Tương lai loài người sẽ biến gạo thành... máu?

Tương lai loài người sẽ biến gạo thành... máu?

Thứ 2, 08/04/2013 19:34

Máu nhân tạo là thứ vũ khí mà từ lâu loài người luôn ao ước có trong tay để chiến đấu với thần chết. Sau nhiều thập kỷ bế tắc với các nghiên cứu thất bại, có vẻ nỗ lực của giới khoa học đang dần được đền đáp.

Mơ ước ở ngay trước mặt

Các nhà nghiên cứu tại đại học Edinburgh (Scotland) vừa loan báo một tin mừng: Loại máu nhân tạo mà họ đang nghiên cứu có thể sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người trong vòng hai hoặc ba năm nữa. Bằng cách phân tách và nuôi cấy tế bào gốc tạo máu lấy từ tủy xương của người trưởng thành, nhóm nghiên cứu đã bào chế thành công được nhóm máu O(-), một nhóm máu có thể tiếp cho 98m% nhân loại.

Việt Nam Xanh - Tương lai loài người sẽ biến gạo thành... máu?

Sẽ biến gạo thành máu?

Những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, loại máu nhân tạo bào chế được từ tế bào gốc này có quá trình hình thành không khác gì máu tự nhiên được sản sinh trong cơ thể người. Các phân tích sinh hóa cũng cho thấy, không có khác biệt về bất cứ chỉ tiêu nào giữa hai loại máu trên. Nhóm máu O(-) có thể thay thế được một cách an toàn cho hầu hết các nhóm máu khác. Vì vậy, nếu giai đoạn thử nghiệm trên người sắp tới thu được thành công như mong đợi thì đây sẽ là bước đột phá lớn trong y học, khiến về cơ bản, những ca chết vì thiếu máu sẽ không còn xảy ra nữa. Hàng triệu sinh mạng sẽ được cứu mỗi năm nhờ những bịch máu này.

Giáo sư Marc Turner  người đứng đầu nhóm nghiên cứu  cho biết, hiện các thủ tục xin thử nghiệm trên người đang được tiến hành, và ông hy vọng có thể sớm được cấp phép để triển khai bởi tất cả đã sẵn sàng. Số người đăng ký hiến tủy sống để phân tách tế bào gốc tạo máu, cũng như người tình nguyện thử nghiệm máu nhân tạo là rất lớn, vượt qua cả số lượng cần thiết. Điều đó cho thấy sự kỳ vọng lớn lao của xã hội đến công trình nghiên cứu này, và các nhà khoa học rất vui vì điều đó, dù rằng cũng cảm thấy có đôi chút áp lực.

Theo bảng kế hoạch đang chờ cơ quan chức năng nước này phê chuẩn, đợt thử nghiệm sẽ phải đánh giá thật cẩn thận tất cả những vấn đề liên quan, dù là nhỏ nhất, như khả năng gây dị ứng, tác dụng phụ hay kể cả là sự thay đổi tâm sinh lý của người sử dụng máu nhân tạo. Giáo sư Marc Turner tỏ ra rất lạc quan về công trình của nhóm mình. Ông tin tưởng các kết quả lâm sàng trên người cũng sẽ tốt đẹp như thử nghiệm trên động vật. Nếu được như vậy, chỉ trong vòng thập niên này thôi, những bịch máu nhân tạo sẽ sớm hiện diện tại các cơ sở y tế trên khắp toàn cầu.

Cũng hướng tới mục tiêu nghiên cứu bào chế máu nhân tạo, nhưng một nhóm nhà khoa học khác lại chọn một cách đi khác. Trong khi nguyên liệu của các đồng nghiệp Scoland là tế bào gốc thì họ lại tìm kiếm nguồn sống từ  các hạt gạo. Nhóm nghiên cứu quốc tế này với các thành viên đến từ đại học Vũ Hán (Trung Quốc), hội đồng Nghiên cứu quốc gia Canada và trung tâm Công nghệ gen (đại học Anbani) đã chọn hạt gạo làm đối tượng để tìm kiếm chất dịch đem lại sự sống này. Họ đã phát hiện trong thành phần của hạt gạo có chứa một dòng Protein giống như trong máu người, được gọi là huyết thanh Albumin.

Tuy đây không phải là một loại máu hoàn chỉnh, nhưng việc sử dụng nó cũng có thể giúp chữa trị rất nhiều các căn bệnh liên quan đến máu, bởi huyết thanh Albumin là một thành phần cực kỳ quan trọng trong máu người. Nó có tác dụng rất tốt đối với các nhóm bệnh về gan, bỏng, mất máu nặng do chấn thương.

Khi chiết xuất và đem thử nghiệm trên một con chuột bị xơ gan, dòng huyết thanh đến từ những hạt gạo này đã cho kết quả tốt. Triển vọng tươi sáng này đã mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho việc sản xuất hàng loạt dòng huyết thanh trên.

Việt Nam Xanh - Tương lai loài người sẽ biến gạo thành... máu? (Hình 2).

Bịch máu nào cũng đều vừa quý vừa hiếm cả.

Máu nhân tạo sẽ thay đổi y khoa hiện đại

Thiếu máu luôn là căn bệnh kinh niên của bất cứ cơ sở y tế nào trên toàn thế giới. Các bác sỹ hàng ngày vẫn phải chứng kiến bệnh nhân của mình chết một các oan ức chỉ vì không có máu để truyền. Nguồn máu hiếm hoi hiện nay chỉ trông chờ vào một nhà cung cấp duy nhất: Sự hiến tặng của những người khác. Đây là một nguồn cung vô cùng mong manh. Trữ lượng không đều, chất lượng tạp nham, tốn kém trong khâu thu nhận, sàng lọc và bảo quản đã khiến mỗi đơn vị máu dự trữ có giá trị còn đắt hơn cả vàng.

Ngay cả khi đã lọt qua được các quy trình tuyển chọn gắt gao thì nguy cơ truyền nhiễm các căn bệnh nguy hiểm qua đường máu như viêm gan siêu virus, HIV vẫn còn đó. Ngoài ra, do khan hiếm nên máu chỉ được dự trữ tại các bệnh viện lớn. Những cơ sở y tế cấp dưới, gần gũi với người dân hơn thì hầu như không đến lượt được tích trữ thứ quý hiếm này. Điều này khiến nhiều người đã phải bỏ mạng một cách oan ức vì cảnh nước xa không cứu được lửa gần.

Nếu máu nhân tạo ra đời, nó sẽ nhanh chóng được phổ cập đến những nơi hẻo lánh nhất. Cư dân tại những vùng ấy sẽ nhờ đó mà tăng cơ hội được cứu chữa kịp thời các vấn đề liên quan đến máu, chẳng hạn như một chấn thương gây mất máu ồ ạt. Theo nhận định của giới chuyên môn, chỉ sau quá trình đắt đỏ ban đầu, máu nhân tạo sẽ nhanh chóng được hạ giá thành và phổ biến như các loại vật tư y tế thông thường khác. Việc truyền máu khi đó cũng an toàn hơn nhờ loại máu vô trùng này.

Dù vậy, để tiến thêm được một bước dài ấy, giới khoa học vẫn còn nhiều việc phải làm. Hai biện pháp mới nhất, khả quan nhất ở trên cũng vẫn tồn tại một số điểm yếu cố hữu. Phương pháp chọc tủy sống lấy tế bào gốc của nhóm nhà khoa học Scotland tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ. Chỉ cần mũi kim chệch đi một chút thôi, hệ thống dây thần kinh cột sống có thể bị tổn thương, dẫn đến các chấn thương của bộ phận chức năng tương ứng. Đây cũng là một thao tác gây nhiều đau đớn cho người bệnh, và đặc biệt là chỉ mang tính nhỏ lẻ mà thôi.

Trong khi đó, biện pháp bào chế huyết thanh Albumin từ hạt gạo của các nhà khoa học Trung Quốc và đồng nghiệp cũng không được đánh giá cao do đụng đến nồi cơm của dân. Các nhà lãnh đạo sẽ phải lựa chọn giữa giải quyết nạn thiếu ăn của 7 tỷ con người trên trái đất, với nạn thiếu đói. Một lượng lớn lương thực, thực phẩm đã bị các nước giàu biến thành nhiên liệu sinh học. Nay, chúng lại đứng trước nguy cơ bị biến thành  máu.

Để trấn an những băn khoăn này của dư luận, nhóm tác giả cho biết sẽ phát triển một dòng cây lúa riêng, chuyên cho gạo có hàm lượng huyết thanh Albumin cao, phục vụ cho y học. Nhóm nghiên cứu đến từ Scotland cũng cho biết, họ cũng sẽ tìm các nguồn tế bào gốc khác thay cho việc chọc tủy nguy hiểm hiện nay. Hy vọng trong tương ai không xa, loài người có thể bào chế thành công máu nhân tạo, để không còn những cái chết liên quan đến máu nữa.

Con người sẽ bất tử?!

Mới đây, tỷ phú người Nga Dmitry Itskov mới công bố một dự án gây xôn xao cộng đồng khoa học. Theo đó, con người sẽ không còn phải chịu đau đớn do cái chết gây ra mà sẽ trở nên bất tử dưới dạng... người máy. Mục tiêu cuối cùng của Itskov là chuyển trí tuệ hay ý thức của con người từ một bộ não sống vào máy móc với tính cách và bộ nhớ còn nguyên vẹn. Thoát ra khỏi hình dạng vật chất, con người sẽ tồn tại trong một mạng lưới tương tự như internet và có thể di chuyển với tốc độ ánh sáng trên khắp hành tinh, hoặc thậm chí vào không gian. Itskov đã khởi động dự án này từ năm 2011 khi bắt đầu thành lập 2045 Initiative (sáng kiến 2045). Ông đã vạch ra một số bước quan trọng để hoàn thành kế hoạch không tưởng này.

Tất nhiên, để đạt được mục tiêu, Itskov cần rất nhiều tiền. Năm ngoái, ông bắt đầu gây quỹ bằng cách liên lạc với rất nhiều tỉ phú thế giới nhưng không ông không nhận được một hồi đáp nào bởi dự án của ông quá hoang đường. Tuy nhiên, với niềm tin mãnh liệt vào tính khả thi của kế hoạch, Itskov đang thực hiện chính sách khác là tuyển dụng các nhà khoa học, bao gồm cả Ray Kurzweil - người theo thuyết Vị lai. Đồng thời, Itskov còn gửi một bức thư mở cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, yêu cầu hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển hóa xã hội tới "nhân loại mới".

An Mai  (Theo Medicalxpress)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.