Năm 1980, chàng thanh niên Phạm Tuân (33 tuổi) trở thành người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay vào vũ trụ. Cơ may này đến với ông khi năm 1977 Phạm Tuân được cử sang Liên Xô học tại Học viện Không quân Gagarin. Năm 1979, khi chọn phi công vũ trụ, phía Liên Xô kiểm tra tất cả phi công và kỹ sư Việt Nam nhưng chỉ chọn được 3 vì nhiều người không vượt qua được các bài kiểm tra thể lực.
|
Phi công Phạm Tuân cùng du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ năm 1980. Ảnh: Anh Tuấn. |
Gương mặt ánh lên niềm tự hào, anh hùng Phạm Tuân cho biết, tàu vũ trụ bay quanh trái đất trong điều kiện không có khí quyển, không trọng lượng. Để đảm bảo chuyến bay trong vũ trụ, phi công phải chịu đựng được sự tăng trọng lực khi con tàu được phóng lên, chịu được không trọng lượng khi tàu bay quanh vũ trụ; thích nghi với tốc độ và độ quay của con tàu. Tức là hệ thống tiền đình của phi công phải thích nghi được với điều kiện đặc biệt mà dưới đất không có.
"Ôtô tốc độ thường là 120 - 150 km một giờ, máy bay là 900 km một giờ nhưng tàu vũ trụ có vận tốc 7,92 km một giây. Với tốc độ đó, hệ thống tiền đình của chúng ta chưa bao giờ thu nhận khi ở mặt đất. Ngoài ra, con người ở vị trí cân bằng về lực nên mất sức hút của trái đất, máu không lưu thông bình thường mà đưa lên đầu nhiều hơn xuống chân", ông phân tích.
Để đảm bảo được những yếu tố sức khỏe, chàng thanh niên Phạm Tuân khi đó đã miệt mài luyện tập sức khỏe trong một năm rưỡi trước khi ngồi lên con tàu vũ trụ. Ông nhớ bài tập đầu tiên là ly tâm. Phi công ngồi trên một cái ghế được đặt với một cánh tay đòn dài khoảng 5 - 7 m và quay tròn. Việc này sẽ tạo ra quá tải, lực đè lên người phi công khoảng 5 - 10 - 12 lần trọng lượng cơ thể. Mục đích của bài tập là để kéo máu trong cơ thể dồn xuống dưới, để xem khi não thiếu máu thì sức chịu đựng của người đó ra sao.
"Quay đến 10 vòng còn thở được chứ 12 lần thì hầu như không thở được vì có lực nặng hàng tấn đè lên người", ông cười.
Những huy hiệu gắn trên ngực áo anh hùng Phạm Tuân khi bay vào vũ trụ. Ảnh: Anh Tuấn. |
Bài tập thứ 2 là quay tiền đình. Phi công ngồi trên ghế được quay tròn, cứ 3 giây lại cúi đầu xuống tạo cánh tay đòn đưa máu lên não, 3 giây lại ngẩng đầu lên để máu tụt xuống. Nếu bình thường đi lại thì đầu quay khoảng 15-20 độ mỗi giây, nhưng trong trường hợp này thì quay liên tục để tiền đình nhận tín hiệu khác, đầu óc rối loạn cộng với lượng máu thay đổi tạo rối loạn mạnh hơn. Trung tướng Phạm Tuân nhớ, khi tuyển phi công vũ trụ, yêu cầu mỗi người phải ngồi 10 phút trên ghế đó, nhiều người chỉ 5-7 phút thì nôn hết.
Đúng 1h33' ngày 23/7/1980 (giờ Hà Nội), Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37. Vận tốc phóng nhích dần từ 0 đến 7,92km/s, lên đến độ cao 300km thì tàu bay song song với trái đất và đạt được vận tốc cao nhất.
Hành trang mà ông mang theo là ảnh gia đình, vợ con, phong thư, ảnh Bác Hồ, Tổng bí thư Lê Duẩn, một nắm đất Ba Đình, bản Tuyên ngôn độc lập và di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ Việt Nam và cờ Nga, huy hiệu của Bác Hồ bằng vàng. Tất cả sẽ được đóng dấu trạm vũ trụ và mang trở về mặt đất.
"Phút được phóng đi tôi rất hồi hộp bởi ngồi trên quả tên lửa cao khoảng 40m, xung quanh động cơ làm việc ù ù. Nhưng sau đó tập trung làm việc nên quen dần, chỉ thấy bị lực đè nặng nhưng không ảnh hưởng gì. Hơn nữa, tôi từng là phi công lái máy bay chiến đấu nên không áp lực tâm lý gì ghê gớm", cựu phi công tâm sự.
Khi bay trời đang tối, lúc có ánh sáng thì Phạm Tuân đã vào vùng biển Nhật Bản, đi một lúc thì thấy hình ảnh trái đất, bờ biển rồi vào đất liền và núi non trùng điệp. Với vai trò phi công thí nghiệm, kỹ sư của con tàu, Phạm Tuân ngồi ở vị trí lái phụ, chịu trách nhiệm toàn bộ thông số của con tàu. Khi xảy ra tình huống gì thì ấn những nút giúp chỉ huy xử lý.
Con tàu vũ trụ đi 9 phút (540 giây) thì lên đến quỹ đạo của vũ trụ và một ngày sau mới lắp ráp xong trạm vũ trụ. Khi vào trong vũ trụ rồi, hai phi công cùng làm việc, thực hiện các thí nghiệm mà ở dưới đất đã làm. Đó là các thí nghiệm về hợp kim, tách các đơn chất trong hợp chất, rồi từ đơn chất làm thành hợp chất. Nếu như ở dưới có sức hút trái đất nên các phân tử có trọng lượng, đun nóng chảy thì nặng chìm xuống, nhẹ nổi lên, thì trên vũ trụ không trọng lượng nên phân tử đan xen với nhau.
Đã về hưu sau hàng chục năm gắn bó với Không quân, trung tướng Phạm Tuân sẵn sàng truyền lại nhiệt huyết, niềm đam mê khám phá bầu trời và vũ trụ cho giới trẻ. Ảnh: Anh Tuấn. |
Hay thí nghiệm về tách hợp chất, nếu dưới đất thì nung nóng rồi dùng lực hút, lực li tâm, thì trong vũ trụ sẽ nung nóng rồi đặt nhiệt độ giảm dần, nếu nhiệt độ đông đặc của chất nào thấp nhất thì sẽ đông cuối cùng. Ngoài ra, các phi công trên vũ trụ cũng tận dụng độ cao để quan sát bề mặt trái đất xem mũi đứt gãy ra sao để phán đoán vị trí các mỏ khoáng sản, quan sát sông xem chảy theo hướng nào, nơi nào ngoài đại dương tập trung nhiều cá để hướng dẫn ngư dân, quan sát các hành tinh xa... Sự truyền sóng điện tử cũng được quan sát xem từ biển vào đất liền có khúc xạ bờ biển ra sao để hiệu chỉnh đài máy bay, dẫn dắt tên lửa...
"Ở vòng thứ hai mươi con tàu bay qua địa phận Việt Nam, dù chỉ vài giây thôi nhưng các phi công vũ trụ đều dành cho tôi vị trí quan sát tốt nhất để chụp được hình ảnh Việt Nam nhìn từ vũ trụ. Có lần đi qua Hà Nội, tôi được gửi điện xuống thủ đô với nội dung người con của Việt Nam đang bay qua bầu trời Tổ quốc, xin gửi lời hỏi thăm và cảm ơn nhân dân đã tạo điều kiện để tôi được bay vào vũ trụ", tướng Tuân kể.
Theo cựu phi công, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn khi lên đến vũ trụ. Nước mang từ mặt đất lên chỉ đủ cung cấp mỗi người 2 lit một ngày. Trong điều kiện không trọng lượng, việc di chuyển và làm việc cũng khó khăn, ăn uống chỉ có đồ khô, đồ hộp. Tuy nhiên, sự khó chịu chỉ xuất hiện trong ngày đầu, các phi công nhanh chóng thích nghi và hứng thú với công việc bên ngoài trái đất.
"Sau gần 8 ngày, chúng tôi trở lại mặt đất. Bước khỏi tàu là cảm giác rất nặng nề, tay không nhấc lên được, cầm đũa khó, đi khó vì trở lại cuộc sống có sức hút trái đất. Dù mất vài ngày mới quay lại trạng thái bình thường song những trải nghiệm ở vũ trụ thật thú vị và tôi không thể nào quên được", anh hùng Phạm Tuân nói.
Sau khi trở về từ vũ trụ, Phạm Tuân ở lại Liên Xô hơn một tháng, đúng dịp quốc khánh thì về nước. Mặc dù vậy, mối quan hệ với những người bạn Nga, đặc biệt là người đồng hành trên con tàu vũ trụ Viktor Vassilyevich Gorbatko của ông vẫn khăng khít. Hàng năm, những người lính già vẫn vượt quãng đường xa xôi để thăm hỏi nhau.
Ông cho biết đã nghe qua về việc tuyển phi công thứ hai bay lên vũ trụ và chuyến bay này là chuyến bay khám phá trải nghiệm những trạng thái của vũ trụ chứ không phải bay làm nhiệm vụ. Do đây không phải chương trình tuyển phi công của nhà nước nên khuyến khích mọi thanh niên thích khám phá, muốn đi vào lĩnh vực khó khăn để thử thách mình.
"Theo tôi đây là chương trình rất lý thú. Chúng tôi là con nhà nông không biết ôtô, xe máy là gì còn lái được máy bay chiến đấu, giờ thanh niên có nhiều điều kiện như trình độ công nghệ thông tin tốt, thể lực đảm bảo... sẽ thừa sức làm được", nguyên Tư lệnh phó Không quân nói.
Theo Thu Ngân (Ngôi sao)