Sau khi đọc bài “có con bằng cách hiếp dâm thì không được làm cha” của tác giả Phạm Mạnh Hà đăng trên báo Nguoiduatin.vn tôi cho rằng đây là một ý kiến thú vị, tuy nhiên dưới góc độ của một người làm luật thì có lẽ cần phải phân tích sâu hơn, đánh giá những hậu quả pháp lý cần thiết trong bối cảnh giả thiết góp ý này được đưa vào dự thảo luật hôn nhân gia đình.
Trước hết, tôi đồng tình với tác giả Phạm Mạnh Hà trên quan điểm hiếp dậm là tội phạm có mức độ từ nghiêm trọng trở lên, hành vi hiếp dâm bị nghiêm cấm và cần phải trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng “vô hình chung” pháp luật hiện nay “cho phép công dân có quyền làm cha qua việc có con bằng cách phạm tội hiếp dâm” của tác giả.
Bởi lẽ, việc có con từ hành vi phạm tội hiếp dâm thông thường là điều mà nạn nhân, người bị hiếp dâm không mong muốn. Việc sinh đứa trẻ từ hành vi phạm tội đó vì một lý do nhân văn khác trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc bảo vệ quyền được sống, được sinh ra và lớn lên của một sinh linh, một đứa trẻ chứ không phải là pháp luật khuyến khích “sinh con bằng con đường hiếp dâm”.
Ảnh minh họa
Mặt khác, có con bằng cách hiếp dâm thì không được làm cha chưa hẳn đã là hình phạt, là cách trừng trị đối với người đó, trong khi rất có thể chúng ta đã vô tình “tước quyền” có cha của một đứa trẻ. Nếu quy định như thế thì đứa trẻ mặc nhiên sinh ra là không có cha như vậy có đảm bảo được quyền lợi của đứa trẻ?
Thực tế, cũng có trường hợp đứa trẻ sinh ra từ mong muốn tự nguyên của cả người hiếp dâm và nạn nhân, chẳng hạn như trường hợp “chồng hiếp dâm vợ” nhưng hai người về ở với nhau và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này mặc dù theo quy định của pháp luật có hành vi hiếp dâm xảy ra nhưng hành vi phạm tội của người hiếp dâm không nằm trong trường hợp “cưỡng hiếp” và việc có con không nằm ngoài mong muốn của cả cha và mẹ đứa trẻ. Xét trên tính hợp lý, nếu tước quyền làm cha của người hiếp dâm ở ví dụ này là không thỏa đáng.
Việc tác giả Phạm Mạnh Hà ở bài viết trước đưa ra lập luận: Không chấp nhận quyền làm cha bằng cách phạm pháp (hiếp dâm), bởi nếu chấp nhận sẽ tạo điều kiện cho đối tượng hiếp dâm được đi lại thường xuyên thăm nom sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc tương lai của người đã bị hiếp dâm làm cho có con (thường là trẻ em gái, và sau việc bị hiếp dâm các em vẫn cần phải lập gia đình để có tương lai hạnh phúc, cho nên không thể bị đối tượng đã hiếp dâm tiếp tục đi lại quấy rầy về quá khứ). Ở phương diện này, tôi khá đồng tình với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét đến khía cạnh đứa trẻ và nạn nhận muốn người hiếp dâm làm cha của đứa trẻ sau khi thụ án trở về.
Do đó tôi cho rằng không nên quy định “tước quyền” làm cha của người hiếp dâm đối với đứa con do hành vi hiếp dâm gây ra. Nếu quy định như vậy có phần cứng nhắc và không bao quát hết những hậu quả pháp lý của việc ‘tước quyền làm cha”.
Nên chăng có những quy định thoáng hơn, mở hơn trong trường hợp này theo hướng quy định: Việc sinh con từ hành vi hiếp dâm không đương nhiên làm phát sinh quan hệ cha và con giữa người thực hiện hành vi hiếp dâm với người con được sinh ra từ hành vi hiếp dâm.
Trên cơ sở quy định như vậy sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn, dự liệu tốt hơn cho trường hợp đặc biệt này nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của đứa trẻ, quyền và lợi ích của người mẹ vừa đảm bảo những trừng phạt thích đáng cho loại tội phạm hiếp dâm trong điều kiện cụ thể.
Luật gia Giang Văn Quyết