Hàng trăm tỷ đồng tài sản của Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư) kết luận là “nhiều lần kê khai tài sản thu nhập không đúng, không đầy đủ” trong thời gian dài. Chuyện kê khai tài sản của quan chức một lần nữa dậy sóng dư luận. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (bộ Công an).
PV: Trước hết, xin được hỏi ông có suy nghĩ thế nào về kết luận của UBKT T.Ư tại kỳ họp thứ 15 vừa qua?
Ông Lê Văn Cương: Tôi thấy kết luận của UBKT T.Ư rất nghiêm túc, khách quan. Đây là điều đáng mừng và cũng có thể nói là một trong những kết quả của việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng. Tôi hoàn toàn ủng hộ kết luận này khi chỉ ra những sai phạm rõ ràng của một số cá nhân, tổ chức, trong đó có Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
PV: Riêng trường hợp bà Thoa, bên lề phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/2 - giữa thời điểm khối tài sản “khủng” hằng trăm tỷ đồng đang ồn ào dư luận, vị Thứ trưởng khẳng định với báo chí là đã kê khai tài sản hàng năm. Cá nhân ông có suy nghĩ gì?
Ông Lê Văn Cương: Như tôi nói, kết luận của UBKT T.Ư là đúng, nhưng việc bà Thoa xác nhận kê khai tài sản hàng năm cũng không hẳn là sai. Bởi, quy chế, quy trình kê khai tài sản hiện nay hết sức lỏng lẻo. Ngay cả hệ thống giám sát, kiểm tra việc kê khai tài sản cũng lỏng lẻo.
Nếu hệ thống các quy phạm pháp luật về kê khai tài sản mà chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, kèm theo một hệ thống giám sát chặt chẽ thì chắc chắn bà Thoa không thể kê khai đầy đủ hàng năm mà vẫn “không đúng, không đầy đủ” trong thời gian dài như vậy được. Nhưng vì sự lỏng lẻo ở cả hai phương diện: Quy định của pháp luật và hệ thống giám sát quản lý – là những sơ hở để bà Thoa thanh minh cho chính mình với dư luận ở thời điểm trước đó.
Đây chính là những sơ hở khách quan. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, không thể lấy những sơ hở khách quan để biện hộ cho những sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa. Chính các quy phạm pháp luật cả hành pháp và tư pháp không chặt chẽ, hệ thống giám sát quyền lực lỏng lẻo nên vẫn có chỗ để nhiều cán bộ du di vận dụng.
PV: Kết luận của UBKT T.Ư là sáng suốt, minh bạch, khách quan nhưng chắc chắn các cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm, thưa ông?
Ông Lê Văn Cương: Đúng như vậy. Với tư cách một công dân, tôi đề nghị kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa một cách nghiêm túc. Quan điểm cá nhân tôi, cần cách chức Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Bà Thoa không còn xứng đáng để ngồi ở vị trí ấy nữa.
Song song với việc xử lý kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, tôi đề nghị cơ quan chức năng tiến hành kỷ luật những người có trọng trách đã đưa bà Hồ Thị Kim Thoa lên đến chức Thứ trưởng và những cán bộ nào liên quan đến việc kê khai tài sản không trung thực của bà Thoa. Như thế, người dân sẽ càng thêm tin tưởng vào Đảng, vào bộ máy lãnh đạo. Chính phủ cũng phải công khai rõ ràng những xử lý này trước công luận.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)