Fake news không là “đùa”
Như đã nói ở bài trước, vấn đề fake news (tin giả, tin sai sự thật) không chỉ xảy ra trên facebook mà còn xảy ra ở rất nhiều trang mạng xã hội khác như Twitte, Zalo, Google, Instagram, Youtobe, Zing Me...Fake news không chỉ dừng lại ở những tin đồn thất thiệt mà còn có những thông tin chứa đựng nhiều mục đích xấu.
Đã có nhiều tổ chức, cá nhân trở thành nạn nhân của trò tán gẫu trên facebook khi bị tung tin sai sự thật. Uy tín, danh dự của họ bị ảnh hưởng trong khi người tung tin không bị quy trách nhiệm đến cùng.
PV báo Người Đưa Tin cũng đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Trung Tiệp, công ty luật Dragon về vấn đền này. Theo đó, luật sư Tiệp đưa ra quan điểm: Nếu các cá nhân, tổ chức đăng tải những thông tin thất thiệt không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng hoặc quốc gia khác thì các chủ thể bị xâm hại (người bị hại) có quyền yêu cầu các “đối tượng” đó chấm dứt ngay hành vi vi phạm theo các quy định của pháp luật.
Như vậy, việc tung tin sai lệch lên mạng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, tại Điều 122, Bộ luật hình sự quy định phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống.
Trong trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này).
Những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang tâm lý dư luận, tác động đến lĩnh vực kinh tế… nếu không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính.
“Như vậy, chế tài hành chính và hình sự đã có, quan trọng vẫn là ý thức của người sử dụng mạng xã hội đến đâu và chế tài nào cho những kẻ lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn kiểu fake news nhằm trục lợi bất chính”, luật sư Tiệp nêu quan điểm.
Điều 122. Tội vu khống 1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
(Còn tiếp…)
Cường - Thúy