Lời tòa soạn: Sau nhiều lần dậy sóng, câu chuyện sách giáo khoa (SGK) một lần nữa tiếp tục “nóng” lên, thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận và cử tri trong bối cảnh ngay trước thêm năm học mới. Cần hay không một bộ SGK của Nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chịu trách nhiệm biên soạn là vấn đề được đặt ra khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) đã đi qua 3 năm học?
Số phận của những bộ SGK mới đã được biên soạn theo phương thức xã hội hóa và ngay cả những mẫu SGK mới sẽ đi về đâu? Tương lai của chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” sẽ ra sao?
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra lúc này và một điều có thể chắc chắn là ngành giáo dục sẽ không thể tự mình trả lời những câu hỏi trên, nếu như không có sự đồng lòng của người dân, sự ủng hộ của Quốc hội và Chính phủ.
Để rộng đường dư luận, Người Đưa Tin triển khai tuyến bài “Tương lai của chủ trương Một chương trình, nhiều bộ SGK” trong đó tập hợp đa dạng ý kiến của đại diện các cơ quan Nhà nước, nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, đại biểu Quốc hội, các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp. Tuyến bài sẽ cung cấp thêm những góc nhìn đa chiều với hy vọng góp phần kiến giải những câu hỏi lớn xoay quanh vấn đề SGK lúc này.
Xin trân trọng giới thiệu để quý độc giả đón đọc!
Bài toán "bất khả giải"
Ngày 14/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Trong đó, việc biên soạn, thực nghiệm chương trình, SGK mới... là nội dung nhận được sự quan tâm.
Trước đó, cuối tháng 7, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát có yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Đề nghị này cũng đã gây ra những ý kiến trái chiều trong cuộc họp và trong dư luận.
Xoay quanh việc có cần thiết để Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa hay không? Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Vũ Nho - nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT cho rằng không nên làm một việc vừa tốn kém, phiền phức, vừa bất khả thi.
Ông Nho cho hay, theo lời văn và tinh thần của Nghị quyết 88/2014 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK là để đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hoá không biên soạn đủ đầu sách cho các môn học theo quy định của chương trình GDPT. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Luật Giáo dục 2019 không quy định về việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK và Nghị quyết số 122 của Quốc hội cũng quy định: "Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó".
Thực tế, việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa đã được triển khai thành công theo Nghị quyết 122, không tốn kém ngân sách Nhà nước, lại phát huy được trí tuệ và các nguồn lực của xã hội. Đến thời điểm hiện tại đã có 3 đơn vị biên soạn đầy đủ các môn học từ lớp 1 cho đến lớp 12, đáp ứng được tiến độ và thực tiễn triển khai Chương trình GDPT 2018 trong 3 năm học vừa qua.
Do đó, ông Nho cho rằng, yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK vào lúc này là đi ngược lại Nghị quyết 122 của Quốc hội khoá XIV ban hành.
Chưa kể, hầu hết những người am hiểu công việc viết sách đều đã tập hợp trong các nhóm biên soạn khác. Do vậy Bộ GD&ĐT gần như không thể tìm đủ nhân lực để biên soạn thêm một bộ sách khác.
“Các nhà trường đã triển khai dạy theo SGK mới trong 3 năm qua, liệu bộ sách mới của Bộ có liên thông, kết nối với những gì được dạy, được học của các bộ sách hiện hành hay không? Nếu có vênh lệch thì giải quyết ra sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc vênh lệch và thiếu đồng bộ đó?
Trong trường hợp Bộ GD&ĐT đứng ra biên doạn thì đội ngũ này lấy ở đâu, trong khi những người có kinh nghiệm đều tham gia vào 3 bộ sách hiện hành? Đây là bài toán không có lời giải hay nói chính xác là không giải được.
Tiếp nữa, không thể làm việc đơn giản là lấy cuốn này lớp này của một bộ sách, rồi lấy cuốn khác lớp khác của các bộ sách khác ghép lại thành bộ sách của Bộ. Vì rằng tiêu chí để lựa chọn không đơn giản. Vì cấu trúc mỗi cuốn sách rất chặt chẽ. Đây là một bài toán nan giải, có thể coi là bất khả giải. Chưa kể sẽ tạo ra sự mâu thuẫn giữa tập thể tác giả các bộ sách”, chuyên gia này khẳng định.
Theo PGS.TS Vũ Nho, dù có “phép thần thông” cũng không thể tạo ra một bộ sách mới trong vòng hai ba năm, khi năm học mới 2023 - 2024 đã sắp sửa bắt đầu. Các nhà trường có dừng lại để đợi bộ sách mới được không? Câu trả lời dứt khoát là không.
Cuối cùng, nhắc lại lời Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: "Nếu quay lại chỉ một bộ SGK, xã hội sẽ thiệt hại hàng chục nghìn tỷ cho hệ thống SGK đã được xuất bản trong những năm tháng vừa qua", PGS.TS. Vũ Nho quả quyết khẳng định Bộ GD&ĐT không nên soạn một bộ SGK mới trong lúc này.
Nguy cơ xoá bỏ xã hội hoá
Bên cạnh những quan điểm chỉ ra sự khó khăn trong việc biên soạn một bộ SGK của Nhà nước, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc chúng ta chủ trương xã hội hóa, nếu lại có một bộ sách của Bộ thì sẽ tạo ra một sự cạnh tranh “thiếu công bằng” đồng thời, không phù hợp với thực tế và dễ dẫn đến hậu quả to lớn là xoá bỏ xã hội hoá, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông đánh giá đây là một hệ lụy hiển nhiên, ai cũng có thể nhận ra, và nếu cố làm như vậy, thực chất chúng ta lại đi vào vết xe đổ cách đây mấy năm.
“Căn cứ vào tình hình thực tiễn, việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa lúc này là không cần thiết. Trái lại chỉ làm rối thêm tình hình, trong khi chính lúc này, Bộ GD&ĐT đang cần gỡ rối rất nhiều việc thì lại bị sa lầy vào vũng bùn mới, khó cơ hội thoát ra. Đó là việc doanh nghiệp tư nhân lại bị rơi vào thế bị chèn ép và cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều vấn đề tiêu cực mới sẽ xảy ra trong lộ trình biên soạn và xuất bản”, ông Đạt chia sẻ.
Theo chuyên gia, dù về hình thức, các tên gọi có thể thay đổi nhưng khó tránh được tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” (doanh nghiệp Nhà nước nuốt doanh nghiệp tư nhân). Về bản chất, chủ trương xã hội hóa sẽ bị phá sản, khi đó doanh nghiệp tư nhân không bảo cũng sẽ tự động rút vì không thể đủ sức hoạt động khi bị mất thế cạnh tranh công bằng, khách quan.
Đại diện NXB tham gia biên soạn SGK xã hội hoá, ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam – VEPIC cũng cho rằng - việc giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK "chuẩn", "của Bộ" vừa không phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước, vừa dễ dẫn đến hậu quả xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Ông Ngô Trần Ái cho rằng điều cần quan tâm ở giai đoạn này là cần kéo dài thời gian thực nghiệm các bộ sách xã hội hoá, đánh giá lại khung Chương trình GDPT 2018, chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy không nên quá tập trung vào câu chuyện ai soạn SGK.
“SGK hiện nay không còn là pháp lệnh, giáo viên và nhà trường có thể tự chủ điều chỉnh bài giảng dựa vào chương trình. Nên điều quan trọng hơn là cần chú trọng đến năng lực giáo viên, nhất là khả năng dạy liên môn, quy trình chọn SGK”, ông Ái nói.
Đường đi đang đúng hướng, không nên chệch nhịp
Cùng nêu ý kiến, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh - Phó Trưởng ban Thanh tra Đại học Thái Nguyên cho biết chúng ta đã “chậm chân” hơn 3 thập kỷ trong đổi mới mô hình biên soạn SGK. Nhiều quốc gia phương Tây đã thực hiện mô hình một chương trình nhiều bộ SGK từ lâu, trong khi một số quốc gia châu Á như: Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… chuyển sang hệ thống chuyển đổi, hệ thống hỗn hợp với 3 đặc điểm: Thứ nhất là một chương trình nhiều bộ SGK; thứ hai là sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân và các nhà xuất bản thương mại và cuối cùng là quyền lựa chọn sử dụng SGK thuộc về phụ huynh, nhà trường, địa phương.
Do đó, theo chuyên gia này, sự chuyển đổi có tính toàn cầu kể trên là một quy luât khách quan. “Chúng ta đang tiến hành cải cách SGK điều mà nhiều quốc gia châu Á khác đã làm, đã thành công. Công tác đổi mới SGK chúng ta đang làm hôm nay là hoạt động khoa học giáo dục hợp quy luật của nhân loại đã được chứng minh sự đúng đắn ở nhiều quốc gia khác”, ông Hạnh nói.
Khẳng định con đường chúng ta đang đi là đúng hướng, theo ông Hạnh, nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn một bộ SGK thì sẽ chệch nhịp, “hình thức độc quyền về SGK như trước đây sớm muộn sẽ quay trở lại”. Bởi, ông Hạnh băn khoăn đặt câu hỏi, Bộ như “cha mẹ”, nếu “cha mẹ” biên soạn, muốn phát hành bộ SGK của mình thì các trường có dám khước từ không?
Cũng cùng nhưng băn khoăn về việc có thêm SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn, GS. Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Ở giai đoạn đầu khi nước ta lần đầu thực hiện xã hội hoá biên soạn SGK, lúc đó cần chuẩn bị tình huống cho việc không xã hội hoá theo đúng lộ trình và SGK thì không đảm bảo chất lượng. Như vậy cần có “bảo hiểm” là một bộ SGK của Nhà nước, điều này là quan điểm đúng đắn.
Tuy nhiên thực tế quá trình thực hiện xã hội hoá lo lắng thiếu sách đã không xảy ra, thậm chí mỗi lớp đã có 2-3 bộ sách, vì vậy biện soạn thêm sách vì mục đích này là không cần thiết, gây lãng phí”.
Liên quan đến những lo ngại về giá SGK, GS. Đinh Quang Báo cho rằng, ngay cả khi Nhà nước biên soạn thì giá sách cũng khó mà rẻ hơn trừ khi chúng ta in và cấp cho học sinh như các nước trên thế giới hoặc trợ cấp cho các em. Nếu vẫn để bán cũng khó có thể rẻ hơn, chưa kể giá hiện nay không quá đắt.
Chuyên gia cũng nhận định các bộ sách hiện nay đều được biên soạn, thẩm định theo các khung tiêu chí và phù hợp với Chương trình GDPT 2018 nên cũng không quá lo lắng về chất lượng các bộ sách.
Đừng quay về cái đã lỗi thời
“Việc đặt lại vấn đề Bộ GDĐT cần có bộ SGK có thể gây ra những hệ quả tai hại không cần thiết. Trước hết, có thể tạo ra tâm lý quay về cơ chế cũ khi Bộ có thể dùng vai trò quản lý Nhà nước để chi phối việc xây dựng và phát hành bộ SGK của Bộ, tạo sự thiếu công công bằng đối với các bộ SGK không phải của Bộ. Mặt khác, để có một bộ SGK (hay nhiều bộ SGK), Bộ phải hình thành một tổ chức, một bộ máy, một lực lượng nhân sự,... ít nhất là để tổ chức công việc.
Đây là điều không nên làm khi đang thực hiện chủ trương giảm đầu mối, tinh giản bộ máy, rút gọn biên chế. Nếu không có bộ máy, nhân sự riêng mà giao cho doanh nghiệp trực thuộc là NXB Giáo dục thực hiện thì sẽ tạo ra sự thiếu công bằng giữa NXB này với các đơn vị khác cũng làm SGK, trong đó có nhiều đơn vị cũng là thành viên của đơn vị trực thuộc Bộ.
Cũng có người nêu giải pháp Bộ mua lại bản quyền của một số quyển SGK “có chất lượng nhất” từ các bộ SGK hiện có, để tập hợp thành bộ SGK của Bộ. Phương án này chắc chắn sẽ tạo nên một bộ SGK “đầu Ngô mình Sở”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đó là chưa kể Nhà nước lại phải bỏ ra một khoản kinh phí trên dưới 400 tỷ đồng để mua lại những sản phẩm đã có sẵn nhờ nguồn lực xã hội.
Vì vậy, trong tình hình mới, việc giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK mang “thương hiệu” Bộ vừa không cần thiết, vừa gây nhiều phiền toái, tốn kém. Nhưng điều tệ hại nhất là việc làm này sẽ dẫn đến cản trở, thậm chí xoá bỏ chủ trương xã hội hoá. Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì phải đổi mới căn bản tư duy, không nên quay về với cách nghĩ, cách làm đã lỗi thời!”, Nguyễn Hoàng Long - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Đà Nẵng.
Công Luân - Hoàng Bích - Hoa Trà - Mạnh Quốc