Pháp sư thực hiện mài răng bằng một chiếc đục mài thật sắc, đủ để làm vỡ và tạo hình cho răng.
Cách làm này hết sức nguy hiểm, chỉ cần chút sơ sẩy, cô gái sẽ bị thương. Từng chiếc răng sẽ được "nắn nót" mài mài, giũa giũa cho cân và có được độ nhọn cần thiết. Sau khi hoàn thành, hàm răng cô gái sẽ giống như những mũi nhọn hoắt, gần giống như răng cá mập. Dù cách làm đẹp này như một hình thức tra tấn nhưng phụ nữ Mentawai vẫn nhắm mắt chịu đau để được "xinh xắn, đáng yêu" hơn.
Sau khi có được hàm răng nhọn, người phụ nữ sẽ tự tin nở nụ cười tươi và thu hút các chàng trai. Với những cô gái răng nhọn đã có gia đình, người chồng sẽ tự hào có một người vợ "đẹp" và sẽ có vị thế hơn trong làng. Tuy nhiên, ngày nay, tập tục mài răng nhọn cũng mai một dần bởi xu thế hòa nhập với thế giới hiện đại ngày càng cao. Người Mentawai sống cởi mở hơn với thế giới bên ngoài và có những cách làm đẹp hiện đại, phù hợp mà không cần phải chịu đau đớn như đục răng. Họ nhận ra hàm răng nhọn chỉ khiến họ xấu đi chứ không đẹp lên như quan niệm lâu đời.
Người Mentawai quan niệm người phụ nữ răng càng nhọn thì càng đẹp.
Tục xăm mình đáng sợ
Dường như người Mentawai đã quen với việc chịu đau đớn và "hành xác". Ngoài mài răng, họ còn tự biến đổi cơ thể bằng cách xăm mình. Đây là cách họ đánh dấu những bước chuyển biến quan trọng trong cuộc đời mình. Tục xăm mình ở bộ tộc Mentawai có từ hàng ngàn năm về trước. Với họ, hình xăm có thể giúp họ chống lại mọi bệnh tật, tai họa... Người Mentawai thường xăm hình cây Sago - một loại cây phổ biến ở đảo lên khắp cơ thể. Mực xăm là hỗn hợp của các loại đá carbon (than đá) và mật mía.
Dụng cụ xăm chỉ là vỏ cây đã được mài thật nhọn, hoặc thông dụng hơn là gai quả chanh hoặc cam rừng, đôi khi dụng cụ lại là một thanh tre có kẹp gai nhọn tẩm mực xăm. Đáng sợ ở chỗ, thợ xăm (là Shaman) sẽ dùng những vỏ cây này cào trực tiếp lên da. Cách làm này hết sức đau đớn, dễ gây nhiễm trùng do dụng cụ không được tiệt trùng. Mặc dù quá trình xăm là một cực hình, khiến người được xăm bị chảy rất nhiều máu, như nằm trên đinh và thủy tinh rải rác nhưng cách cầm máu và giảm chỉ đơn giản là dùng nước, lá cây dương xỉ hoặc là cây bụi rừng nào đó. Người Mentawai tin rằng, làm thế những linh hồn xấu và các thế lực đen tối sẽ không ở trong cơ thể họ và tiếp cận gần họ được khi có hình xăm mới.
Hình xăm được coi là dấu ấn thiêng liêng và được thực hiện trong một thời gian dài, khi họ còn là một cậu bé, cô bé 7 tuổi đến khi họ 50 tuổi. Khi một đứa trẻ lên 7 tuổi, chúng sẽ bắt đầu được xăm trên lưng. Do da của bọn trẻ còn khá mỏng nên chỉ xăm những hình thù đơn giản không có nhiều họa tiết. Khoảng 19, 20 tuổi, đây là độ tuổi cơ thể ngưng phát triển, việc xăm mình lại được tiếp tục, ghi dấu tuổi trưởng thành của mỗi người. Lần xăm này cao lên trên vai và kéo dài xuống cánh tay. Các hình xăm cũng cầu kỳ hơn và đẹp hơn năm 7 tuổi rất nhiều.
Trước khi kết hôn, người đàn ông phải có hình xăm từ bắp đùi xuống đến chân, riêng ở ngực và cổ là những đường nét vô cùng phức tạp. Lần xăm cuối cùng sẽ thực hiện vào lúc 40 - 50 tuổi. Chỉ khi hoàn thành tất cả những lần xăm mình này, người đàn ông mới được công nhận là một Shaman (tức già làng).
Dù quái dị và đáng sợ, mài răng và xăm hình là những tập quán khó xóa bỏ trong lối sống của người dân Mentawai. Những tập tục cổ hủ này làm nên nét riêng của một bộ tộc đang dần hòa nhập cùng cuộc sống hiện đại dù việc hòa nhập này diễn ra rất từ từ. Sự đa dạng trong phong tục tập quán mỗi bộ tộc góp phần vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc. Chính điều đó đã tạo nên nét khác biệt cho từng vùng miền, cho mỗi bộ tộc và khiến thế giới trở nên thú vị, độc đáo hơn bao giờ hết.
A.M