Đây không phải là lần đầu tiên bức tượng bị đập phá như vậy. Năm 2006, đầu của bức tượng cũng bị cắt rời tương tự như hiện nay. Năm 2015, bức tượng bị phun đầy sơn đỏ với hàng chữ: “Black Lives Matter – Vấn đề của người da đen” (đây là tên của một phong trào nhân quyền quốc tế, chống phân biệt chủng tộc và bất công đối với người da đen).
Cả thế giới đều biết Christopher Columbus là người tìm ra Châu Mỹ. Hàng năm, ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 10 trở thành Ngày Columbus và là ngày lễ của toàn dân. Tuy nhiên, câu chuyện xung quanh ông chứa đầy mâu thuẫn. Nhiều người cho rằng đài kỷ niệm Columbus là biểu tượng của sự phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ và sự hủy diệt người thổ dân Mỹ.
Thị trưởng thành phố Boston, ông Marty Walsh nói, bức tượng sẽ được cất giữ để xem xét mức độ bị phá hoại. Các nhà chức trách cũng xem lại ý nghĩa lịch sử của bức tượng này.
Trong cơn lốc bạo động đảo điên sau cái chết của người da màu George Floyd do cảnh sát Minneapolis gây ra, tượng Columbus ở nhiều thành phố cũng bị đập phá dữ dội. Tại thành phố Richmond, bang Virginia, tối thứ Ba, ngày 9/6/2020, khoảng 1000 người biểu tình ôn hoà và kết thúc bằng việc một vài nhóm người đập phá, phun sơn rồi ném tượng Columbus xuống hồ gần đó.
Ngày Columbus 2019, tại Providence, bang Rhode Island, tượng Columbus cũng bị phun sơn đỏ với hàng chữ “Hãy chấm dứt việc kỉ niệm ngày diệt chủng” .
Có một phong trào tẩy chay Ngày Columbus – như một ngày lễ. Thay vào đó sẽ là Ngày Thổ dân Mỹ (Indigenous People’s Day).
Người dân sống tại Boston thanh bình, xinh đẹp, gắn liền với lịch sử của cách mạng Mỹ, không khỏi tiếc nuối sự bình yên và vẻ đẹp của thành phố đang bị huỷ diệt.
Bài và ảnh: Nguyễn Minh Phương (Boston-Mỹ)