“Tuổi thơ dữ dội” của tướng Nguyễn Việt Thành

“Tuổi thơ dữ dội” của tướng Nguyễn Việt Thành

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Nhắc đến trung tướng Nguyễn Việt Thành, hẳn nhiều người nghĩ ngay tới chuyên án Năm Cam và đồng bọn cách đây gần 10 năm mà ông đóng vai trò chính trong quá trình điều tra tấn công đường dây tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.

Ông là trung tướng - nguyên phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nguyên tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát - bộ Công an nhưng không phải ai cũng đã tường tận câu chuyện cuộc đời của ông.

Ít ai biết được ông tướng Nguyễn Việt Thành (SN 1947) lừng lẫy với những vụ án chống tham nhũng lại có một tuổi thơ, tuổi trẻ đầy dữ dội.

Cậu bé tuổi 13 nổi tiếng lì lợm, gan dạ

Khi mới 13 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Việt Thành đã tham gia du kích xã. Bằng sự chiến đấu gan lì, không ngại tiếp cận đối phương, Việt Thành ngày ấy nhanh chóng được giao làm phó, rồi sau đó làm trưởng Công an xã. Cái cơ duyên cho nghiệp công an suốt cuộc đời về sau của ông cũng bắt đầu được bén rễ từ đó.

Bà Phan Thị Chín, vợ của tướng Thành cho biết: "Ngày ấy, không chỉ làm ruộng, chăn trâu, ông ấy còn đi tát vài chục kí cá để phục vụ hội họp và đào hầm cá trê, giấu cán bộ Cách mạng. Ông nổi tiếng là lì lợm, gan dạ".

Cuối năm 1966, ông về Tiểu đoàn 514 của Tỉnh đội Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang ngày nay) và được bổ sung vào đại đội vệ binh của Tỉnh ủy hay còn gọi là đội an ninh bảo vệ Tỉnh ủy. Mọi người biết đến ông không chỉ là sự chiến đấu gan lì mà còn bởi cái tên khá đặc biệt: Tư Bốn.

Bà Chín cho biết thêm: "Anh Tư Bốn bị bắt không biết bao nhiêu lần và cũng không ít lần bị tra tấn bằng những đòn đáng sợ. Sau khi quân địch bắt được ông và trói dưới một gốc cây lựu có nhiều tổ kiến lửa. Trói xong, chúng chọc tổ kiến lửa để chúng bò ra đốt cơ thể ông đau nhói và ngứa ngáy. Thế nhưng, ông không hề hé răng khai báo gì về Cách mạng".

Pháp luật - “Tuổi thơ dữ dội” của tướng Nguyễn Việt ThànhTrung tướng Nguyễn Việt Thành.

Tư Bốn đã trải qua một thời gian dài tay cày, tay súng đầy thử thách và vất vả. Sau 18 tháng, người lính trẻ Tư Bốn là 2 trong 3 người vượt qua được thử thách khắc nghiệt để được nhận vào Đại đội vệ binh của Tỉnh ủy. Cuộc sống của ông từ đây bắt nguồn với những mạch khó khăn đầy gian khổ và khốc liệt.

Mở đường máu bảo vệ an toàn cho Tỉnh ủy

Với trọng trách vừa bảo vệ vừa đọ sức với địch, những người trong Đại đội vệ binh luôn có trách nhiệm tìm phương án để cơ quan Tỉnh ủy di chuyển đến nơi an toàn.

Trong cái thế căng như dây đàn ấy, Tư Bốn đã phải đối diện với hàng ngàn thách thức đầy gian nan và chết chóc. Nhưng chỉ sau vài trận thử tài, ông đã được đề bạt làm trung đội phó, rồi trung đội trưởng. Sau nhiều lần như vậy, ông được cử làm đại đội trưởng Đại đội Vệ binh Tỉnh ủy.

Từ sau tết Mậu Thân 1968, khi đối phương điên cuồng phản công quyết liệt đánh vào những vùng trọng điểm thì nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy của ông lại càng nặng nề, nguy hiểm hơn.

Đỉnh cao của sự nguy hiểm đó phải kể đến lần Tỉnh ủy Mỹ Tho bị bao vây ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy. Do có mật báo và biết cơ quan đầu não của kháng chiến đang đóng tại đây nên địch đã tập trung lực lượng gồm 4.000 quân, chia làm mấy lớp để bao vây căn cứ nhằm bắt sống hoặc sát hại các đồng chí lãnh đạo.

Trước tình hình chiến sự căng thẳng và ác liệt, Tư Bốn đã quyết định mở đường máu để đưa Tỉnh ủy về nơi an toàn. Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, ông đã chỉ huy mọi người bò ra vùng đồng ruộng sình lầy, nơi mà quân lính không thể đi được.

Trận đánh kéo dài suốt 22 ngày đêm, cả hai bên đều chịu không ít thương vong, bản thân ông cũng không ít lần bị thương.

Cũng ngay khi mới về công tác tại Đội Vệ binh Tỉnh ủy, ông nghe ngóng được tác dụng của vũ khí lựu đạn dàn thun nên đã lao vào nghiên cứu, thậm chí bỏ cả cơm trưa, suốt ngày quần quật buộc tháo dây thun để tìm ra cách sử dụng.

Ngay khi có hiệu quả, "lựu đạn dàn thun" từ Đội Vệ binh Tỉnh ủy của ông Tư Bốn đã nhanh chóng được các đơn vị trong toàn tỉnh Mỹ Tho học tập và sử dụng.

Không chỉ vậy, đoàn du kích ở tỉnh Bến Tre cũng sang học cách đánh địch bằng lựu đạn dàn thun của anh hùng trẻ tuổi Tư Bốn.

Chính vì vậy, ông Tư Bốn được mệnh danh là "anh hùng lựu đạn dàn thun". Trong suốt những năm dài chiến đấu, mọi người nhắc đến ông là nhắc đến sáng kiến của người lính trẻ dùng mưu trí để đánh lại quân thù bằng những điều tưởng chừng đơn giản nhất.

Nhớ lại một lần ông bị thương, bà Chín cho biết: "Lần đó khoảng năm 1971 - 1972, ông bị thương nặng do đi gài lựu đạn khiến dạ dày bị thủng. Mấy anh em đưa ông cấp cứu nhưng ông không chịu và nói: "Máu ra cục cục thế này thì chết chứ sống gì nữa mà đi".

Họ cương quyết đưa ông đến bệnh viện quân y thì không còn thuốc mê hay thuốc gây tê để thực hiện ca mổ. Các bác sĩ ở đó nói: "Ông lát nữa thể nào cũng chết”. Ông cười hiền và nói: “Các anh cứ mổ đi không sao đâu”. Bệnh viện phải trói ông lại rồi mổ để khâu lại dạ dày. Lần đó tưởng đâu ông chết rồi".

Thơ Trịnh

(Còn nữa)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.