Tướng Ngọ: 'Bộ Công an chưa bao giờ dùng từ 'xe chính chủ'

Tướng Ngọ: 'Bộ Công an chưa bao giờ dùng từ 'xe chính chủ'

Thứ 5, 28/03/2013 16:18

Ủy viên TW Đảng, thứ trưởng Bộ Công an, trung tướng Phạm Quý Ngọ trả lời phỏng vấn báo Người đưa tin về dự thảo cho phép nổ súng của cảnh sát và xe không chính chủ.

Đề nghị trung tướng cho biết, trong thời gian tới có phải Bộ Công an vẫn quyết định áp dụng xử phạt xe không chính chủ?

Trước hết, tôi phải nói rõ rằng Bộ Công an chưa bao giờ dùng từ “xe chính chủ” và chưa bao giờ nói rằng: Chỉ người có tên trong giấy đăng ký mới được điều khiển phương tiện như dư luận đã phản ánh thời gian qua. Và không có bất cứ quy phạm pháp luật nào quy định xe đi thuê, đi mượn bị xử phạt vi phạm hành chính.

Luật sư - Tướng Ngọ: 'Bộ Công an chưa bao giờ dùng từ 'xe chính chủ'

Trung tướng Phạm Quý Ngọ. Ảnh tư liệu

Việc quy định bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện hướng tới những mục tiêu: Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên mua, bán, trao, tặng, tránh những tranh chấp dân sự; khi xảy ra tại nạn có thể làm rõ ai là người có quyền sở hữu hợp pháp đối với phương tiện để xử lý trách nhiệm. Vì chúng ta đang tích cực áp dụng công nghệ để xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội - PV) để thay thế dần sức người.

Nguyên tắc quan trọng để thực hiện hình thức xử phạt này là, trước tiên người đứng tên đăng ký xe phải có trách nhiệm đối với phương tiện của mình khi vi phạm.

Luật sư - Tướng Ngọ: 'Bộ Công an chưa bao giờ dùng từ 'xe chính chủ' (Hình 2).

CSGT xử phạt người vi phạm luật giao thông. Ảnh minh họa

Về vấn đề xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, sắp tới Bộ Công an sẽ có những quy định cụ thể như thế nào?

Theo quy định hiện hành, lực lượng CSGT khi thực thi nhiệm vụ, chỉ xử phạt liên quan đến việc không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không cài quai đúng quy cách. Chưa có quy định nào xử phạt việc đội mũ không đảm bảo chất lượng, quy chuẩn. Hiện, bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế phối hợp cùng các ban ngành, ban chỉ đạo 127/TW điều tra các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả liên quan đến mũ bảo hiểm.

Đối với dự thảo Nghị định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, dư luận và giới chuyên môn tỏ ra lo ngại về trường hợp CSGT được quyền nổ súng. Xin trung tướng cho biết ý kiến gì về vấn đề này.

Các trường hợp nổ súng trong dự thảo Nghị định này không phải là quy định mới, mà là cụ thể hóa điểm 2, 3, 4 Điều 22 Quy định nổ súng của Pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, hiểu dự thảo Nghị định theo hướng cho phép CSGT được quyền nổ súng khi người tham gia giao thông vi phạm là hoàn toàn sai. Những trường hợp CSGT được quyền nổ súng là với tội phạm manh động, có vũ khí, đe dọa trực tiếp tính mạng người thi hành công vụ, hoặc người dân săn bắt tội phạm mà bị chống trả quyết liệt, chứ không phải nổ súng tràn lan.

Điều quan trọng là cần cụ thể hóa các trường hợp được nổ súng, và quy định rõ trách nhiệm của người nổ súng, tránh lạm quyền khi thực thi công vụ. Khi có Nghị định của Chính phủ rồi chúng tôi sẽ cụ thể hóa bằng các thông tư với từng trường hợp cụ thể. Người thi hành công vụ cũng là một công dân, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu khi thi hành nhiệm vụ anh làm sai.

Một điểm quan trọng nữa là lựa chọn ai được nổ súng, nếu là lực lượng công an thì phải được tập huấn đầy đủ từ tình huống, hoàn cảnh đến loại đối tượng tội phạm được nổ súng.

Xin cám ơn ông.

Kỳ tới: 'Bộ Công an sẽ có cơ chế quản lý chặt xe khách'

Hương Lam (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.