Đã từng nổi lên với nhiều phim nhựa của các đạo diễn danh tiếng nhưng phải đến Cảnh sát hình sự và Chuyện phố phường thì cái tên Võ Hoài Nam mới thực sự đi vào lòng khán giả xem truyền hình. Người ta biết đến anh như một diễn viên tài năng, để rồi đột nhiên anh rút khỏi màn ảnh nhỏ, để lại nhiều nghi vấn cho các fan hâm mộ điện ảnh. Rồi mấy năm gần đây, lại thấy anh xuất hiện trở lại với vai trò của một đạo diễn phim. Hóa ra, đằng sau những góc khuất của người nghệ sĩ tài danh này là cả một câu chuyện dài.
Võ Hoài Nam đã trải qua tuổi thơ cay cực.
Tuổi thơ đầy khốn khó
Hỏi chuyện tuổi thơ anh, về những ấn tượng mà theo năm tháng anh không thể nào quên được, Võ Hoài Nam chỉ cười: Đó là những cái gì đã qua rồi, còn những ấn tượng thì thực sự không muốn nhớ đến. Bởi không muốn nhớ đến nên anh đã (hoặc muốn) quên đi. Nhờ có quên mà giờ, anh mới có thể thành người được như ngày hôm nay. Cuộc đời một con người, điều quan trọng nhất là phải dám vượt lên, dũng cảm bước đi, dù chỉ một chân ra khỏi bùn lầy để bước lên con đường đất. Có chập chững từng bước rồi mới dần bước lên con đường nhựa để đi cho đàng hoàng, sau đó mới có thể nghĩ tới bước chân lên thảm đỏ. Có lẽ, con đường mà anh đã đi cũng đúng như cái cách mà anh hình dung đó.
Anh tự nhận mình là một sản phẩm lỗi, một sự cố ngoài ý muốn của cha mẹ mình. Lên 2 tuổi, cha mẹ chia tay, anh trở về sống với cha. Bởi vì là sản phẩm lỗi, nên người ta không đủ sức để thương yêu chính đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra. Cha mẹ giận nhau, trách cứ nhau rồi cứ thế vô tình lây cả sang con. Tuổi thơ anh là một nỗi giận hờn và tủi thân vì thiếu thốn, mà cái thiếu thốn nhất là tình thương. Đến lớp, bạn bè kì thị, xầm xì đã đành, đến khi nhìn con người ta có đủ cha, đủ mẹ, từng miếng ăn cũng phải dỗ dành, cưng nựng, cũng đến chảy nước mắt ra vì tủi cho mình. Buồn nhiều, khóc nhiều nhưng không chai sạn đi được, chỉ ngày càng khoét sâu vào trong lòng sự mặc cảm không phai được.
Đất nước giải phóng, anh theo vào Sài Gòn sống cùng ông nội, năm 13 tuổi lại trở về sống với cha ở Hà thành. Lúc bấy giờ, mẹ kế đã có thai. Cuộc sống lang bạt, nhà ga xó chợ đã đến với anh như một thôi thúc về cái đói và để giải phóng mình khỏi sự ngột ngạt của gia đình. Hút thuốc, uống rượu... đủ cả, cái gì cũng được học, cái gì cũng biết rồi tự rút ra cho mình những thứ mình cần và muốn cũng như nên. "Đầu đường, xó chợ đã dạy tôi nên người", không mấy người đủ dũng cảm để có thể nói lên những điều như vậy.
Yêu và cưới cũng... khác người
Người ta bảo anh mải lo làm kinh tế và chăm sóc gia đình đến quên cả nghệ thuật. Quả đúng là anh mải lo kiếm tiền mà gác đi đam mê nhưng không có nghĩa là anh bỏ. Anh vẫn ấp ủ và viết, viết nhiều kịch bản hay nữa là khác, nhưng lại cứ ôm, chờ khi có đạo diễn, có ê kíp làm phim tốt thì làm. Đời anh, dễ nhiều thứ, nhưng cũng khó nhiều thứ. Tỉ dụ như cái chuyện khảnh, không chịu khom lưng cúi đầu để giành suất cho mình, để phim mình được bợ đỡ, đến chuyện kĩ tính trong chuyện kén vợ.
Hồi đó, anh còn trẻ, cũng cao ráo, trắng trẻo, ưa nhìn, thêm cái duyên nói chuyện khiến nhiều bà nhiều cô phải mê mệt. Nhưng tất cả chỉ là qua đường, cái anh cần phải là một người phụ nữ đủ sức để hòa hợp với chính cuộc sống của mình. Trải qua nhiều mất mát, khiến anh càng trở nên e dè và kĩ tính hơn, cũng là cho mình, cho người cả thôi. Thanh niên, sống một mình, bạn bè em út nhiều, thành ra cẩu thả, cũng có nhiều chuyện lôi thôi buồn cười. Mà cũng lạ, có lẽ chính cái ngang tàng lại là điểm cuốn hút với người khác mà cô thì không nằm ngoài số đó. Anh cười, thậm chí, yêu nhau cô ấy cũng phải ngại mỗi khi xuống nhà đi mua nợ từng bao thuốc lá, gói mì tôm cho anh. Lật hết trang này đến trang khác cũng chưa cộng hết sổ. Ngại thì ngại nhưng mà cũng lại tình nguyện xung phong vì "để em xuống mua cho, anh xuống nợ mãi thì ngại lắm".
Yêu rồi về sống thử với nhau, cho dù lúc bấy giờ, quan niệm xã hội vẫn chưa còn cởi mở lắm. Ba năm có thể gọi là thử thách cho cả hai người. Mãi đến khi Lan Anh có bầu được ba tháng thì cưới. Lúc bấy giờ còn thuê nhà ở Trung Tự để bán hàng, bố mẹ vợ dưới Hòa Bình cũng xuống ở cùng. Ông bố sốt ruột, hỏi sao không chịu cưới đi, cái bụng cứ to lên dần rồi, anh chỉ tỉnh queo hỏi đùa, thế bố vợ đã kết con rể chưa? Kết thật chưa? Kết rồi thì cưới. Nói là làm, một tuần sau đám cưới diễn ra, tưng bừng khiến xung quanh tưởng là đang đóng phim. Bạn bè, anh em nhiều, xe máy đuổi xe jeep, lại thêm máy quay dẫn đầu, người ta tưởng lầm cũng phải. Anh quan niệm, cưới to cưới nhỏ không quan trọng, cái quan trọng là sau khi cưới về, người ta sống với nhau thế nào cho phải. Chỉ có một cái tủ gỗ hai cánh bị mọt, người ta không buồn chuyển đi, thế là ngả xuống, ngửa cái lưng tủ ra, trải lên một cái đệm mỏng là thành giường cưới, rồi cứ thế mà sống với nhau trọn nghĩa vợ chồng cho đến nay, cũng hơn mười năm rồi. Có với nhau 3 mặt con, một trai, hai gái, lại chuẩn bị có thêm một công chúa nữa trong nhà, vợ chồng chưa từng cãi vã một lần.
Lấy nhau về, cuộc sống vợ chồng cũng có thêm cái gọi là trách nhiệm. Trách nhiệm với đứa con sắp ra đời, có lẽ anh còn lo nhiều hơn vợ. Nếp sống cũng phải thay đổi gần như 180 độ, trước kia, cứ 9-10 giờ tối, hai người lại rủ nhau ra đường, có khi đến 6-7 giờ sáng mới lại đưa nhau về, thanh niên nhiều bồng bột nhưng giờ phải khác. Anh lo lắng và tính trước mọi thứ, từ mua sắm tã lót, vợ sinh ở đâu, ăn gì,... cả hai đều cùng nhau bàn tính kĩ cả. Đến lúc thấy bác sĩ ôm ra đứa con nhỏ đỏ hỏn trên tay, thậm chí không dám bế, chỉ quay mặt đi mà khóc vì xúc động.
Nghề diễn, cứ phải nay đây mai đó, khi có gia đình rồi thì trách nhiệm của người cha người mẹ cũng phải khác đi. Lan Anh tình nguyện bỏ nghề để ở nhà chăm sóc chồng con. Với người khác thì phải đấu tranh nhiều, nhưng với cô, được ở bên anh đã là hạnh phúc rồi, đâu có gì để phải toan tính nữa.
Rồi áp lực cuộc sống kinh tế cứ thế cuốn cả hai đi, anh rời khỏi màn ảnh khi đã giành được cho mình đủ cả các danh hiệu, còn thiếu mỗi cái nghệ sĩ nhân dân thôi để lo cái ăn, cái mặc, chi trả cho gia đình. Danh hiệu cũng chỉ là thứ phù hoa, có rồi lại mất, có giữ được, đến lúc chết cũng chỉ là một nắm xương tàn bị lãng quên, chỉ có gia đình là cái không mất đi được nếu bản thân biết cách trân trọng và vun đắp.
Vạn sự khởi đầu nan Trở nên dày dặn và từng trải, năm 18 tuổi thì nhập ngũ, đến năm 22 tuổi, Võ Hoài Nam theo người đi xuất khẩu lao động bên Nga. Được một năm thì bị trục xuất về nước chỉ vì một lý do không đâu, nóng tính quá, anh lỡ đánh một người nước ngoài phải nhập viện do người ấy nợ anh 1000 rúp tiền mua rượu và không trả. Anh cũng không lấy đó làm buồn. Về nước, đến 1989 thì học nghề tại nhà hát kịch Trung ương, học được 3 năm thì bỏ, cũng là thời gian anh được mời tham gia phim nhựa Truyền thuyết tình yêu thần nước (đạo diễn Hà Sơn). Vai diễn đầu đời đã được nhận vai chính, có lẽ cái duyên với nghiệp diễn nó đến với anh cũng nhẹ nhàng như nước vậy. Rồi cứ thế, bén hết vai này đến vai khác, trên dưới 10 phim nhựa của các đạo diễn Hà Sơn, Tự Huy, Lưu Trọng Ninh, Trân Phương, Đặng Nhật Minh,... đến năm 2003, phim Vua bãi rác của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã mang lại cho anh giải diễn viên xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương, đem lại vinh quang lần đầu cho Việt Nam khi có danh mục đoạt giải. Tiếp đó là seri 2 phim truyền hình dài tập Chuyện phố phường và Cảnh sát hình sự. Năm 2007, anh được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Có thể nói, nghệ thuật mà cụ thể hơn là diễn xuất đã làm thay đổi một bước cuộc đời anh. |
Phương Linh
Kỳ 2: Nghe Võ Hoài Nam kể chuyện dạy con