Giây phút lịch sử không thể quên
Trung tướng Phạm Xuân Thệ là người đã soạn thảo văn kiện đầu hàng để Tổng thống Dương Văn Minh đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn. Ít người biết, phía sau câu chuyện lịch sử ấy là những giây phút mà vị tướng này đã phải đấu trí với Dương Văn Minh bằng những lời nói đánh thép.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ sinh năm 1947 tại Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam - mảnh đất mà tuổi thơ ông đã gắn với nhiều kỷ niệm. Năm 20 tuổi, ông xung phong tham gia nhập ngũ và hành quân về Thái Nguyên.
Nói về kỷ niệm những ngày đầu tham gia quân ngũ, ông nhớ lại: “Kỷ niệm khiến tôi không thể quên của những tháng ngày đầu tiên ở quân ngũ là lần bị lạc trong rừng mấy ngày khi đi tìm măng, cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Sau những ngày tháng huấn luyện và được về quê nghỉ phép, tháng 2/1968, đơn vị chúng tôi nhận lệnh hành quân đi B, bắt đầu những ngày chiến đấu ác liệt nhất cho đến khi ông cùng đồng đội thẳng tiến vào Dinh Độc lập, làm nên sự kiện lịch sử trọng đại ngày 30/4/1975”.
“Khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, những phát pháo hỏa lực đầu tiên của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 bắn vào căn cứ Nước Trong và trương sĩ quan bộ binh của địch. Đến 7h sáng ngày 30/4/1975, đội hình hành tiến của lực lượng thọc sâu tiếp tục tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Đến ngã tư Hàng Xanh, vì không biết đường và nội đô nên xe chúng tôi dừng lại để hỏi đường vào Dinh Độc lập. Sau khi vượt cầu Thị Nghè đến Thảo Cầm Viên có một người vác lá cờ Giải phóng chạy vội ra phía xe chúng tôi. Ông ta khoảng chừng 40 tuổi, tôi hỏi ông ta đường vào Dinh Độc lập phải đi lối nào, ông ta bảo cho ông ta lên xe để chỉ đường. Cứ như vậy, chiếc xe Jeep của tôi chạy thẳng theo một con đường rất lớn. Khi xe chúng tôi cách ngã 3 còn khoảng 100m và phía trước một tòa nhà rất rất to, người đàn ông chỉ tay và nói to: Đó, Dinh Độc lập đó”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.
Trung tướng Thệ kể tiếp: “Chỉ nghe đến đó, chiếc xe Jeep của tôi nhanh chóng lách vượt qua những xe tăng và xe chở bộ binh lao lên, cách hàng rào khoảng 50m. Sau khi chiếc xe tăng húc đổ hàng rào trước cổng Dinh Độc lập, chiếc xe chúng tôi cũng theo sau thẳng tiến vào. Chúng tôi nhanh chóng xuống xe, tay cầm súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu tiến vào tòa nhà lớn và chạy lên tầng trệt của Dinh Độc lập. Trong khi đang tìm đường lên cắm lá cờ thì tôi gặp một người xưng là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Đồng thời người đàn ông này cho biết, toàn bộ nội các của chính quyền Dương Văn Minh đang trong phòng họp, mời chúng tôi vào làm việc”.
"Sau khi được giới thiệu, ông Minh bước lại gần tôi và nói: "Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao". Theo phản ứng tự nhiên, tôi nghiêm mặt, hô to: “Các anh là kẻ thất bại, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả. Nghe xong, ông Dương Văn Minh thoáng chút bối rối thể hiện trên nét mặt và nói xin được bắt tay với Quân giải phóng, tuy nhiên, tôi đã gạt tay đi. Lúc này, các thành viên của nội các đã tản dần ra ngồi ở ghế nhưng tôi vẫn kiên quyết bắt Dương Văn Minh phải ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Cùng thời gian trên, đồng chí Đào Ngọc Vân vác lá cờ giải phóng chạy lên ban công sảnh tầng 2 Dinh Độc lập phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm được Dinh Độc lập. Sau một lúc bàn bạc, ông Minh cùng một số tùy tùng đã chấp nhận đến Đài phát thành Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng do tôi chắp bút”, ông Thệ kể.
Tiếp tục câu chuyện, ông chia sẻ về cảm xúc của mình ngày tiến vào Dinh độc lập để bắt Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh và áp giải đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng. “Ngày 30/4 không riêng gì của mình mà của dân tộc, của nhân dân. Với chúng tôi - những người đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập chỉ là những người lính may mắn, nhờ những đồng đội, đồng chí đã hi sinh trước đây ủy thác nhiệm vụ mà họ chưa hoàn thiện được”, ông nói.
Những trăn trở mang tên “nghĩa tình đồng đội”
Đã 5 năm nay, gần như ngày nào, trong căn nhà ở đường Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ, Hà Nội), Trung tướng Phạm Xuân Thệ cũng tiếp một vài vị khách ở nơi khác đến để gặp ông, mong tìm lại được mộ của người thân đã hi sinh trong chiến trường phía Nam.
Đó cũng là công việc mà ông ưu tiền thực hiện hàng đầu sau bao nhiêu năm bận rộn công việc trong thời gian quân ngũ. Ông tâm sự: “Giờ nghỉ hưu, sức khỏe vẫn cho phép tôi đi lại được nhiều nơi của đất nước, đến những nơi mà tôi cùng đồng đội đã từng xông pha trận mạc đánh chặn kẻ thù. Hòa bình lập lại đã mấy chục năm nhưng trong tôi vẫn còn quá nhiều trăn trở, quá nhiều việc mong muốn mà chưa làm được”.
Sau mấy mươi năm công tác trong ngành quân đội ở nhiều vị trí, năm 2009, ông được nghỉ hưu. Xúc động khi nói về những mất mát, hi sinh của đồng đội, ông không muốn nhắc quá nhiều đến chiến công của mình. Với ông, bây giờ mong muốn lớn nhất là góp được một phần công sức tìm lại thân nhân cho các liệt sĩ, cho những ngôi mộ “chưa biết tên”, cho những thân nhân đang ngày đêm tìm kiếm hài cốt của chồng, cha, ông mình đang nằm đâu đó ở trên đất nước này. Cầm cuốn sổ được đóng dày và rất cẩn thận, rõ ràng, trong tay ông đang có hàng nghìn trường hợp mà các thân nhân mong tìm lại hài cốt.
Cuối buổi trò chuyện, ông chia sẻ: “Đời người có hai thứ, một thứ là trời cho và một thứ là đời cho. Về vật chất, tiền tài, danh vọng là đời cho, cái này thì rồi cũng có lúc hết. Nhưng tinh thần, đạo đức, cái tình người, là những thứ trời cho thì không chỉ kết thúc cho đến khi hết cuộc sống này mà là mãi mãi”.
Nguyên Mạnh