Tướng Giáp qua góc nhìn của nhà tình báo

Tướng Giáp qua góc nhìn của nhà tình báo

Thứ 6, 11/10/2013 14:01

"Võ Nguyên Giáp trước sau như một, là vị tướng của hòa bình và nhân dân", nguyên Cục trưởng Cục Tình báo và quân báo Lê Trọng Nghĩa, trợ tá thân cận cho tướng Giáp năm 1946-1968, bày tỏ.

Ở tuổi 92, mái tóc bạc trắng, giọng run run, ông Nghĩa vẫn có thể khiến nhiều người đối diện ấn tượng bởi ánh mắt màu xanh đen sắc lẹm, từng lời nói chắc nịnh và kiên cường. Nhắc đến cụ Hồ, tướng Giáp, về cách mạng Việt Nam, ông nhớ đến từng chi tiết nhỏ.

Ông Nghĩa xuất thân là một sinh viên khoa Luật, thông thạo nhiều thứ tiếng. Năm 23 tuổi (tức 1945) ông làm thuyết khách gặp gỡ Trần Trọng Kim, thuyết phục chỉ huy Nhật ở Trại Bảo an binh và tham gia đàm phán với Tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Hà Nội. Chia sẻ về công việc của mình, ông nói: "Tôi theo dõi tất cả các vấn đề có quan hệ tới đối phương như Pháp, Mỹ, và các nước khác có liên quan đến cách mạng Việt Nam. Dựa vào những tin tức đó, Bộ Chính trị đưa ra chủ trương, quyết sách".


Xã hội - Tướng Giáp qua góc nhìn của nhà tình báo
Đại tá Lê Trọng Nghĩa - Nguyên Cục trưởng Cục tình báo và quân báo. Ảnh: Phan Dương.

Giai đoạn Cách mạng Tháng 8, ông Nghĩa đại diện chính quyền Việt Minh liên hệ với quân đội Nhật. Chủ trương lúc đó của ta là chỉ huy quân giải phóng đánh vào quân Nhật đang co cụm ở Thái Nguyên để mở đường Nam tiến. Ngày 23/8/1945 cách mạng thành công, ông Nghĩa thôi nhiệm vụ này, việc liên lạc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chịu trách nhiệm. Đại tướng ra lệnh ngừng trận Thái Nguyên, giao hảo với Bộ chỉ huy tối cao của quân đội Nhật, tạo điều kiện để nhân dân cả nước giành chính quyền. Nhờ đó, giải phóng quân vào chiếm lĩnh Hà Nội và làm hậu thuẫn để chính quyền cả nước công khai ra mặt quốc dân ngày 2/9 trong bầu không khí hòa bình, không xung đột, đổ máu.

Ngày 22/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các ông Khuất Duy Tiến và Dương Đức Hiền tiếp xúc với phái bộ đồng minh do đại tá Archimedes Patti dẫn đầu. Theo ông Nghĩa, thời điểm này không có chức vụ chính thức nhưng Tướng Giáp đã làm nhiệm vụ của một Bộ trưởng Ngoại giao. Chính ông gặp gỡ với tướng Patti, và sau đó đưa đại diện phái bộ đồng minh đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc gặp gỡ này được xem là hội nghị ngoại giao đầu tiên của nước ta.

Trong cuốn hồi ký "Why Vietnam?" (Tại sao Việt Nam) của đại tá Patti (do Lê Trọng Nghĩa dịch) có kể lại rằng sau cuộc họp này ông Giáp đã nói: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Quốc kỳ nước chúng tôi được trương trong một nghi lễ quốc tế (sánh ngang hàng với cờ 4 nước đồng minh Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc) và Quốc ca của chúng tôi được cử hành để chào mừng một người nước ngoài. Tôi sẽ mãi mãi không quên...". Khi ấy, ông Nghĩa giải thích, quốc kỳ nước Việt tung bay ngang hàng với cờ 4 nước đồng minh Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc.

Bằng 2 sự kiện đó, nhà tình báo Lê Trọng Nghĩa nhìn nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là ông tướng đánh trận mà còn là người gìn giữ hòa bình trong lúc đất nước hỗn loạn. "Với tôi, ông Giáp là người đóng góp có tính chất quyết định cho việc xây dựng đất nước Việt Nam độc lập và thống nhất ngay từ những ngày đầu", ông Nghĩa nắm tay chắc nịch, khẳng định.

Xã hội - Tướng Giáp qua góc nhìn của nhà tình báo (Hình 2).Cuộc gặp mặt giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại diện quân đồng minh Đại tá Patti được xem như hội nghị ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Lần đầu tiên quốc kỳ, quốc ca nước Việt sánh ngang với các nước trên thế giới. Ảnh tư liệu.

Năm 1950, ông Nghĩa được phong hàm đại tá và giữ chức Cục trưởng Cục tình báo và quân báo Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông trở thành trợ tá đắc lực của Đại tướng, nhất là trong trận Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, lúc đầu Bộ Chính trị đã quyết định phương án "đánh nhanh giải quyết nhanh". Tuy nhiên, thông tin tình báo của ông Nghĩa cho thấy thực dân Pháp đã "nằm lòng" kế hoạch của chúng ta và đã lên phương án tác chiến chỉ chờ quân ta nổ súng sẽ dập tắt. Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã hạ "quyết định khó khăn nhất cuộc đời" là chuyển sang "đánh chắc tiến chắc".

Ký ức của ông Nghĩa nhớ rõ thời kỳ ấy, kế hoạch ban đầu của ta là quân chủ lực 308 sẽ tấn công vào lòng chảo Điện Biên Phủ. Cân nhắc tình hình kế hoạch bại lộ, ta đang nằm ở thế bị động nên tướng Giáp cho rút pháo ra khỏi Điện Biên, đồng thời quân chủ lực rút sang Lào, đánh nghi binh hòng phân tán lực lượng của Pháp - Mỹ. Thế nhưng, ngay sau đó, Đại tướng lại quyết định không đánh nghi binh mà đánh thật xuống tận Luông Pha Băng. Phía Pháp nghĩ quân đội Tướng Giáp định cắt đôi Điện Biên, chiếm cả miền Bắc nên phải thay đổi kế hoạch, phân tán lực lượng đi các nơi. Nhờ đó Tướng Giáp đã chuyển tình hình từ thế bị động sang chủ động, nắm chắc được phần thắng.

"Cái độc đáo của ông Giáp là chuyển sang phương án mới. Quan trọng nhất là nổi bật được tính độc lập trong tư tưởng và trí tuệ của Việt Nam. Điều này phản ánh ông Giáp là người học trò tiêu biểu và được tín nhiệm nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh", ông Nghĩa nhận định.

Xã hội - Tướng Giáp qua góc nhìn của nhà tình báo (Hình 3).

Cục trưởng Quân báo Lê Trọng Nghĩa đang báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị về chiến dịch Biên giới 1950. Ông Nghĩa đứng giữa Phạm Văn Đồng và Hoàng Quốc Việt. Ảnh tư liệu.


Những năm 1967-1968, ông Nghĩa gặp những biến cố lớn, sự nghiệp cách mạng của ông dừng từ đó. Tận 22 năm sau, lúc về già ông mới có cuộc hội ngộ với người chỉ huy của mình. Ông nói chỉ cần đôi bên nhìn nhau đã rõ tất cả những nỗi đau phải chịu đựng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần là một nỗi đau lớn với người trợ tá thân cận này. Ông nói từng tiếng mạnh mẽ: "Ông Giáp mất tác động rất sâu sắc đến tâm hồn, tình cảm của tôi. Sự ra đi của ông Giáp là tiếng chuông rất quan trọng để nhắc nhở tôi là phải nhớ đến và làm theo tấm gương của ông suốt đời kiên trì vì nền hòa bình, độc lập của nước nhà".

Nhà tình báo Lê Trọng Nghĩa chia sẻ thêm, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang hướng tích cực, nhất là trong thời điểm Hội nghị Trung ương VIII vừa diễn ra. "Mọi người dân đừng chỉ có thương tiếc không, cần phải nhìn theo gương ông Giáp mà làm vì một nước Việt Nam có hòa bình, phát triển một cách sâu rộng và vững chắc", nhà tình báo 92 tuổi tha thiết.

Hình ảnh vị tướng gần gũi với người lính, nhân dân đã in sâu vào tâm khảm ông Nghĩa từ cái thời Tướng Giáp đội mũ phớt thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. "Tôi gọi ông ấy là Đại tướng đội mũ phớt. Vinh quang của ông ấy không phải thể hiện ở Cách mạng tháng Tám, trận Điện Biên Phủ, dìu dắt cách mạng đi qua hai cuộc chiến tranh vĩ đại..., mà vinh quang suốt đời của ông Giáp là vì nền hòa bình của Tổ quốc", người cựu trợ lý Tướng Giáp chia sẻ.

Nguyên Cục trưởng Cục tình báo và quân báo Lê Trọng Nghĩa sinh năm 1922, từng mang các tên Đoàn Xuân Tín, giáo sư Lê Ngọc và sau cùng là Lê Trọng Nghĩa. Trong đó Lê Trọng là tên của người thầy giáo đầu tiên của ông, còn Nghĩa với ý là khởi nghĩa. Ngày 10/3/1945 ông Nghĩa được giao trách nhiệm bảo vệ "thượng cấp" Trần Đăng Ninh vượt ngục Hỏa Lò. 19/8/1945 ông là Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội. Ngày 20/8/1945, Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trung ương, kháng chiến bùng nổ, ông là chánh văn phòng Bộ Quốc phòng. Năm 28 tuổi (1950) ông Nghĩa mang quân hàm đại tá, giữ chức Cục trưởng Cục Quân báo. Năm 1954, ông Nghĩa 32 tuổi phụ trách quân báo cho Sở chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ.

Theo VnExpress

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.