Mới đây, câu chuyện một thanh niên đi xe máy phân khối lớn với tốc độ 299km/h gây xôn xao mạng xã hội. Cộng đồng mạng có lẽ sẽ không hề biết đến người này, nếu như đoạn clip do anh quay không được chính anh ta đăng tải lên mạng xã hội. Phải chăng người thanh niên “xé gió”, “trêu đùa thần chết” đang tìm kiếm sự trầm trồ, thán phục của người khác trước cái mà anh tự huyễn hoặc bản thân với mỹ từ “cảm giác mạnh”, sự “dũng cảm”? Nhưng thật đáng tiếc, thứ anh nhận lại nhiều hơn lại là sự chỉ trích, lên án.
Biết rằng, có những người đam mê tốc độ, như cô gái nghiện trà sữa, như chàng trai mê game… Không ai cấm những điều đó. Nhưng khi ngồi lên chiếc xe, vặn ga và đi ra ngoài đường thì đó không chỉ là chuyện đam mê nữa, nó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng. Nhiều người, vì chạy quá tốc độ, vì nhầm chân ga mà cướp đi sinh mệnh của người khác. Với những vụ việc nghiêm trọng, họ thậm chí không có cơ hội làm lại cuộc đời.
Quay trở lại vụ thanh niên đi xe máy với tốc độ 299km/h, anh đi con xe lên đến cả tỷ thì việc phải nộp phạt 10 triệu đồng chẳng thấm vào đâu? Chỉ hy vọng, hình thức xử phạt, sự chỉ trích của cộng đồng giúp anh thức tỉnh, thay đổi suy nghĩ. Tránh tình trạng đem muối bỏ biển.
Nực cười một nỗi, trong xã hội lại có quá nhiều người “mê” tốc độ như chàng thanh niên kia nhưng lại rải rác ở khắp mọi lĩnh vực.
Ví dụ, “tốc độ” nhảy cầu của một số thanh niên cảm giác còn nhanh hơn cả… thần chớp. Vừa mới vui vẻ lắm, hoan hỉ lắm mà bỗng chốc vì giận người yêu, vì không vui với bố mẹ, vì bị “cắm sừng” và rất nhiều những lý do khác, các chàng trai, cô gái đã tìm đến một chiếc cầu, tìm đến một ngôi nhà cao tầng rồi gieo mình xuống. Ý nghĩ lúc đó, chắc chỉ là để giải thoát.
Sẽ có người chống chế, ru đời bằng mộng ảo, chia sẻ bằng cách hắt thêm dầu vào lửa cùng lời biện minh: Có ở trong hoàn cảnh của nạn nhân đâu mà phán xét? Đúng, không ai có thể hiểu, không ai có thể suy nghĩ thay cho ai bằng chính họ cả. Nhưng tính mạng của con người chỉ có một vì thế mọi hành động từ chối sự sống tôi cho rằng đó là hành động ngu ngốc.
Đất nước Việt Nam gần 100 triệu dân, còn dân số thế giới là gần 8 tỷ người, chẳng nhẽ chỉ họ mới biết đến nỗi buồn. Ngoài kia, nhiều người có những lúc sống không bằng chết, ấy vậy mà vẫn phải cố gắng sống. Vì họ có nhiều lý do, nhiều động lực hơn là những nỗi buồn vơ vẩn kia.
Lại có những người không hiểu vì sao luôn có góc nhìn tiêu cực và bạo lực trước mỗi sự việc đang diễn ra trong xã hội. Cho dù người ta đi làm từ thiện, cứu trợ nhân đạo cũng cố suy diễn ra góc nhìn tiêu cực là “đánh bóng tên tuổi, PR bản thân… Đáng nói, phản ứng tiêu cực này có “tốc độ” cực nhanh, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Mỗi ngày, không biết bao nhiêu vụ án mạng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ cái nhìn được cho là đểu, từ điếu thuốc lá… Không biết từ bao giờ, những chuyện nho nhỏ, có thể sẻ chia, có thể thông cảm lại biến thành lý do để chém giết một cách… ngay lập tức như thế. Người ta đổ lỗi cho cha mẹ không dạy được con. Nhưng không, chính con người không kiểm soát được cảm xúc, dẫn đến những hành vi cực đoan. Thêm nữa, sự sĩ diện, máu “anh hùng rơm” cũng đã khiến các cậu choai choai gây tội và phải trả giá trước cuộc đời.
Thêm vào đó, trong thế giới phẳng, con người liên kết với nhau bằng cú click chuột, anh hùng bàn phím ẩn nấp ở khắp nơi, họ rành nhất là việc sỉ vả, ném đá, dạy đời trong thế giới mạng đầy hỗn độn. Trình độ “hóng” và thời gian rảnh của không ít cư dân mạng phải nói ở mức “thượng thừa”. Chỉ cần xuất hiện sự việc thôi, còn việc đào mộ, truy tìm tung tích, họ hàng hang hốc, chân tơ kẽ tóc của kẻ liên quan đã có… cộng đồng mạng lo.
Chỉ ra cái sai là sự góp ý có trách nhiệm nhưng phải có mức độ và giới hạn, còn “ném đá” kiểu a dua, theo tâm lý đám đông có thể thành kẻ giết người. Bởi suy cho cùng, riêng cụm từ ném đá đã mang một ý nghĩa tiêu cực rồi, nên nếu nó không được kiểm soát, một cách vô tình hay hữu ý đều có thể đưa đến một kết quả rất tệ.
Tìm kiếm trên mạng xã hội, rất nhiều thanh thiếu niên trở thành nạn nhân của nạn ném đá trên mạng xã hội. Có cô bé tự tử ở ao trước nhà vì cảnh hôn bạn trai bị quay lại và phát tán trên mạng. Có cậu bé treo cổ sau khi clip cậu bị đánh được đăng tải trên mạng xã hội…
Một bộ phận người trẻ làm gì cũng nhanh: Yêu nhanh, chết nhanh, tấn công người khác nhanh… Trong khi đó nhiều thanh niên rất xuất sắc, họ không chỉ xuất sắc trong nước mà còn vươn tầm thế giới. Nhanh như họ, ai cũng cổ vũ...
Trong cuộc sống, có những thứ cần chậm lại và có những lúc cần sống chậm lại. Chỉ có điều, học chậm, phấn đấu chậm và làm nhiều thứ cũng chậm thì lại sai sách mất rồi. Vậy nên, nhanh hay chậm nó cũng chỉ là tốc độ, và ai cũng cần tìm cho mình một thứ tốc độ phù hợp.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Mộc Miên