Con dốc có vị trí chiến lược quan trọng
Dốc Con Mèo – đường B45A thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là một trọng điểm địch đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho các hướng chiến trường. Ngoài ra, đây cũng là nơi mà ta chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Dốc Con Mèo là nơi ghi dấu các sự kiện, những chiến công vẻ vang, sự hy sinh gian khổ của các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu của Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Tất cả đã kiên cường bám trụ xây dựng và bảo vệ đường B45A. Trọng điểm dốc Con Mèo đảm bảo giao thông thông suốt quá trình chi viện cho chiến trường miền Nam.
Năm 1966, tuy đã có một hệ thống đường trục dọc vận tải cơ giới xuyên suốt đường Trường Sơn nhưng việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí vẫn phải sử dụng phương thức gùi thồ, không thể đáp ứng yêu cầu của các hướng chiến trường. Chính vì vậy, việc mở đường ngang vận tải cơ giới sang phía Đông được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 xác định quyết tâm hàng đầu, nhiệm vụ này được xem là trọng tâm cho kế hoạch năm 1966.
Đề chặn con đường tiếp tế đế quốc Mỹ sử dụng tất cả các loại vũ khí trang bị hiện đại nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Địch đã dùng máy bay và các loại vũ khí đánh phá nhằm không cho ta vận chuyển hàng hóa vào hướng chiến trường. Đứng trước vấn đề này, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết tâm chống lại âm mưu đó bằng nhiều cách.
Biện pháp tích cực nhất là phải mở nhiều tuyến đường hỗ trợ nhau gần các trục dọc, trục ngang, các tuyến đường tránh lớn, nhỏ tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn, giữ được thế chủ động trong quá trình vận chuyển. Việc làm đường ngang B45A thọc sâu sang Tây Thừa Thiên – Huế lúc đó là việc hết sức quan trọng và là yêu cầu cấp thiết. Trên trục chính đường Trường Sơn đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế, có nhiều đường nhánh được mở để phục vụ cho các nhiệm vụ quân sự như đường 71, đường 72, đường 73, đường 74 nối từ đường B45A từ Lào đến Nam A Sầu, huyện A Lưới giáp địa phận tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, bộ Quốc phòng là triển khai thi công làm gấp tuyến đường B45A kịp sử dụng trong mùa khô năm 1967, lực lượng khảo sát vừa cắm tuyến, vừa lập bản vẽ thi công.
Ngay sau khi công tác khảo sát cắm tuyến, lập bản vẽ xong, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã giao cho Tiểu đoàn công binh 29 thuộc Binh trạm 2 phối hợp một số đơn vị thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến của mặt trận Trị - Thiên tổ chức thi công. Tuy nhiên, trong khi các lực lượng đang thi công thì bị địch phát hiện. Chúng liền sử dụng máy bay trực thăng đổ quân biệt kích, thám báo xuống khu vực A Lưới, La Hạp lùng sục, thăm dò, huy động máy bay B52 bắn phá, dội bom rải thảm đánh phá vào tuyến đường nhằm ngăn chặn tiến độ mở đường, phá kế hoạch của ta trên diện rộng.
Thế nhưng, bằng tinh thần đấu tranh, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra, sau khi lực lượng của ta vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, bất chấp tính mạng, đến tháng 4 năm 1967 đường B45A đã được thông, góp phần quan trọng trong quá trình vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược chi viện cho miền Nam.
Quyết hy sinh để giữ đường huyết mạch chi viện cho miền Nam
Tháng 3/1969, địch thay đổi thủ đoạn đánh phá dữ dội vào hai đầu gọi là “thắt cổ họng và chọc thủng đáy”, chúng đánh mạnh các binh trạm phía Bắc nhằm ngăn chặn việc lập nguồn hàng dự trữ ở Đường 9. Đồng thời, chúng điên cuồng đánh phá các binh trạm tiếp giáp chiến trường hòng triệt nguồn tiếp tế hậu cần để phá sự chuẩn bị tiến công của ta.
Thời điểm này, dốc Con Mèo là một trong những trọng điểm mà địch tập trung hỏa lực không quân đánh phá rất ác liệt, cả ngày lẫn đêm. Đứng trước tình thế đó, để phá thế độc tuyến, ta chủ động mở đường tránh dốc Con Mèo từ A Túc men theo sông Đakrong vào động dốc Mèo 2km, Tây Kô Pông 1km. Mặc dù, bị địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt, nhưng quân và dân ta vẫn quyết tâm thà hy sinh để bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược này.
Thời điểm đó, đế quốc Mỹ đã cho máy bay ném bom, vừa rải thảm, vừa đánh bổ nhào, biến nơi này thành túi lửa khiến cho đường vận chuyển bị tắc, hầm hào bị phá sập. Các kho tàng, bãi đỗ xe, sở Chỉ huy binh trạm đều bị phá nát khiến cho lực lượng của ta bị tổn thất nghiêm trọng. Trước sự hung hăng của kẻ địch, bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu rất anh dũng, vừa bảo vệ trọng điểm, vừa cơ động linh hoạt, bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay trong đó có 13 chiếc trực thăng đổ quân bị hạ tại chỗ, 5 máy bay cường kích bị bắn rơi. Bên cạnh đó, Tiểu đoàn 2 Bộ binh, 2 Đại đội cùng Trung đoàn 4 Công binh – Binh trạm 42 cơ động bao vây địch ở Coocava, tiêu diệt hàng trăm tên địch, buộc chúng phải rút chạy.
Theo lời kể của ông Nguyễn Vạn, nguyên Ủy viên Khu ủy Trị Thiên, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, vào năm 1955, đế quốc Mỹ đã cho thành lập một trung tâm tập biệt kích lớn tại A Sầu, huyện A Lưới. Với lực lượng này, địch án ngữ vùng Tây Trị - Thiên, ảnh hưởng không nhỏ đến những hoạt động của ta. Đến tháng 3 năm 1966, Trung đoàn 95A thuộc Sư đoàn 325 trên đường hành quân vào Tây Nguyên được cử tập kết tiêu diệt trung tâm biệt kích của Mỹ. Qua đó, giải phóng toàn bộ vùng rừng núi Thừa Thiên, bảo đảm quá trình chi viện vào miền Nam trên tuyến B45A.
Ông Hồ Nùng (75 tuổi), một người dân sống gần dốc Con Mèo cho biết, di tích lịch sử dốc Con Mèo là một trong những địa danh mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc. Đó là những trận chiến, trận địa ác liệt, là trọng điểm quan trọng mà địch đã đánh phá nhằm dập tắt ý chí đấu tranh của quân và dân ta. “Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, chi viện cho miền Nam, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, bất chấp khó khăn, nguy hiểm và hy sinh để bảo vệ trọng điểm, bảo vệ đường, bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến B45A”, ông Nùng chia sẻ thêm.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới chia sẻ với PV, dốc Con Mèo – đường B45A là một trong những di tích lịch sử mang ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đây là nơi mà quân và dân ta quyết tâm giữ để chi viện lực lượng, lương thực, đạn dược cho miền Nam, trong khi địch thì quyết tâm đánh phá. “Tên gọi dốc Con Mèo có thể do bà con đã đặt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, không có hiện vật gì tại dốc Con Mèo – đường B45A nhưng vẫn còn một số bức ảnh, tư trang của các anh, chị hiện vẫn được một số bảo tàng lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng đường Hồ Chí Minh – Binh đoàn 12 và bảo tàng tỉnh Thừa Thiên – Huế”, bà Thêm nhấn mạnh.
Công Định