Cầm lên là... nổ
Anh Nguyễn Văn Thắng (Minh Khai, Hà Nội) đang loay hoay dọn dẹp thì phát hiện ra một gói màu xanh tựa như gói bim bim nằm gần cửa hàng. Thấy lạ, anh cầm túi lên thì giật mình vì... túi nổ. Khi phát nổ, túi bắn ra loại nước màu trắng đục, sền sền. Chất lỏng này bắn tung tóe lên mặt, quần áo anh. Chiếc áo phao anh Thắng đang mặc bị dính dung dịch lỏng cũng có hiện tượng sủi bọt tựa như axit cháy. Lúc này, anh vội vàng cởi áo ngâm vào chậu nước bên cạnh cũng như rửa tay, mặt để loại bỏ dung dịch lạ.
Anh Thắng cho rằng đây là một trò chơi nguy hiểm. Bởi dung dịch bắn lên tay gây nóng rát và sủi bọt khi dính lên quần áo thường là axit. Đối với người lớn đã nguy hiểm, còn trẻ nhỏ nếu nhặt nhầm càng nguy hiểm hơn. Đặc biệt, gói dung dịch trên có hình dáng tựa gói bim bim. Vì thế, trẻ nhỏ rất dễ dàng nhầm lẫn. Người chơi giả vờ đánh rơi trên đường, nếu ai cầm lên sẽ bị nổ.
Tránh để bắn vào mắt
Ngày 14/1, phóng viên đã tiếp nhận mẫu túi nổ do anh Nguyễn Văn Thắng cung cấp. Theo ghi nhận, gói dung dịch giống gói bim bim loại nhỏ, kích cỡ khoảng 10 x 12cm. Phía mặt trước túi có hình người mặc quần bò bị ném túi dung dịch vào mông với dòng chữ fart bag (tạm dịch là túi rắm). Khi vừa mới nổ, dung dịch có màu trắng đục, sền sệt, mùi hơi hắc nhẹ. Sau khoảng 2 ngày, dung dịch này kết tủa thành dạng muối trắng ngà, không mùi.
Phần sau túi dung dịch được viết bởi các câu tiếng Anh với nghĩa tạm dịch: Không xé gói này. Hãy thả các túi bên cạnh đối tượng. Các cửa sổ sẽ nổ khi mùi hôi thối đầy đủ không khí. Chú ý, cấm ăn. Túi không có hại cho cơ thể con người. Nếu quần áo có dính chất lỏng (nước ma thuật) có thể làm sạch bằng nước. Túi này không thích hợp cho trẻ em dưới 6 tuổi. Dù đã được đọc phần giải thích trên anh Thắng cùng nhiều người vẫn thấy bất an.
Túi nổ không thích hợp cho trẻ em dưới 6 tuổi
Ngày 17/1, chúng tôi đã đi thực tế một số địa điểm tìm mua túi nói trên. Trước cổng một số trường tiểu học có bán trò chơi này. Dung dịch có giá 5.000đ/2 túi. Người bán không cần biết người mua là trẻ bao nhiêu tuổi, chơi với mục đích gì.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội, túi nổ sau khi có không khí vào thường được sản xuất dựa trên nguyên lý giải phóng khí. Dung dịch trong túi sẽ phồng lên khi có đầy khí, sau đó sẽ giải phóng khí tạo nên sức nổ xé tan bao bì bọc ngoài. Có nhiều chất hóa học để có thể sản xuất theo cơ chế sinh khí trên. Tuy nhiên, khả năng cao có thể nhà sản xuất sử dụng muối bicarbonat. Túi sẽ phồng và nổ khi đầy khí. Khi túi nổ, khí CO2 vẫn tiếp tục được giải phóng nên cho cảm giác nóng hay xèo xèo khi dính lên da và áo quần. Sau một thời gian, dung dịch này trở lại dạng muối.
PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết thêm, muối bicarbonat có tính chất tương tự thuốc muối vì thế có thể không ảnh hưởng đến cơ thể người nếu bắn vào da và quần áo. Tuy nhiên, nếu bắn vào mắt sẽ cho cảm giác xót vì muối cần nước để hòa tan nên sẽ làm cạn phần nước trong mắt gây nên hiện tượng khô giác mạc. Nếu bị bắn vào mắt, mọi người cần rửa mắt bằng nước sạch kịp thời để tránh nguy hiểm cho mắt.
KS Nguyễn Dũng, bộ môn hóa hữu cơ, Viện Kỹ thuật hóa học, trường đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, sản phẩm trên sử dụng nguyên lý giải phóng khí. Tuy nhiên, dù chất gì có trong sản phẩm, có độc hại hay nguy hiểm hay không vẫn cần cấm trẻ con chơi. Bởi việc nổ và bắn các dung dịch có thể gây nguy hiểm cho mọi người, đặc biệt là bắn vào mắt.
Theo Kienthuc