Theo tờ El País, một trong những khối hổ phách lớn nhất thế giới, có giá trị khoảng 1 triệu euro (27 tỷ đồng), đã được tìm thấy trong nhà của một phụ nữ lớn tuổi ở Romania.
Người phụ nữ đã tìm thấy khối hổ phách nặng 3,5 kg dưới lòng suối ở Colti, ngôi làng thuộc hạt Buzau.
Bà đã sử dụng nó như một vật chặn cửa trong nhiều thập kỷ mà không ai nhận ra giá trị của nó, ngay cả những tên trộm đồ trang sức đã từng đột nhập vào ngôi nhà.
Thông tin này đã được Daniel Costache, giám đốc Bảo tàng Hạt Buzau, xác nhận với El País. Bảo tàng Hạt Buzau hiện đang lưu giữ vật thể này.
Vào năm 1991, người phụ nữ này qua đời và khối nhựa hóa thạch đặc biệt đã được một người họ hàng chú ý đến.
Sau khi thừa kế thứ mà lúc đầu ông chỉ coi là một tảng đá, ông đã xem xét kỹ hơn khối hổ phách và suy luận rằng nó có thể là một loại đá bán quý có giá trị lớn.
Và ông đã đúng. Ông đã bán phát hiện độc đáo này cho nhà nước Romania và họ đã nhanh chóng phân loại khối hổ phách này là báu vật quốc gia.
Chính quyền Romania đã gửi khối hổ phách đến Bảo tàng Lịch sử ở Krakow (Ba Lan), nơi có một bộ phận chuyên nghiên cứu đá bán quý.
Các chuyên gia Ba Lan đã ngay lập tức xác nhận tính xác thực của khối đá hổ phách này và ước tính rằng nó có thể có tuổi đời từ 38,5 đến 70 triệu năm.
Costache, người tin rằng giá trị của nó là không thể tính toán được, giải thích rằng: "Việc phát hiện ra nó có ý nghĩa to lớn ở cả cấp độ khoa học lẫn cấp độ bảo tàng".
Chuyên gia này khẳng định rằng đây là một trong những khối hổ phách lớn nhất thế giới và là loại lớn nhất.
Các thành viên trong gia đình chủ sở hữu cho biết rằng người phụ nữ là nạn nhân của một vụ đột nhập mà chỉ có một vài món đồ trang sức bằng vàng có giá trị nhỏ bị đánh cắp, trong khi khối hổ phách hoàn toàn bị bỏ qua.
"Trong cuộc tìm kiếm những đồ vật có giá trị, những tên trộm đã bỏ qua kho báu thực sự ở ngay trước mắt chúng", họ nói.
Romania là một trong những quốc gia có trữ lượng hổ phách lớn nhất, trong đó Quận Buzau là một trong những khu vực tập trung nhiều loại đá bán quý này. Do các mỏ hổ phách tại đây có những điểm đặc trưng, nhà địa chất Oscar Helm đã đặt tên cho chúng là "rumanit", thường được gọi là "hổ phách Buzau", theo Viện Kỷ lục Thế giới, tổ chức chứng nhận kỷ lục hàng đầu thế giới.
Khu vực này là nơi có một khu bảo tồn thiên nhiên, nơi người ta đã phát hiện ra nhiều khối hổ phách có giá trị cả về chất lượng lẫn sự đa dạng với hơn 160 sắc thái màu, chủ yếu là màu tối, từ đỏ đến đen.
Một số trong số chúng chứa rất nhiều hóa thạch còn sót lại của các loài nhện, bọ cánh cứng, ruồi, giáp xác, bò sát, lông chim và lông động vật, cùng nhiều loài khác.
Ngoài ra, khu bảo tồn còn có mỏ hổ phách Stramba cũ, được biết đến là một trong những mỏ có năng suất cao nhất trong nửa đầu thế kỷ 21, nhưng đã bị đóng cửa vì bị coi là không có lợi nhuận.
Hải Vân