Tương lai nghệ thuật tuồng rất mờ mịt

Tương lai nghệ thuật tuồng rất mờ mịt

Lê Thị Ánh Tuyết

Lê Thị Ánh Tuyết

Thứ 2, 12/02/2018 13:00

Như thường lệ, cứ chiều thứ Hai và thứ Năm, ngoài cửa rạp Hồng Hà (Hà Nội) các nghệ sĩ nhà hát Tuồng Việt Nam mở đầu đêm diễn bằng màn múa lân sôi động một góc phố buôn bán mời chào khán giả. Thế nhưng khi buổi diễn bắt đầu thì ở hàng ghế khán giả chỉ vài người, có khi là vài ông Tây bà đầm, có khi là Việt kiều.

Tài sản quốc gia 

Tuồng là nghệ thuật bác học, có nhà nghiên  cứu sân khấu đã đưa ra nhận định, hát tuồng là opera của Việt Nam. Tuồng là nghệ thuật  tả ý không tả thực như kịch phương Tây vì  thế nó được diễn ước lệ, cũng như chèo, tuồng  có thể diễn  tả không gian và thời gian  rất đơn giản, dễ dàng. Diễn viên cầm cái roi là khán giả  biết anh ta đang cưỡi ngựa vì  cái roi tượng trưng cho con ngựa. Hoặc diễn viên chỉ cần khua tay, khán giả  biết họ đang chèo thuyền sang sông. Diễn tuồng phải theo  trình thức khắt khe, không thể tùy tiện.

Hóa trang  mặt nhân vật tuồng là cả nghệ thuật. Nhân vật trung khác, nhân vật phản diện khác. Có câu:

Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc

Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi

Những câu hát trong tuồng không chỉ để đối thoại hay nhân vật bộc bạch gan ruột mà câu hát còn chứa đựng triết lý nhân sinh, chẳng hạn: “Lao xao sóng vỗ ngọn  tùng/Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.

Văn hoá - Tương lai nghệ thuật tuồng rất mờ mịt

Tuồng là nghệ thuật bác học, có nhà nghiên  cứu sân khấu đã đưa ra nhận định, hát tuồng là opera của Việt Nam. (Ảnh. Internet)

Ở đất tuồng Bình Định, trẻ sinh ra đã nghe hát tuồng. Lớn lên, nghệ thuật này đã  ngấm vào máu lúc nào không biết để rồi mê mẩn: “Bỏ cửa bỏ nhà vì ma hát Bội”. Còn trong ca  dao Việt Nam có câu:

Tháng Ba ngày Tám nằm suông

Nghe tiếng trống tuồng bế  bụng đi xem

Câu ca dao ấy cho thấy người Việt xưa rất yêu thích bộ môn nghệ thuật này ngay cả khi họ không có gì ăn. Thời nhà Lê, xã hội chỉ có “sĩ, nông, công, thương”  hát xướng  không được coi là nghề và bị xếp là “xướng ca vô loài” thế  nhưng vua chúa vẫn thường xem vì các vở tuồng bao giờ cũng ca ngợi trung quân.

Khi nhà Lê cấm chèo vì chèo hay châm chọc thì tuồng càng được coi trọng. Đến đời  Nguyễn, tuồng trở thành “quốc kịch”. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của tuồng với tên tuổi như: Đào Tấn, Đào Duy Từ, Nguyễn Hiển Dĩnh...

Nửa đầu thế kỷ 20, tuy đã qua thời kỳ hoàng kim nhưng tuồng vẫn sống. Ở miền Nam một số thầy tuồng đã làm mới để thu hút khán giả. Trong khi đó ở miền Bắc từ những năm 1960 đến trước năm 1985 lại là đỉnh cao lần thứ hai của môn nghệ thuật này.

Ngoài các đoàn tuồng chuyên nghiệp như: Đoàn Tuồng Bắc, Liên khu Năm, Thanh Hóa... thì ở các địa phương là nôi của nghệ thuật tuồng  đều lập đội nghiệp dư, xã có bao nhiêu thôn thì có bấy nhiêu đội tuồng. Sau ngày đất  nước thống nhất bên cạnh các đoàn tuồng có từ trước thì  Nhà nước cũng đầu tư xây dựng các đoàn ở Huế, Đà Nẵng, Bình Định, TP. HCM...

Tuồng chuyên nghiệp xen lẫn nghiệp dư diễn vở cổ, diễn tuồng đồ được  khán giả đón nhận đã làm sống động nghệ thuật  truyền thống.

Vì sao khán giả  thờ ơ với tuồng?

Rạp Hồng Hà hiện thuộc quyền quản lý của nhà hát Tuồng Việt Nam. Rạp có  339 ghế ngồi nhưng chỉ được sử dụng khi có chương trình lớn. Từ  năm 2000, rạp bắt đầu chương trình quảng bá nghệ thuật kết hợp tour du lịch, nhằm đưa tuồng đến gần với khán giả hơn.

Hàng tuần rạp mở cửa đón khách vào tối thứ Hai và thứ Năm nhưng không diễn trên sân khấu chính mà diễn ở sảnh rạp.

Những hôm  đông khách là có khách tour còn phần lớn các đêm diễn lèo tèo khách. Từ năm 2016, nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp ban quản lý phố cổ đưa tuồng vào chương trình giao lưu nghệ thuật miễn phí ở phố Mã Mây. Nhưng  ngoài khách du lịch, khán giả đến xem  tuồng thường là người lớn  tuổi, có rất ít khán giả trẻ.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, người từng là  diễn viên tuồng thừa nhận, khán giả hiện nay, nhất là người trẻ, đang thờ ơ  với  nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng. Nguyên nhân khách quan là giới trẻ có quá nhiều sự lựa chọn các món ăn tinh thần, từ ca nhạc, phim điện ảnh, phim truyền hình đến các chương trình gameshow giải trí và rất nhiều trò khác trên mạng. Nguyên nhân chủ quan cũng nhiều.

Đề tài của tuồng chủ yếu là trung quân ái quốc, ngợi ca đạo lý trung với vua và yêu nước. Ngôn ngữ đối thoại và hát có  nhiều từ Hán-Việt nên không phải ai cũng có thể hiểu được. Và khi xem cứ phải căng tai để nghe lời vì thế xem xong một vở tuồng là rất mệt.

Thêm nữa, tiết tấu của vở diễn thường chậm chạp khiến khán giả trẻ tuổi sốt ruột. Ngày xưa nguyên nhân chủ quan cũng như vậy tại sao nghệ thuật này vẫn có nhiều khán giả? Vì ngày xưa người ta diễn đi diễn lại một vở  nên xem một lần chưa hiểu thì xem lần thứ hai, thứ ba. Nếu khán giả trẻ không hiểu thì hỏi người lớn sẽ được giải thích. Còn ngày nay nếu không hiểu cũng chẳng biết hỏi ai.

Văn hoá - Tương lai nghệ thuật tuồng rất mờ mịt (Hình 2).

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Nếu không có bà đỡ  tương lai tuồng sẽ chết 

Có hai nỗi lo hiện hữu từ nhiều năm nay đối với nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu tuồng nói riêng là  đội ngũ kế cận và khán giả. Rất  nhiều năm khoa Sân khấu  của đại học sân khấu-Điện ảnh Hà Nội không có thí sinh  thi tuyển diễn viên tuồng. Các nhà hát tuồng trên cả nước cũng gặp khó khăn trong tuyển diễn viên mới vì những người trẻ có năng khiếu  không muốn theo nghề “hèn về tiếng, lép về tiền”. Thực tế đã có khoảng trống lớn về đội ngũ sáng tác, không có lớp kế cận sẽ không còn kịch bản tuồng đề tài hiện đại. 

Khác với khán giả kịch nói, khán giả sân khấu tuồng phải có những kiến thức  sơ đẳng mới có thể hiểu được. Nỗi lo thiếu vắng khán giả  đã được báo động từ hơn 20 năm nay. Vì không được xem thường xuyên và cũng không được dạy về môn nghệ thuật này trong trường học nên hầu hết lớp trẻ hiện nay không có khái niệm về tuồng. Thậm chí khi nói đến tuồng có thanh niên còn không biết là  gì.

Hàng ngày, chúng ta vẫn luôn nghe, đọc  các cụm từ “phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”, “văn hóa là  nền tảng của sự phát triển” hay “giữ gìn bản sắc văn hóa  dân tộc”.

Thế nhưng  kinh phí chi cho  bảo tồn, duy trì và phổ biến  lại quá ít ỏi. Sáng tác một kịch bản tuồng vô cùng  nhọc nhằn, ngoài lời thoại còn có lời hát thế nhưng nhuận bút quá thấp. NSND Hương Thơm, Phó Giám đốc nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, hằng năm Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho 10  đêm diễn miễn phí  nên Nhà hát buộc phải tiết kiệm chi tiêu để có tiền đi  diễn miễn phí cho học sinh từ THCS trở lên.

Theo NSND Tiến Thọ, Nhà nước phải có kênh truyền hình để quảng bá và giới thiệu nghệ thuật truyền thống. Và muốn bảo vệ tài sản quốc gia thì Nhà nước phải đầu tư nhiều hơn.

Phải có luật Bảo vệ văn hóa truyền thống vì  khi có luật thì chính quyền các địa phương mới có trách nhiệm. Còn cứ như hiện nay thì tương lai nghệ thuật tuồng rất mờ mịt. 

Nguyễn Ngọc Tiến

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.