Giờ đây, người nữ pháo thủ từng trốn người mẹ nuôi theo Cách mạng năm nào, nay đã ở tuổi 61. Gần hết đời người, bà vẫn là "đứa trẻ" lạc mẹ ngơ ngác đi tìm quê hương. Bà là Nguyễn Thị Bích Nga - nữ pháo thủ "ngang tàng, bướng bỉnh" của biệt động Sài Gòn.
Tuổi thơ dữ dội
Nguyễn Thị Bích Nga mồ côi mẹ từ thuở lọt lòng. Bà lớn lên ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, cùng với gia đình cha mẹ nuôi.
Khi bà được 3 tuổi ông tập kết ra Bắc và mất tại Hà Nội. Nhưng người má nuôi lại không thương bà. Bà đã sống những năm tháng tuổi thơ côi cút trong sự ghẻ lạnh.
Nữ biệt động Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. (từ phải qua: Hùng Thanh, Bích Nga, Trần Thị Mai).
Má nuôi dắt bà vào Sài Gòn và cho bà đi ở đợ tại một gia đình ở Q6. Do ảnh hưởng tư tưởng cách mạng từ người cha và cũng muốn thoát khỏi sự kiểm soát của người má nuôi, cô bé Bích Nga đã nung nấu quyết tâm tìm đường đi theo cách mạng.
Trong một lần dọn dẹp, Bích Nga vô tình tìm được lá thư chúc tết của cách mạng gửi cho gia đình bà chủ. Bằng sự nhạy bén và thông minh, Bích Nga biết rằng gia đình giàu có người Sài Gòn này có một mối liên hệ bí mật nào đó với cách mạng.
Ngày 5/2/1966, Bích Nga được đưa tới Ban tham mưu của Biệt động Sài Gòn, được cho đi học trường Quân sự T44 tại Bến Xúc, Bình Dương. Sau khi ra trường, bà được phân về B8 (Quân báo của biệt động Sài Gòn).
Tại đây, bà được đưa đi học tiếp một khóa pháo binh (cối 80 ly, 82 ly, 60 ly) tại Dầu Tiếng, Bình Dương. Năm ấy, Nguyễn Thị Bích Nga vừa tròn 14 tuổi.
14 tuổi, Bích Nga đã tìm được lý tưởng của mình. Lý tưởng này giúp cô thoát khỏi kiếp ở đợ, thoát sự kiểm soát của người mẹ nuôi chỉ muốn đứa con gái đi làm cật lực để mang tiền về cho mình.
Cuộc đời bà mở sang một trang khác, luôn đối mặt với hiểm nguy, bắt bớ, nhưng cũng đầy hạnh phúc và hùng tráng bởi được đứng trong hàng ngũ những người lính biệt động chiến đấu vì độc lập, thống nhất nước nhà. Bích Nga trở thành nữ pháo thủ của biệt động Sài Gòn, gắn liền với khẩu cối ly 82 khi vừa bước sang tuổi 15.
Trận pháo kích vào sở chỉ huy Westmoreland
Đến giờ, bà Bích Nga vẫn nhớ như in trận pháo kích sở chỉ huy tướng Westmoreland (tướng chỉ huy quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) ngày 13/1/1967. Mùa xuân 1967, quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn tung lực lượng càn quét, tàn phá tại vùng tam giác sắt (Bến Xúc, Hố Bò, Củ Chi).
Để lật ngược thế cờ, Biệt động Sài Gòn được Bộ chỉ huy quân khu chỉ đạo tổ chức pháo kích vào sở chỉ huy của tướng Westmoreland. Bà Nga cùng đồng đội được giao nhiệm vụ vào nội thành Sài Gòn chuẩn bị trận địa.
Để địch không nghi ngờ, bà cùng một đồng đội đóng vai cặp vợ chồng mới cưới (vợ là học sinh, chồng là sinh viên ngành y), thuê nhà ở khu vực Vườn Chuối (nằm gần mục tiêu pháo kích), ngày đêm nghiên cứu địa hình, chuẩn bị trận đánh. Dù mới 16 tuổi, chưa hề có kinh nghiệm yêu đương, nhưng Bích Nga đã đóng rất đạt.
Ngày ngày, đám quân lính Mỹ - Ngụy và người dân đường Vườn Chuối bắt gặp cảnh anh chồng sinh viên chở cô vợ trẻ đi học, đi dạo phố. Cô vợ trẻ ngồi sau xe đạp, thỉnh thoảng lại nghiêng mái tóc thề vào lưng chồng thủ thỉ, nũng nịu. Không ai có thể ngờ rằng, cô vợ học sinh này đang đo cự ly bằng vành xe để tính toán lấy phân tử bắn, tính đường chim bay chuyển hướng tới mục tiêu.
Bà Bích Nga năm 1975.
6h sáng ngày 13/2/1967, từ căn nhà thuê, bà Nga (với vai trò xạ thủ số 2) cùng ông Tám Cứ (xạ thủ số 1) bắt đầu sử dụng pháo cối 82 ly pháo kích vào sở chỉ huy tướng Westmoreland nằm trên đường Phan Đình Phùng cũ (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu).
Ngoài hẻm có thêm 3 đồng đội sẵn sàng yểm trợ khi hai người thoát ra. Lúc ấy, dinh chỉ huy tướng Westmoreland còn chưa kịp thức giấc, bỗng một tiếng "ầm" như trời giáng nổ ngay trên nóc nhà, rồi thêm một tiếng "ầm" nữa. Những tiếng nổ khiến nhiều binh lính thương vong, cả sở chỉ huy và một đoạn phố hoảng loạn, bàng hoàng thức giấc.
Tuy dự kiến là bắn 10 quả, nhưng Bích Nga mới vừa tống trái pháo thứ 3 vào nòng súng thì cả chân và càng pháo đã thụt lún xuống khoảng 2/3, nòng súng trơ ngược lên trời. Đó là do pháo không có bàn đế nên mỗi lần bắn pháo giật là chân pháo lại lún xuống. Bên cạnh đó, lúc bắn ông Tám Cứ phải giữ ghì phía sau nòng pháo, khi pháo nổ, nòng pháo giật mạnh thụt sát miệng ông Tám, rớt cả răng, máu chảy trào ra. Vì vậy, bà Bích Nga ngừng bắn, nói dứt khoát: "Ngưng bắn, chuẩn bị hủy trận địa". Hai người xếp gọn pháo và 7 trái pháo còn lại, đặt gói thuốc nổ TNT 5kg phá hủy trận địa rồi nhẹ nhàng rời khỏi nhà, ra đường.
Khi cả hai vừa thoát ra khỏi căn nhà thì cũng là lúc một chiếc xe zip cùng toán cảnh sát dừng trước cổng nhà. Bọn chúng đã phát hiện được vị trí pháo bắn ra. Hai cảnh sát chạy lại gặp bà ở cổng ngơ ngác hỏi: "Trong nhà này vừa bắn DK phải không?" Bích Nga lắc đầu, lộ vẻ hoảng hốt: "Không! Tôi không biết. Tôi đang sợ chết khiếp đây này!". Bọn chúng để bà đi. Bà vội chạy ra đầu hẻm. Lúc ấy, bà còn nghe rõ tiếng một người đàn ông la lớn từ ban công: "Nhà này! Súng nổ ra từ đấy! Vừa có một con và một thằng từ nhà đó chạy ra rồi".
Bọn cảnh sát ập vào, nhưng cả 5 chiến sĩ biệt động đã như tàng hình biến mất khỏi con hẻm rất đông lính Mỹ, Ngụy sinh sống. Bích Nga vội lên một chiếc xích lô máy chạy về phía bệnh viện Chợ Rẫy. Trên đường đi bà lột chiếc áo mặc ngoài, thay màu áo khác. Ngang qua bệnh viện Chợ Rẫy bà lột thêm lần áo nữa, báo hiệu cho người của mình tại cổng bệnh viện biết nhiệm vụ đã hoàn thành và mọi người đều đã thoát ra an toàn. Sau đó bà lên xe đò, về cơ sở của chỉ huy đơn vị tại ngã tư Trung Chánh, Bình Chánh. Ở trận đánh này, bà và đồng đội đã bắn tất cả 3 trái pháo vào sở chỉ huy của Mỹ, 2 trái rơi trên nóc nhà, 1 trái trúng xe chở lính Mỹ làm chết và bị thương 26 tên lính.
Sau trận đánh gây tổn thất lớn cho địch, bà Bích Nga bị nhận diện và truy lùng gắt gao. Ngày 2/5/1968, trong khi vận chuyển pháo cối từ Tân Quý vào nội thành bà bị địch bắt. Bà bị chuyển đi thẩm vấn hết nhà giam Bình Chánh về cầu Băng Ky, nhà lao Gia Định, Thủ Đức, Chí Hòa rồi đến Tân Hiệp. Cuối cùng, tháng 10/1969, bà bị đày ra giam ở chuồng cọp Côn Đảo. Năm sau bà bị đưa về nhà lao Tân Hiệp. Tới năm 1972 lại trở ra Côn Đảo. Năm 1973 bà được trao trả đưa về giam ở đất liền rồi lại bị đưa ra Côn Đảo, đến giải phóng 10/5/1975 mới được tàu hải quân đưa về đất liền.
Người phụ nữ đã từng đi qua "địa ngục trần gian Côn Đảo" này, những năm cuối đời chỉ còn một day dứt, là tìm lại người anh trai thất lạc và nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bà bảo có thế, bà chết mới yên lòng.
Khí chất “ngang tàng, bướng bỉnh” của nữ tù nhân Côn Đảo một thời Trải qua hết nhà giam này đến nhà giam khác, dù bị tra tấn dã man nhưng cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích Nga vẫn không hé răng nửa lời. Có lần sau khi đã trói, đánh cô chán mà không thu được lời khai nào, một tên nổi khùng, đã chĩa súng vào cô dọa: "Ê nhỏ, không khai ra là tao bắn vỡ sọ nghe chưa". Bất ngờ, Bích Nga giơ thẳng chân đá văng khẩu súng trên tay viên cảnh sát... 5 năm ở nhà tù Côn Đảo, bà vẫn "ngang tàng, bướng bỉnh" như thế. |
Hương Lam