Tướng cảnh sát Tư Bốn: "Làm nghề, hãy đặt cái tâm lên đầu"

Tướng cảnh sát Tư Bốn: "Làm nghề, hãy đặt cái tâm lên đầu"

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

– "Chỉ huy nào cũng cần phải sử dụng cái uy nhưng đây phải là cái uy tín để điều hành công việc", trung tướng Nguyễn Việt Thành chia sẻ.

Nếu như trong cả thời kì chiến đấu trường kì và gian khổ, ông Tư Bốn luôn được giao những nhiệm vụ nguy hiểm, vất vả, khó khăn thì trong cuộc chiến với các tội phạm ở đời thường cũng không kém phần gay go và quyết liệt. Chính vì vậy, ngay khi trở về và làm Trưởng phòng công tác giao thông tại Mỹ Tho, ông luôn trăn trở làm sao để đào tạo và rèn luyện đạo đức chuẩn mực cho cán bộ công an.

Triệt nạn hối lộ từ những việc nhỏ nhất

Ngay từ những ngày đầu tiên công tác tại công an Tiền Giang năm 1976, ông Tư Bốn luôn trăn trở mình làm sao đó để đào tạo được những người cán bộ công an mẫu mực, của dân và vì dân. Ông luôn cho rằng: "Công an nói chung và các binh chủng khác nói riêng luôn đòi hỏi phải là những người có trí tuệ, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, công tâm và có lòng vị tha". Thế nhưng cái quan trọng nhất của người công an, theo trung tướng Nguyễn Việt Thành, phải là người có một trí tuệ để giải quyết tất cả mọi công việc một cách khôn khéo và đúng mực.

Pháp luật - Tướng cảnh sát Tư Bốn: 'Làm nghề, hãy đặt cái tâm lên đầu'

Phút thảnh thơi của vị tướng lừng danh

Sau khi nhận nhiệm vụ, ông đã bắt tay vào công việc củng cố tổ chức Đảng, thực hiện công tác tổ chức phê bình và tự phê bình trong từng cán bộ Đảng viên một cách gay gắt. Theo ông, bằng quá trình thanh lọc gắt gao đó, dù là cán bộ mới hay cũ nếu cảm thấy khó khăn quá thì có thể xin ra quân hoặc chuyển đơn vị khác. Còn đối với những người nhìn nhận ra vấn đề và hạ quyết tâm thì ở lại một lòng phục vụ nhân dân với tư tưởng là học trò của dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông nói: "Trong công tác và rèn luyện của các cán bộ trong ngành công an nói riêng và sở ban ngành khác nói chung thì vấn đề kinh tế ảnh hưởng và tác động rất lớn. Ngày ấy, cuộc sống kinh tế có quá nhiều khó khăn, miếng cơm không đủ mà ăn trong khi cán bộ đi làm thì không có một đồng lương. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều cán bộ công an sinh ra hư hỏng, tham ô, nhận hối lộ...”. Sự ảnh hưởng của kinh tế làm mất dần bản chất cốt yếu và tốt đẹp của người cán bộ công an khiến ông Tư Bốn luôn trăn trở để tìm ra hướng giải quyết.

Từ những trăn trở, băn khoăn, ông đã nhanh chóng tổ chức cho đơn vị của mình làm 6 mẫu ruộng, lấy lúa mang về ăn. Bên cạnh đó, những lúc rảnh rỗi, ông còn cho anh em làm mắm cá để phân phát cho mọi người và gửi các đơn vị. Để thực hiện được công tác này, ông đã phát động phong trào thi đua làm công trong đơn vị. Hưởng ứng phong trào phát động, hầu hết các cán bộ công an, ai cũng nhiệt tình ủng hộ và làm việc một cách miệt mài. Chính vì thế, cuộc vận động đã dấy lên một phong trào học tập và rèn luyện rất tốt. "Các cán bộ công an luôn tỏ ra kiên quyết không lấy một đồng nào của nhân dân với những gì mình đã làm được hoặc nếu có thì tất cả phải được công khai ghi vào sổ đàng hoàng", Trung tướng Nguyễn Việt Thành hùng hồn khi nói đến vấn đề rèn luyện đạo đức truyền thống của cán bộ công an.

Không chỉ vậy, để triệt tiêu tận gốc tư tưởng hối lộ, tiêu cực của một số cán bộ, ông cho biết: "Hồi đó, chúng tôi nhất quyết không đồng ý việc các cán bộ trong ngành mời nhiều khách trong những ngày giỗ cha, giỗ mẹ”. Bởi theo ông đây là một cách hối lộ hết sức hợp pháp mà không ai bắt bẻ được. Là lãnh đạo, ông luôn khuyên các đồng nghiệp của mình không nên nhận của ai đó bất kì cái gì bởi nếu chẳng may sau này họ vi phạm thì khó mà ăn nói.

"Người cán bộ tốt là người biết tự quản mình thật tốt"

Là một người chỉ huy, ông luôn trăn trở một điều rằng dù cho mình là người lãnh đạo công tâm hay nghiêm khắc bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể theo sát tất cả những bước đi, hành động của cấp dưới. Chính vì vậy, ông cho rằng: "Bản thân mỗi người cán bộ công an mỗi khi xa lãnh đạo, chỉ huy của mình phải tự mình quản lấy chính mình. Mình phải tự rèn luyện làm cho mình luôn trong sáng. Và quan trọng hơn cả, để giữ cho khí tiết của mình luôn trong sạch thì cái tâm phục vụ nhân dân của người làm nghề phải được đặt lên hàng đầu. Ông luôn nói với các đồng nghiệp "thân anh, anh không giữ được thì làm sao ai giữ dùm".

Pháp luật - Tướng cảnh sát Tư Bốn: 'Làm nghề, hãy đặt cái tâm lên đầu' (Hình 2).

"Ông trùm" Trương Văn Cam (Năm Cam)

Xuất phát từ những tư tưởng và cách quản lí cán bộ của tướng Việt Thành, mọi người không những kính nể ông mà còn coi đó là một tấm gương để học tập và thừa hưởng những điều tốt đẹp. Từ những kết quả mà ngành công an tỉnh Tiền Giang đã và đang làm được dưới sự chỉ đạo của "thủ lĩnh" Nguyễn Việt Thành khiến cho bất kì ai đã từng bước trên qua mảnh đất này cũng phải nể phục. Nơi đây được coi là khắc tinh của các loại tội phạm. Tất cả những trường hợp vi phạm trên địa bàn này, không một ai có thể xin hay thoát tội. Ngay cả tội phạm nguy hiểm, cứng đầu nhất như Năm Cam cũng bị quy phục trước những quyết đoán, rành mạch và sự công tâm của Trung tướng Việt Thành. Điều này không có nghĩa là ở các nơi khác, cảnh sát giao thông không kiểm tra và phát hiện vi phạm nhưng trong nhiều trường hợp tài xế đã xin được lực lượng kiểm tra du di, còn ở Tiền Giang thì điều đó là không thể.

Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: "Đó chính là sự thỉnh cầu, cầu nguyện của người chỉ huy. Là một người chỉ huy, ai cũng phải sử dụng cái uy nhưng đây là cái uy tín để điều hành công việc chứ không phải lấy cái uy quyền để bắt bẻ, dọa nạt người dân. Uy tín của người lãnh đạo, đó chính là nhân tố quyết định sự thành bại trong quá trình lãnh đạo của mình".

Ngoài công tác quản lí, ông còn thường xuyên bất ngờ đi xuống các huyện kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới để kịp thời khen ngợi những đơn vị làm tốt và phê bình những nơi chưa tốt. Chính vì vậy mà cấp dưới của ông không ai dám chểnh mảng trong công tác, từ đó góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh, trật tự trong toàn tỉnh. Một cán bộ cựu chiến binh ở xã Thanh Bình huyện Chợ Gạo nhớ lại: "Lúc đó trong xã có khi cả năm không xảy ra vụ án hay gây mất trật tự nào đáng kể. Vì ngoài việc kiểm tra, mỗi lần về thăm nhà, ông Tư đều quan tâm hỏi han việc thực hiện nhiệm vụ của xã, nhờ đó các cán bộ từ xã tới ấp đều kịp thời phát hiện những mầm mống bất ổn để uốn nắn ngay từ đầu".

Mặc dù công việc luôn căng thẳng bởi những vụ án phức tạp và gian nan nhưng Trung tướng Việt Thành biết kết hợp một cách hài hòa giữa công việc với giải trí, nghỉ ngơi. Nếu như chỉ nhìn vào công việc và tính nghiêm khắc, ai cũng nghĩ ông là một người khô khan, cứng cỏi, thế nhưng ít ai biết được trong tâm hồn ấy là cả một trái tim của người nghệ sĩ. Sau những phút mệt mỏi của công việc, ông cũng là người rất mê hát cải lương và uống rượu đế, luôn đứng đầu trong việc tổ chức các buổi lễ liên hoan văn nghệ, đặc biệt là các buổi diễn hát cải lương. Bởi theo ông, hát để xóa tan đi bao mệt nhọc sau những giây phút căng thẳng trong công việc.

Không thích gái đẹp là lừa dối bản thân

Cho dù là một người cán bộ gương mẫu, nghiêm khắc trong mắt tất cả mọi người nhưng ông vẫn khẳng định: "Đàn ông con trai mà nói không thích gái đẹp, không ham tiền thì hoàn toàn không đúng và đó là đang lừa dối bản thân mình. Tuy nhiên, bản thân mỗi người phải biết dừng lại, chặn đường đón ngõ, biết gìn giữ phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho mình". (Còn nữa).

Thơ Trịnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.