Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng có rất nhiều kỷ niệm về những chuyến đi kiểm tra và động viên cán bộ chiến sĩ ở các trọng điểm vào dịp Tết đến xuân về. Nhắc lại những ký ức ấy, cho đến tận bây giờ, vị Tướng vẫn nhớ như in về một cái Tết đặc biệt trong đời binh nghiệp khi ông đến Vị Xuyên, Hà Giang vào tháng 2/1988.
Ngày cuối năm đến với “lò vôi thế kỷ”
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể, thời điểm đó, ông đang là Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1. Khi cả đất nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Tết Mậu Thân, những vần thơ trong bài thơ chúc Tết của Bác Hồ vẫn vang vọng trong ký ức toàn dân: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên/ Toàn thắng ắt về ta!
Sau khi dự lễ kỷ niệm tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội, Tướng Hiệu được Đại tướng Đoàn Khuê khi đó là Bộ trưởng bộ Quốc Phòng cử dẫn đầu các tổ chức đoàn thể lên thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Đoàn đi có 3 xe, hành quân từ Hà Nội lên tới Vị Xuyên, thời điểm đó đối phương bắn rất dữ ở trục đường từ thị xã Hà Giang (nay là TP.Hà Giang) qua Làng Binh lên Cóc Nghè, cao điểm 812 sở chỉ huy Sư đoàn 312 Quân đoàn 1.
Tướng Hiệu còn nhớ, ngày 29 Tháng chạp (năm đó là năm thiếu, không có ngày 30 Tháng chạp), cả đoàn đợi tập kết hàng tại chân cao điểm 812. Thời điểm đó, khu vực thị xã Hà Giang đang là khu vực hậu phương vững chắc nhưng hàng ngày vẫn nghe dội những tiếng súng, tiếng pháo. Vì thế, sự di chuyển của đoàn rất vất vả, đến trưa ngày 29 Tết cả đoàn mới có thể tập kết ở cao điểm 812. Khi đó, Đại tá Trần Minh Vân - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 báo cáo tình hình, rồi cả đoàn mới tiếp tục di chuyển vào huyện Thanh Thủy (Hà Giang). Chặng đường di chuyển không dài như những buổi hành quân trong kháng chiến nhưng khó khăn vì cự ly với đối phương rất gần, gần đến nỗi cả hai bên đều nhìn thấy rất rõ sự di chuyển của nhau.
Trước khi Tết âm lịch diễn ra, theo thỏa thuận giữa hai bên, Tết sẽ không nổ súng, hai bên sẽ ngừng bắn trong 3 ngày Tết, bởi đây là thời khắc thiêng liêng của cả hai dân tộc để nhân dân được đón năm mới trong sự trang nghiêm, linh thiêng và đặc biệt sẽ yên tiếng súng. Tuy nhiên, thời điểm đó đã là 29 Tết nhưng phía đối phương vẫn bắn pháo cối về phía đoàn rất dữ dội, dù vậy không ai bị thương, hàng hóa vẫn giữ được. Khi tiếng súng lắng xuống, đoàn tiếp tục di chuyển và tập kết ở Hang Dơi, cách khu vực biên giới Thanh Thủy một đoạn.
Chiều 29 Tháng chạp, Tướng Hiệu quyết định ở lại đón Tết cùng các chiến sĩ ở đồi Đài. Nơi đây đã được đặt một cái tên là lò vôi của thế kỷ, chắc có lẽ ở đây là đồi đá, đạn phá bắn ngày đêm nên mảnh đất bị cày xới đã lộ ra những mảng đá trắng xóa, nếu nhìn từ xa thì đồi Đài đúng như một lò vôi đang phủ lên những lớp bột trắng. Bộ đội ta lợi dụng địa hình đó, hai bên sườn, ở phía Bắc và phía Nam để làm hầm kèo bằng gỗ cho các chiến sĩ giữ chốt, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong cuộc đời binh nghiệp, các chiến sĩ của ta không ít lần trải qua những thời điểm đạn pháo ác liệt, đối đầu với hiểm nguy. Thế nhưng, trong không khí của một ngày Tết cổ truyền thì cảm xúc ấy lại thật đặc biệt. Bởi, bao nhiêu người chiến sĩ đang giữ chắc tay súng làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương là bấy nhiêu gia đình, bấy nhiêu người mẹ, người vợ và những người con đang chưa có một cái Tết trọn vẹn. Và đó là điều khiến Tướng Hiệu cảm thấy day dứt tâm can.
Đêm giao thừa ấm tình đồng đội
Đến đêm 29, Tướng Hiệu có mặt ở đồi Đài, quyết định ngủ lại và đón giao thừa, đón Tết với các chiến sĩ ở đồi Đài - Vị Xuyên. Mọi hoạt động đều diễn ra trong hầm, nhưng không khí đón giao thừa vẫn đầy ắp niềm vui với các chiến sĩ ở Trung đoàn 165 của Sư 312. Khi đó, đồng chí Cơ là Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Hồng Sinh là Trung đoàn phó.
Tại đây, Tướng Hiệu đã kể lại những câu chuyện chiến đấu cho các chiến sĩ ở đồi Đài nghe. Đó là những câu chuyện theo chiều dài lịch sử dân tộc, những câu chuyện về tình chiến sĩ. Có những câu chuyện vui và có những câu chuyện chưa có hồi kết… Rồi, họ cùng nhấp với nhau những chén chè ngon, các chiến sĩ khi đó nói với Tướng Hiệu là chè Chốt, được lấy ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Có những thân cây chè to như cây cổ thụ, chiến sĩ của ta hái búp chè đem lên sao thủ công rồi uống rất thơm, màu nước xanh đặc trưng. Các chiến sĩ giữ chốt ở những cao điểm này thường gọi đó là “chè Chốt”.
Ở trên cao, tuyết phủ dày lên những thân chè nên sau này cái tên chè Tuyết trở thành thân quên và là thương hiệu của vùng đất Hà Giang. Chè Tuyết ấy chính là chè Chốt năm xưa, hương chè ấm trong đêm giao thừa tại đồi Đài, ngọt ngào sau vị đắng thanh đã theo ký ức của Tướng Hiệu đến tận bây giờ.
Một đêm giao thừa trong bí mật. Một đêm giao thừa trong sự lo lắng vì không biết đối phương có vi phạm hiệp ước và bắn phá trong đêm hay không... Có lẽ, đó sẽ là buổi đón giao thừa khó quên đối với những người có mặt ở đấy. Mọi thứ bình dị nhưng vô cùng ấm cúng.
Sáng mùng 1, Tướng Hiệu tiếp tục lên thăm chúc Tết bộ đội dọc tuyến phòng thủ khu vực Vị Xuyên, đặc biệt là cao điểm 1100 - một cao điểm được đối phương đặt cho cái tên đặc biệt – “Lão Sơn”, có lẽ vì sự hiểm nguy và độ cao của nó.
5 ngày ở Vị Xuyên, Hà Giang và một cái Tết rất đáng nhớ, một đêm giao thừa ở đồi Đài, Tướng Hiệu nghĩ phải có vật gì đó biểu trưng ở khu vực này làm kỷ niệm. Và rồi, Tướng Hiệu nghĩ tới một loại cây mọc nhiều ở khu vực này và đó là cây luôn vươn mình trong gian khó. Sau khi hoàn thành hành trình chúc Tết tất cả các đơn vị, Tướng Hiệu đã lấy một cây cọ mang về dưới xuôi. Cây cọ như một nhánh ký ức được Tướng Hiệu mang theo và trồng ở khuôn viên Quân đoàn 1 tại Tam Điệp, Ninh Bình.
Sau 28 năm, đến nay, cây cọ kỷ niệm này luôn xanh tươi, vươn lên mạnh mẽ như những dòng ký ức về một ngày Tết truyền thống của dân tộc không thể nào quên. Để đến bây giờ, khi được hỏi về ký ức với Tết truyền thống, Tướng Hiệu vẫn nhớ về cái Tết ở đồi Đài năm xưa, trước thời điểm Tướng Hiệu được bổ nhiệm thành Tư lệnh Quân đoàn 1.
Hưởng ứng lời dạy của Bác về Tết trồng cây Tướng Hiệu bảo rằng, ông luôn tâm niệm lời dạy của Bác qua hai dòng thơ: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Chính vì thế, mỗi khi có điều kiện, vị Tướng lại mang những loài cây có ý nghĩa và đặc trưng ở những vùng đất ông từng đặt chân đếm đem về trồng. Ông còn nhớ, trong chuyến thăm Trường Sa vào mùa xuân năm 1998, khi tướng Hiếu trở về, các chiến sĩ hải quân đã tặng ông một cây bàng vuông nhỏ để trồng tại đất liền. Loài cây này vốn là đặc trưng của đảo Trường Sa, có sức chịu đựng rất dẻo dai, kiên cường trước bão tố. Sau đó, Tướng Hiệu đã đem cây bàng vuông về trồng tại bệnh viện Quân y 175. Đến nay, cây bàng vuông ngày nào, giờ đã xanh tốt và cứ mỗi độ xuân về, cây bàng lại trổ hoa, ra trái rất đẹp. Nó giống như một biểu tượng bền vững, gắn chặt tình cảm giữa các chiến sĩ Trường Sa với đất liền. |
Nguyễn Hường