Từ những ngày đầu tháng 10, nhiều bức tranh bích họa với chủ đề “Hà Nội xưa và nay” trên những mảng tường trường THPT Phan Đình Phùng đã dần hoàn thiện bởi chính các cựu học sinh mừng kỷ niệm 45 năm thành lập trường.
Nghệ thuật đặt sai không gian
Có thể coi bích họa là một phương pháp dùng nghệ thuật để tôn tạo vẻ đẹp ở những khung cảnh hoang tàn, xấu xí. Tuy nhiên, với những nơi đã có nét đẹp riêng, việc lạm dụng bích họa không đúng cách sẽ tạo nên sự phản cảm đáng tiếc.
Theo họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, đường Phan Đình Phùng bản chất vẫn giữ được đúng dáng dấp của Hà Nội xưa, mang nét đẹp cổ kính. Cả khu vực như hợp thành một thể thống nhất về đường nét, không gian, cảnh quan chung, hài hòa giữa nhiều tòa kiến trúc cổ, con đường ngay ngắn, gọn gàng với hàng cây cả trăm năm tuổi rợp bóng mát. Hình ảnh những cụ ông, cụ bà thong thả đi bộ mang lại cảm giác của một không gian thanh bình giữa nhiều phố phường tấp nập.
Họa sỹ nhận định: “Đường Phan Đình Phùng là con đường mang vẻ đẹp nên thơ và thuần khiết của Hà Nội. Cho dù những bức bích họa đang thể hiện đề tài không gian Việt, vẫn tái hiện hình thức của một đời sống không ăn nhập với nét đẹp của cảnh quan chung. Hoạt động này có vẻ bị “bật trội”, lạc ra khỏi không gian và không có tác dụng cải thiện hình ảnh”.
“Kiểu vẽ tự do như này hiện nay đang quá tràn lan, nghệ thuật dù có đẹp đến đâu, nhưng để sai vị trí và không phù hợp với cảnh quan chung thì cũng không mang ý nghĩa gì” - họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức khẳng định thêm.
Họa sỹ Bùi Đức bày tỏ quan điểm: “Nên tôn trọng bản sắc tự nhiên. Những bàn tay can thiệp vào tự nhiên phải có chuyên môn thật giỏi, chứ không đơn thuần chỉ “bôi xanh, bôi đỏ” lên như một nhà trẻ. Những không gian tương tự đường Phan Đình Phùng, nên để nguyên bản, để Hà Nội còn lưu giữ lại nét đẹp xưa, mang dấu ấn với du khách. Tránh việc vẽ lên trông không đẹp, gây phản cảm, lại không còn đúng chất của Hà Nội nữa”.
Họa sỹ Vũ Quyền, giảng viên đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Đây cũng là một hoạt động mang tính cộng đồng, gợi lại các nét văn hóa cho người dân trong đời sống. Tuy nhiên, việc tái hiện chùa Một Cột, cầu Long Biên, cột cờ Hà Nội,... là không cần thiết, du khách có thể ghé thăm trực tiếp những địa điểm trên và cảm nhận”.
Ông Trần Đăng Mít, một người dân sống gần trường THPT Phan Đình Phùng cũng nhận thấy những bức bích họa chưa thực sự phù hợp. Theo ông, nên sử dụng những hình ảnh mang đậm dấu ấn lịch sử, những nét đặc trưng của Hà Nội. Trước một môi trường học đường, cần những hình ảnh vừa nghệ thuật vừa giúp học sinh thêm yêu thích khám phá, bổ sung kiến thức lịch sử, thấm hiểu về truyền thống của Hà Nội”.
Đồng quan điểm với khá nhiều chuyên gia, họa sỹ tự do Hoàng Vũ chia sẻ: “Vấn đề là vẽ gì? Vẽ có đẹp lên không? Nếu vẽ để xấu đi thì hoàn toàn không nên. Phố Phan Đình Phùng cổ kính ra sao thì nên giữ nó rêu phong, cổ kính như thế, không nên thay đổi những nét riêng ấy làm gì”.
Nhiều họa sỹ tên tuổi tỏ ra không ủng hộ trước tác phẩm nghệ thuật đặt sai chỗ này, mặc dù ý tưởng được hình thành từ những điều đẹp đẽ của nhóm cựu học sinh muốn bày tỏ tri ân với trường.
Ở một khía cạnh nào đó, tác phẩm nghệ thuật đã đi ngược sứ mệnh của tranh bích họa là nâng cao thẩm mỹ cho không gian công cộng. Con đường Phan Đình Phùng thuần khiết như tà áo dài tinh khôi mang hồn dân tộc vừa bị lem những vệt màu lòe loẹt, làm mất đi vẻ đẹp vốn có.
Nên tuân thủ quy tắc để làm đẹp cảnh quan
Không khó để nhận ra, bích họa đang ngày càng được các nhóm họa sỹ trẻ sử dụng để tô điểm làm đẹp cảnh quan, tại nhiều địa phương. Ngay tại Hà Nội cũng xuất hiện khá nhiều đường bích họa: ngõ 136 Hồ Tùng Mậu (Bắc Từ Liêm), ngõ Ao Dài (Nam Từ Liêm), Phùng Hưng (Hoàn Kiếm), đường Mỗ Lao (Hà Đông),... với những chủ đề khác nhau.
Tuy nhiên, dù có là nghệ thuật, bích họa cũng nên tuân theo một số nguyên tắc để không bị lạc điệu, biến hóa tiêu cực lòe loẹt, rối mắt giữa Thủ đô.
Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức khẳng định: “Nghệ thuật đưa vào cải tạo bộ mặt của đường phố, cải tạo không gian xấu, bẩn, nhiều tệ nạn, thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Còn với những không gian không cần thiết, thì không nên lạm dụng”.
Họa sỹ cũng gợi ý: “Nếu những bức tranh vẽ vì mục đích giáo dục học sinh, thì nên vẽ ở mặt tường phía trong, tránh để ảnh hưởng tới cảnh quan chung của khu phố. Hoặc tìm kiếm, sáng tạo một sân chơi chung như phố đi bộ, thì việc ứng dụng bích họa sẽ thoải mái hơn. Tôi hoàn toàn ủng hộ những bức bích họa trên phố Phùng Hưng, vì bản chất đó là một không gian hoang phế, nhiều rác và những tệ nạn xấu, cần tô điểm để xóa bỏ những điểm xấu”.
Họa sỹ Hoàng Vũ cũng bày tỏ: “Bích họa cũng tùy khu vực nào mình nên vẽ cái gì. Ví dụ như Ô Quan Chưởng, nét cổ kính riêng gắn với Hà Nội, đã đẹp sẵn rồi, việc gì phải vẽ thêm cho xấu đi. Phố đang quá đẹp thì không cần bôi thêm, chỉ những chỗ nào xấu xí thì sẽ rất ủng hộ vẽ vào để tăng tính thẩm mỹ”.
Giảng viên đại học Sư phạm Nhạc họa Trung ương Nguyễn Đức Lân cho rằng: “Muốn tô điểm một bức tường, trước tiên phải do nhà quản lý có đồng ý hay không, sau đó, sẽ do các nhóm họa sỹ có uy tín và trách nhiệm thực hiện. Việc vẽ lên những cảnh quan đang đẹp, để xấu đi, hay sử dụng những nội dung không phù hợp, cũng như chất lượng chuyên môn nghiệp vụ kém thì chắc chắn tác phẩm sẽ chỉ là thảm họa”.
Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức nhấn mạnh: “Làm gì cũng phải có quy hoạch cụ thể, rõ ràng. Phường Phan Đình Phùng cho vẽ nhưng con đường đấy gắn liền với văn hóa tới trường học, môi trường liên quan đến cả khu phố, nét văn hóa của cả Hà Nội, nên các cấp quản lý phải đưa ra định hướng quy hoạch ra sao cho phù hợp. Nếu cứ thích đâu vẽ đấy, Hà Nội sẽ có rất nhiều chỗ để vẽ, chẳng mấy chốc tạo nên sự nhiễu loạn về màu sắc trong khắp phố phường Hà Nội. Trong một không gian tổng thể chung, cần có sự tính toán chính xác chỗ nào nên giữ thì giữ, chỗ nào nên vẽ thì vẽ và vẽ những nội dung nào, cần được kiểm duyệt kỹ lưỡng”.
Bích họa nên vẽ đúng chủ đề, đặt đúng vị trí để phát huy khả năng khôi phục cảnh quan, nâng cao thẩm mỹ và tác động một cách tích cực nhất đến môi trường, đến đời sống.