Tháng 5/2020, tác giả Kiều Trường Lâm giới thiệu một công trình nghiên cứu chữ viết có tên gọi “Chữ viết bảo mật thời 4.0”, chỉ một mình anh là tác giả và trải qua 10 năm nghiên cứu để hoàn thiện. Theo đó, 90% chữ cái mới hoàn toàn phù hợp với phát âm Tiếng Việt. Còn 10% ứng dụng từ chữ Hàn. Mục đích chữ viết mới nhằm ứng dụng trong lĩnh vực bảo mật thông tin, trang trí và thiết kế. So với “Chữ Việt Nam song song 4.0” (một công trình công bố trước đó) thì “Chữ viết bảo mật thời 4.0” có độ khó cao hơn vì phải tự vẽ sao cho đọc được, ngoài ra kết hợp sử dụng hình học không gian để đo góc cạnh chữ viết.
Thời điểm mới giới thiệu chữ, tác giả Kiều Trường Lâm chưa vội công bố công thức cụ thể vì đang tiến hành xin bản quyền. “Hiện tại chữ mới của mình được dân thiết kế rất quan tâm. Có người ngỏ lời muốn mua ý tưởng với giá 400 triệu đồng nhưng mình từ chối bán. Bởi tôi muốn dành tặng chữ viết này cho Chính phủ. Nếu Chính phủ không muốn nhận bộ chữ thì tôi sẽ công bố ra cộng đồng để công chúng dùng miễn phí” - tác giả cho biết lúc đó.
Sau gần 9 tháng, tác giả Kiều Trường Lâm quyết định công bố công thức chữ, đổi tên thành “Chữ Hình thể 4.0”, với hy vọng sẽ chinh phục được dộc giả.
Tác giả Kiều Trường Lâm đã có cuộc trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật:
PV: Chào anh! Anh có thể công bố cụ thể và chi tiết hơn về công trình nghiên cứu và chia sẻ về ý tưởng của mình được không?
“Chữ bảo mật 4.0” của mình sau khi công bố sẽ có tên là “Chữ Hình thể 4.0”. Đây là cái tên do đồng tác giả “Chữ Việt Nam song song 4.0” - Trần Tư Bình đặt. Theo thầy Trần Tư Bình, có tên “Hình thể” là bởi chữ viết được cấu tạo theo dạng hình khối vuông. Công thức cấu tạo của chữ cũng có phần giống với “Chữ Việt Nam song song 4.0”.
Vì các ký tự hoàn toàn mới, hiện tại, tôi chưa thiết kế chữ lên máy tính nên mình xin gửi bản công bố viết tay bằng những hình ảnh bên dưới.
Quá trình sáng tạo của tôi bắt đầu từ ngày học THPT. Tôi dành thời gian, vừa học vừa sáng tạo chữ. Việc này kéo dài đến khi học đại học, ra trường rồi làm việc. Đây là quá trình rất gian nan. Nó không đơn giản như mọi người nghĩ, bởi sáng tạo một chữ viết mới đòi hỏi phải có cả kiến thức cả về Ngôn ngữ và Toán học. Rồi phải làm sao đáp ứng được 4 dạng đọc:
- Đọc thầm: Khi nhìn vào, bạn có thể đọc thầm được.
- Đọc thành tiếng: Khi nhìn vào, bạn có thể đọc thành tiếng.
- Đọc trong nháy mắt: Tức là khi bạn xem tivi, chữ vừa mới xuất hiện, bạn đã đọc được ngay như khi ta xem phim phụ đề Tiếng Việt.
- Đọc lưu loát liên tiếp trong văn bản.
Để đáp ứng được 4 dạng đọc trên thì việc sáng tạo đảm bảo không gặp sai sót ở các nét vẽ. Có những chữ, lúc mình vẽ ra, đọc thành tiếng được nhưng lại không đọc thầm được. Lại có những chữ vẽ ra đọc thầm được; đọc thành tiếng được nhưng lại không đọc được trong nháy mắt,... và bị loại bỏ.
Khi áp dụng kiến thức hình học không gian để tính toán âm vị biểu môi thì việc sáng tạo chữ viết mới của mình đã suôn sẻ. Các nét vẽ trở nên thanh thoát ở mỗi vị trí góc cạnh. Sự xung khắc của chữ được tính toán chính xác. Qua đó, mỗi ký tự được tính toán phải cực kỳ logic thì mới có thể ráp được và cho phép đọc được ở 4 dạng đọc trên.
PV: Điều gì khiến anh quyết định công bố “Chữ viết bảo mật 4.0” rộng rãi?
Tôi muốn làm điều gì đó cho đất nước, nên quyết định công bố chữ viết này để mọi người dùng miễn phí. Sản phẩm nghiên cứu của mình xuất phát từ niềm đam mê và khát vọng rằng, Việt Nam sẽ có một bộ chữ viết do chính người Việt sáng tạo ra.
Trước đây, có người hỏi mua sản phẩm này để làm bảo mật cho công ty nhưng tôi đã từ chối. Thực tế, một số độc giả thấy tính sáng tạo của chữ, thấy được tính ứng dụng trong một số lĩnh vực nên ngỏ ý thôi.
PV: “Chữ bảo mật 4.0” (hiện là “Chữ Hình thể 4.0”) khi công khai sẽ không còn là “bảo mật”. Vậy tiếp theo, anh có kế hoạch nào cho nghiên cứu của mình?
Tất nhiên, khi công bố miễn phí thì tôi đã xác định nó sẽ không còn bảo mật nữa. Tôi hy vọng sẽ có những công ty công nghệ thông tin quan tâm đến chữ viết của mình và thiết kế nó lên máy tính. Vì “Chữ Hình thể 4.0” nếu được thiết kế lên máy tính sẽ rất đẹp, có tính thẩm mỹ tương đương với nhiều chữ viết trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể ứng dụng trong lĩnh vực trang trí, phông nền điện thoại/máy tính hay nhiều lĩnh vực khác.
PV: Gần 1 năm từ ngày công bố “Chữ Việt Nam song song 4.0” và nhận nhiều phản hồi trái chiều, đến nay là “Chữ Hình thể 4.0”, anh có thể chia sẻ về những gì đã trải qua trong năm phải đối mặt với sóng gió dư luận?
Tôi đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Dư luận phản đối bằng những lời vô cùng xúc phạm, nhiều cuộc gọi điện làm phiền, cùng những hình ảnh chế trên Facebook,... Thậm chí còn có người đe dọa tính mạng.
Nhưng áp lực dư luận cũng giúp tôi trưởng thành hơn, dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với dư luận. Bên cạnh đó, từ những phản đối ban đầu, nhiều người dần nhận ra cái hay của “Chữ Việt Nam song song 4.0”. Nhiều độc giả khắp cả nước đã liên hệ, xin học chữ.
Sau khi học thử, họ thấy hay, thậm chí, học ngày học đêm. Tuy nhiên, họ không thể công bố sự yêu thích với “Chữ Việt Nam song song 4.0” vì sợ bị dân mạng “ném đá”. Hiện tại, đã có vài trăm độc giả theo học “Chữ Việt Nam song song 4.0”.
Tôi muốn gửi những lời đến độc cả nước: Hãy lắng nghe tôi một lần, đừng xua đuổi tôi. Bởi, có khi chữ sáng tạo này sẽ hữu dụng. Nói riêng về “Chữ Việt Nam song song 4.0”, trong năm qua, một số người trong giới công nghệ thông tin ở Việt Nam và Nhật đã đánh giá cao tính ứng dụng của chữ vì xử lý ngôn ngữ tự nhiên rất hiệu quả.
Bây giờ, tôi công bố “Chữ Hình thể 4.0” và rất mong được sự đón nhận từ độc giả. Cho dù phản biện cũng như góp ý của các bạn ra sao, tôi đều lắng nghe và chấp nhận. Với bản lĩnh của mình, tôi rất muốn một ngày sẽ chinh phục được các bạn.
PV: Sắp tới anh có những dự định gì?
Sau khi công bố “Chữ Việt Nam song song 4.0”, tôi và đồng tác giả Trần Tư Bình đã tổ chức cuộc thi về “Chữ Việt Nam song song 4.0” có thưởng. Đến nay, cuộc thi đã tổ chức được 4 lần, có nhiều độc giả hào hứng tham gia. Với “Chữ Việt Nam song song 4.0”, tôi hy vọng có thể chinh phục được 1 triệu độc giả trong vòng 10 năm. Còn về “Chữ Hình thể 4.0”, sắp tới tôi có kế hoạch đưa chữ viết lên máy tính tích hợp android để các bạn có thể tải về sử dụng miễn phí.
Tôi nghĩ, trong tương lai dân thiết kế và cả học sinh, sinh viên thích ngoại ngữ như Tiếng Hàn, Tiếng Trung sẽ rất hứng thú với “Chữ Hình thể 4.0” bởi chữ có tính thẩm mỹ. Độ đều nó khi viết trên ô vuông bảng xanh đẹp như một bức tranh vẽ và thể hiện khía cạnh 3D rất trừu tượng.
Tôi hy vọng trong tương lai “Chữ Hình Thể 4.0” sẽ được giảng dạy ở các trường đại học.
PV: Cảm ơn chia sẻ của anh!
Cẩm Mịch
(Ảnh: NVCC).