Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ca sĩ Tùng Dương cho hay, sau thành công của liveshow Trời và đất năm 2017, anh đã bắt tay vào làm liveshow thứ 10 trong sự nghiệp âm nhạc của anh mang tên Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng.
"Đã từ lâu rồi, Tùng Dương muốn làm một đêm nhạc với một concept độc đáo: Kết hợp tác phẩm của 4 nhạc sĩ trong bộ tứ sông Hồng gồm: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và Trần Tiến. Trong thời gian lên ý tưởng cho buổi ca nhạc này, đêm nào, tôi cũng mơ về bộ tứ sông Hồng với những bản nhạc réo rắt. Và tôi tin rằng, âm nhạc của 4 nhạc sĩ ấy sẽ đưa tôi thăng hoa hơn trên sân khấu".
Theo Tùng Dương, trước đây, chưa từng có một ca sĩ solo nào tổ chức một đêm nhạc riêng với tác phẩm của “bộ tứ sông Hồng” bởi nhiều lẽ với một số lượng tác phẩm đồ sộ, sẽ rất khó để chắt lọc, sắp xếp đưa vào trong một đêm nhạc chỉ gói gọn có 2-3 tiếng đồng hồ. 4 nhạc sĩ là 4 cá tính âm nhạc khác nhau, việc 1 ca sĩ thể hiện tác phẩm của 4 người là thử thách mà không phải ai cũng có can đảm thực hiện. Thêm vào đó, cũng rất khó để cả 4 nhạc sĩ cùng gật đầu giúp sức cho một đêm nhạc.
Tùng Dương may mắn có được nhân duyên đó bởi anh đã có một thời gian rất lâu tìm hiểu, trò chuyện và tiếp xúc với âm nhạc của "bộ tứ sông Hồng".
Anh gọi Trần Tiến, Nguyễn Cường thân mật là “bố” và gọi Phó Đức Phương, Dương Thụ là những người “chú”.
Đứng trước các bố, các chú, Tùng Dương tự nhận mình vẫn chỉ là “thằng oắt con”, nếu làm sai sẽ bị mắng.
Chính nhờ mối quan hệ thân thiết mà khi Tùng Dương ngỏ lời, cả 4 nhạc sĩ đã cùng đồng ý thực hiện đêm nhạc sắp tới.
Tại cuộc họp báo mới đây, ca sĩ Con cò chia sẻ: “Có 1 sợi dây liên kết giữa 2 thế hệ, giữa những người mà tôi gọi là bố, là chú với một người trẻ như tôi. Họ đã có ảnh hưởng đến tôi rất nhiều về tư duy và âm nhạc. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta nói lời tri ân với những người đã sáng tạo ra thứ âm nhạc mang tầm vóc lịch sử. Liveshow sắp tới như một cuộc đối thoại, một sự chuyển giao giữa hai thế hệ. Tôi hy vọng sẽ có được 4 màn phân thân, vừa nồng nhiệt, hào sảng lại vừa tĩnh tại, mênh mang…”.
Tùng Dương cho biết, nhiều khán giả nhìn thấy Tùng Dương là nhớ đến một ca sĩ nổi loạn, với phong cách rất riêng và... dị mà không biết rằng, anh đã từng bị nhiều quán bar từ chối khi đi xin hát.
Theo lời kể của Tùng Dương, những năm đầu học Nhạc viện, anh cũng dập dòm xin hát ở các quán bar, phòng trà nhưng đều nhận được cái lắc đầu của các “bầu sô”. Lý do thì vì thứ âm nhạc mà anh lựa chọn không thịnh hành.
Trong khi người ta chọn hát các ca khúc nhạc Hoa lời Việt, các bài hát đang “hot” thì anh cứ "đâm đầu" vào các bài “tủ” như: Ly cafe Ban Mê (Nguyễn Cường), Không thể và có thể (Phó Đức Phương)… Vậy là anh bị từ chối khéo: “Không phù hợp để hát những chỗ này”.
Đến giờ nghĩ lại, Tùng Dương vẫn không lý giải nổi ngày ấy có sợi dây liên kết vô hình nào giữa anh với thế hệ bốn nhạc sĩ trên mà anh cứ mê mẩn, quẩn quanh với sáng tác của bốn ông.
Có lẽ cũng bởi tư duy chọn bài hát bị cho là “già”, là không chạy theo thị trường ấy mà Tùng Dương vui vẻ tự nhận fans hâm mộ của anh từ xưa đến nay đa phần là người trung niên, không thì cũng “ông già bà cả”.
Ấn tượng mạnh nhất của giọng ca Ôi quê tôi về Trần Tiến chính là hai thuộc tính có vẻ như trái ngược ở ông: Chất đời và chất thiền. Trong mắt Tùng Dương, tác giả Chị tôi là một tay du ca lãng tử, một người có vẻ ngoài xù xì, thô ráp, nói gì cũng như là tếu táo bông phèng, nhưng chưa câu nào, bài hát nào là không nặng ký, và cũng không kém phần nồng nàn, tha thiết, đau đáu suy tư trước những bĩ cực của đời người.
Hai nhạc sĩ Nguyễn Cường và Phó Đức Phương được Tùng Dương ví như hai "ông già gác đền", bởi những chất chứa, nặng tình mà hai ông đã đau đáu dành cho những di sản dân tộc, in dấu ấn ngàn năm nơi Mái đình làng biển hay Bên dòng sông Cái.
Cùng khai thác chất liệu văn hóa dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng ở mỗi tấm gương phản chiếu lại cho ra những bức chân dung khác nhau về vùng đất châu thổ này.
Nếu như ở Phó Đức Phương là một tâm hồn phơi phới rộng mở, lại cũng vừa thăm thẳm ưu tư với tình quê tình đất, thì ở Nguyễn Cường là lời khẳng định đầy tự hào và niềm tin trước sự trường tồn của những giá trị đã được thời gian chưng cất.
Riêng nhạc sĩ Dương Thụ thì vẫn được coi là "gia tài" của nhiều ca sĩ Việt với nhiều ca khúc sâu lắng, đặc biệt. "Thông qua các tác phẩm, ông có lẽ là người hiếm hoi trong bộ tứ đã lắng nghe được một cách tinh tế và dịu dàng nhất về những ẩn ức không dễ gì nói ra của những người phụ nữ", Tùng Dương nhận định.
Trong liveshow sắp tới, Tùng Dương sẽ kết nối các sáng tác ở nhiều thời kỳ của "bộ tứ sông Hồng" thành một câu chuyện. Anh cho rằng, mình không thể nào hiểu hết được các góc khuất của bốn nhạc sĩ nhưng anh tin mình sẽ chạm đến cảm xúc sâu thẳm trong các tác phẩm của họ.
Với anh, cả bốn "cây đại thụ" của làng nhạc đều là những người khó tính. Không ít lần anh bị Trần Tiến mắng "hát như ma" hay phê bình vì hát quá dở. Nhưng, anh trân trọng cả những lời chê bai của những nhạc sĩ đi trước dành cho mình, bởi "vì yêu mới mắng".