Tương lai nào cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch?

Tương lai nào cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch?

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 6, 03/09/2021 07:30

Nhiều nhà đầu tư đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế xanh khi các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch sẽ dần dần không được chấp nhận nữa.

Nhiên liệu hóa thạch đã xây dựng thế giới như chúng ta thấy ngày nay, cung cấp năng lượng cho nền kinh tế toàn cầu và tạo ra hầu hết điện năng trên thế giới. Nhưng trong 170 năm qua, con người đã đốt cháy quá nhiều dầu mỏ, khí đốt và than đá đến mức nhiệt độ trung bình của trái đất hiện đang ấm hơn mức nhiệt độ trung bình ở bất kỳ thời điểm nào trong vòng 125.000 năm qua.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả.

Bản báo cáo được chờ đợi từ lâu của IPCC đã trình bày một cách rõ ràng bằng chứng “không thể tranh cãi” rằng ô nhiễm carbon và khí nhà kính từ hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi sâu sắc đối với thế giới: Nhiều đợt nắng nóng và hỏa hoạn khắc nghiệt hơn, lượng mưa và lũ lụt gia tăng, hạn hán kéo dài hơn và Bắc Cực ngày càng thu hẹp.

Tiêu điểm thế giới - Tương lai nào cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch?

Đầu năm 2021, lãnh đạo các nước G7 đồng ý bắt đầu loại bỏ dần tài trợ cho các dự án về nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Ảnh: Socratic

Các hệ thống năng lượng cần phải thích ứng

Báo cáo của IPCC không đề cập trực tiếp đến nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế hàng đầu khác vẫn chỉ đích danh nguồn năng lượng không tái tạo này.

Đầu năm nay, lãnh đạo các nước G7 đã đồng ý bắt đầu loại bỏ dần tài trợ cho các dự án về nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài và chấm dứt hỗ trợ mới cho điện than. Hồi tháng 5/2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố một báo cáo mang tính bước ngoặt kêu gọi ngừng hoàn toàn các khoản đầu tư mới vào cung cấp dầu, khí đốt và than đá sau năm nay - mặc dù ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra cam kết tiến tới phát thải ròng bằng 0 trong những thập kỷ tới.

“Khoảng cách giữa lời nói và hành động cần phải thu hẹp lại nếu chúng ta có cơ hội chiến đấu để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,” Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết. “Điều này đòi hỏi phải chuyển đổi toàn bộ các hệ thống năng lượng đang làm nền tảng cho nền kinh tế.”

Tiêu điểm thế giới - Tương lai nào cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch? (Hình 2).

Đầu tư cung cấp năng lượng toàn cầu (theo lĩnh vực) - tính bằng tỷ USD. Nguồn IEA/via DW

Một phần của sự chuyển đổi đó sẽ đến từ việc các nhà đầu tư tìm cách bảo vệ giá trị tương lai của tài sản của họ.

Sarah Brown, nhà phân tích về chuyển đổi điện năng tại tổ chức tư vấn năng lượng Ember có trụ sở tại Anh, chia sẻ với DW rằng các nhà đầu tư và công ty bảo hiểm đang ngày càng phải đối mặt với rủi ro - từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, quá trình chuyển đổi năng lượng hoặc các quy định đang thay đổi.

“Những phát hiện gần đây trong các báo cáo của IEA và IPCC không gây ngạc nhiên. Nhiều chính sách quốc gia và cam kết toàn cầu hiện hành đều nhấn mạnh rằng đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch mới không mang lại ý nghĩa kinh tế và không được chấp nhận về lâu về dài", bà cho biết.

Brown nêu ra một số dự án nhà máy điện than được lập kế hoạch trên khắp châu Âu đã bị hủy bỏ chỉ trong vài tháng qua, bao gồm các dự án ở Serbia, Bosnia-Herzegovina và Thổ Nhĩ Kỳ. “Các công ty tiện ích, tổ chức tài chính, công ty xây dựng và chính phủ đều nhận thấy không có tương lai cho việc sản xuất điện từ nhiệt điện than".

Nhiên liệu hóa thạch sẽ không biến mất chỉ “sau một đêm”

Nhưng Samantha Gross, Giám đốc Sáng kiến An ninh Năng lượng và Khí hậu tại viện nghiên cứu Brookings của Mỹ, không cho rằng các nhà đầu tư sẽ nhanh chóng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Bà chỉ ra rằng bất chấp những tiến bộ trong năng lượng tái tạo, thế giới vẫn chưa tìm ra nguồn thay thế đáng tin cậy cho dầu và khí đốt tự nhiên, những thứ mà bà gọi là “mạch máu của nền kinh tế hiện đại”.

Tiêu điểm thế giới - Tương lai nào cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch? (Hình 3).

Đầu tư xanh hơn đang trở thành xu hướng chủ đạo trên toàn cầu. Ảnh: Earth.org

“Chúng ta chắc chắn đang thấy áp lực từ nhiều tổ chức vì môi trường khác nhau về chuyển đổi khỏi các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch,” Gross nói với DW. “Và tôi không đồng ý với quan điểm này. Thách thức là nhiên liệu hóa thạch sẽ không biến mất trong một sớm một chiều.”

Gross cho biết dầu và khí đốt sản sinh ra nhiều năng lượng trên một đơn vị khối lượng hơn so với các nguồn nhiên liệu khác.

Điều này khiến chúng trở nên quan trọng đối với các quy trình công nghiệp cần nhiệt rất cao hoặc đối với các lĩnh vực như hàng không, vận tải biển và vận tải đường dài, nơi mà các phương tiện chạy bằng điện không thể đảm đương được nhiệm vụ.

Đó là chưa kể đến thực tế là hơn 3/4 lượng điện năng trên thế giới vẫn được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch, theo phân tích mới nhất của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ BP.

“Các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch sẽ không bị dừng đột ngột. Nhưng tôi cho rằng các khoản đầu tư này sẽ tốn kém và rủi ro hơn, và vì vậy sẽ được chuyển đổi trước tiên. Và tôi tin rằng quá trình chuyển đổi đó đang bắt đầu,” Gross nhận định.

Bà nhận định ngành công nghiệp này đang gần đến "đỉnh điểm" khi nói đến các quy trình phát thải nhiều carbon như phát triển cát dầu hoặc thủy lực cắt phá (fracking), với việc một số nhà đầu tư hiện đang chuyển sang các loại năng lượng tái tạo rẻ tiền với tỷ suất sinh lợi tốt.

Big Oil trong quá trình chuyển đổi năng lượng

Xu hướng đầu tư xanh hơn đã xuất hiện nhiều hơn ở châu Âu, với các quỹ hưu trí ở các nước như Anh, Thụy Điển và Na Uy đang thực hiện các bước để hạn chế phơi nhiễm liên quan đến khí hậu. Tương tự, cũng có một số chuyển động ở Mỹ - và không chỉ với lương hưu.

Ngày 26/5/2021, 61% cổ đông của Chevron đã ủng hộ đề xuất yêu cầu gã khổng lồ dầu khí này cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính.

Cùng ngày, các ứng cử viên giám đốc ủng hộ mục tiêu khí hậu của Quỹ Engine No. 1 đã giành được ba ghế trong hội đồng quản trị của Exxon Mobil sau một chiến dịch kéo dài nhiều tháng nhấn mạnh rằng trọng tâm về nhiên liệu hóa thạch của gã khổng lồ dầu mỏ này đại diện cho một “rủi ro hiện hữu”.

Tiêu điểm thế giới - Tương lai nào cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch? (Hình 4).

Tháng 5.2021, một tòa án Hà Lan đã yêu cầu Shell tự giảm lượng khí thải carbon của minh xuống 45% vào năm 2030, so với mức của năm 2019. Ảnh: DW

Phát biểu tại cuộc họp thường niên với các nhà đầu tư hồi tháng Bảy, Giám đốc điều hành Exxon Mobil, Darren Woods, cho biết công ty đang đặt mục tiêu “đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong khi không ngừng tăng giá trị cổ đông”. Ông cũng nêu ra các thị trường đang phát triển về thu giữ và lưu trữ carbon, hydro và nhiên liệu sinh học.

Tuy nhiên, Woods – người không đứng cùng chiến tuyến với Quỹ Engine No. 1 – cảnh báo rằng họ không nên mong đợi “những thay đổi lớn trong chiến lược”.

Dù thế nào chăng nữa, theo Gross, những điều mà các nhà đầu tư làm được là rất có ý nghĩa bởi vì chính họ đang thúc đẩy sự thay đổi từ bên trong, thay vì việc thay đổi do áp lực từ bên ngoài.

Hành động để thích ứng

Nhưng một số công ty khác vẫn đang đấu tranh để trì hoãn xu hướng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch không thể tránh khỏi và cân bằng lỗ lãi.

Ví dụ, hồi tháng Tư, các công ty tiện ích của Đức như RWE và Uniper cho biết họ có ý định kiện chính phủ Hà Lan về kế hoạch chấm dứt sản xuất nhiệt điện than vào năm 2030, với lý do rằng điều này gây thiệt hại hàng tỷ USD cho họ.

InfluenceMap, một tổ chức nghiên cứu về cách thức vận động hành lang của doanh nghiệp tác động đến chính sách khí hậu, đã tiết lộ vào năm 2019 rằng 5 công ty dầu khí giao dịch công khai lớn nhất - Exxon Mobil, Royal Dutch Shell, Chevron, BP và Total - đã chi hơn 1 tỷ USD (853 triệu EUR) để vận động chống lại các chính sách khí hậu hoặc mua các quảng cáo gây hiểu lầm kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015. Mục đích ở đây là nhằm thúc đẩy dầu và khí đốt như một phần của giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu, cùng với các công nghệ mới, để giữ lại chúng trong hỗn hợp năng lượng càng lâu càng tốt.

“Nhiều công ty năng lượng lớn đang rất tập trung vào các con đường chuyển đổi mà ở đó chỉ yêu cầu thích ứng một cách khiêm tốn với các mô hình kinh doanh hiện tại của họ, chủ yếu dựa vào thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) để giảm thiểu phát thải hoặc sản xuất hydro xanh từ khí tự nhiên,” Brown, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn năng lượng Ember (Anh), nhận định. Bà cho biết thêm rằng những cách tiếp cận này cũng có những rủi ro đáng kể về khí hậu và tài chính.

Gross tại Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) đồng ý với nhận định về khả năng có thể có hành vi “tẩy xanh” (greenwashing) của các công ty. Bà cũng cho rằng các công ty sử dụng các công nghệ chuyển tiếp này có thể có các kỹ năng giúp phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo như điện địa nhiệt hoặc các trang trại gió ngoài khơi.

Tiêu điểm thế giới - Tương lai nào cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch? (Hình 5).

Trang trại điện gió Block Island ở Rhode Island là trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên của Mỹ. Ảnh: Boston Globe

Theo Gross, chắc chắn một số công ty hiểu rằng đây là con đường của tương lai, và nếu họ muốn tiếp tục tồn tại trong ngành năng lượng, họ cần tìm cách thích ứng với quá trình chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành.

“Họ biết gió đang thổi theo hướng nào; do đó, họ đang cố gắng đi theo hướng đó,” bà kết luận.

Minh Đức (Theo DW)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.