Trong một căn phòng tối tăm tại bệnh viện Al Quds, cô Farah Abuolba phát biểu trước camera. Trong suốt hơn một tuần, nữ thanh niên này đã phải cắn rứt rằng cô, mẹ cô và người chị em của cô sẽ không bao giờ thoát khỏi cơn ác mộng mà họ đã rơi vào.
Vào ngày 3 tháng 11, cô và gia đình mình đã cố gắng tới nút giao biên giới Rafah với Ai Cập, và chiếc xe bus chở cô trên tuyến đường ven biển Gaza bị tấn công mà theo cô được thực hiện bởi Israel. Vụ nổ xảy ra khiến một nửa bàn tay trái của cô bị đứt lìa. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bác bỏ khẳng định, họ đã tấn công tuyến đường này vào ngày 3 tháng 11.
Cô Abuolba hồi tưởng lại trong nước mắt về ngày xảy ra vụ việc này trên nền tiếng các vụ nổ xảy ra đằng xa: “Tôi cảm thấy máu của mình chảy đầy người. Tôi nhớ về cảm nhận khi thấy bàn tay mình rời ra, khi tôi cảm thấy da của mình… cảm thấy xương của mình vỡ vụn. Cảm nhận khi tôi thấy cổ tay xanh ngắt. Lúc đó tôi biết rằng bàn tay của mình đã đứt lìa”.
Đó là lần thứ Ba cô cố gắng rời khỏi Gaza, nơi Israel đã thực hiện hàng ngàn cuộc không kích kể từ ngày 7 tháng 10. Nhưng nếu không tới được nút giao Rafah tại miền Nam Gaza, nơi một số người có quốc tịch nước ngoài được cho phép tới Ai Cập, cô Abuolba vẫn sẽ kẹt trong khu lãnh thổ Palestine bị bắn phá nặng nề này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một phiên điều trần trước Ủy ban Phân bổ Ngân sách của Thượng viện Mỹ vào ngày 1 tháng 11 đã cho biết, khoảng 400 người Mỹ cùng với người thân - tổng cộng khoảng 1.000 người - đang bị kẹt tại Gaza và đang tìm phương án rời khỏi đây. Con số này chưa thay đổi nhiều từ thời điểm đó, theo như thông tin mới nhất từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cô Abuolba lớn lên tại vùng quê bang Pennsylvania, nơi cô sinh sống cùng gia đình từ năm ba tuổi. Cuộc bao vây Gaza của Israel là biến cố bất ngờ trong chuyến thăm gia đình và họ hàng đầu tiên của cô tại khu nội phận này.
Chia sẻ với CNN, cô cho biết, cô vẫn còn nhớ sự vui mừng ban đầu khi tới thăm gia đình, nghỉ ngơi trên các bãi biển tại Gaza cùng với anh chị em họ hàng. Giờ đây, cô chỉ mong muốn được về nhà.
“Tôi đang cố gắng tìm cách trở về nhà để điều trị cho bàn tay của mình. Làm sao mà tôi có thể đến trường được, như thể mọi thứ vẫn bình thường? Như thể cuộc sống của tôi vẫn bình thường?”
Cha cô tại Pennsylvania không kém phần rối bời trong cuộc phỏng vấn với CNN. Ông Karam Abuolba, 53 tuổi, cho biết: “Tôi phải chịu trách nhiệm cho mạng sống của gia đình mình, nhưng tôi đang không thể làm được gì”.
“Tôi cảm thấy vô vọng. Như thể tôi đã chết rồi vậy”.
Con gái ông đã phải bước vào tuổi 17 trên giường bệnh tại bệnh viện Al Quds, thành phố Gaza. Không lâu sau, quân đội Israel đã tiến vào trung tâm thành phố Gaza. Từ thời điểm đó, bệnh viện này đã ngừng hoạt động và mất hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài.
Ông Karam Abuolba chỉ có một số giao tiếp lẻ tẻ với con gái mình kể từ thời điểm đó.
Buộc phải sơ tán
Nhiều lo ngại đã xuất hiện trong tuần này về việc các bệnh viện tại Gaza sẽ trở thành mục tiêu cho các chiến dịch quân sự, khi quân đội Israel tiếp tục nhấn mạnh tổ chức Hamas đang ẩn náu bên dưới các cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm bệnh viện Al Shifa lớn nhất Gaza và kêu gọi các bệnh viện sơ tán. Hamas đã bác bỏ cáo buộc này. CNN chưa thể xác minh khẳng định từ cả hai phía.
Trong đầu ngày thứ Tư, binh lính và xe tăng của IDF đã đột kích bệnh viện Al Shifa, nơi theo như các quan chức y tế cho biết vẫn còn hàng trăm bệnh nhân và nhân viên y tế, cùng với hàng ngàn người Palestine đang trú ẩn.
Trong ngày thứ Hai, IDF đã đăng tải một video cho thấy, một số dân quân Palestine với một lựu đạn tên lửa bên ngoài bệnh viện Al Quds, mà họ khẳng định là thành viên của một nhóm đã tấn công binh lính Israel trong khu vực này.
Hamas, cơ quan y tế Gaza và Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Palestine (PRCS) đã bác bỏ các cáo buộc dân quân đang sử dụng các cơ sở y tế làm lá chắn. PRCS cũng đã bác bỏ các cáo buộc về việc dân quân đang hoạt động hoặc xả súng từ bên trong bệnh viện Al Quds, khẳng định cáo buộc của Israel “rõ ràng là lời kích động cho hành động tiếp tục tấn công và bao vây nhằm vào các bệnh viện”.
Trong cuối ngày thứ Ba, PRCS cho biết, họ đã “buộc phải sơ tán” bệnh viện này. Farah Abuolba cũng nằm trong số các bệnh nhân được sơ tán và đang tới miền Nam Gaza. CNN chưa thể liên lạc với cô.
Cho tới khi cô rời khỏi Gaza, sự an toàn của cô không hề được đảm bảo. Các cuộc không kích đã tàn phá các công trình dân sự trên toàn khu nội phận và hơn 11.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel từ ngày 7 tháng 10, theo thông tin từ Bộ Y tế Palestine.
Ông Abuolba, người đã sinh sống tại Mỹ từ năm 2007, cho biết ông tin rằng Mỹ cần phải làm tốt hơn để bảo vệ người Mỹ tại Gaza như con gái ông. “Tôi đóng thuế cho Mỹ để ủng hộ Israel, để cho họ bắn và ném bom vợ tôi và con gái tôi sao? Thật là bất công”.
“Tôi cần tổng thống, tôi cần ông Blinken nghe những thông điệp này. Chúng tôi là công dân Mỹ. Chúng tôi trung thành với quốc gia này. Chúng tôi không yêu cầu điều gì to tát. Hãy gửi Chữ Thập Đỏ tới đó. Hãy gửi họ tới đó để giúp cho công dân Mỹ”.
Mỹ là đối tác trao đổi quân sự lớn nhất của Israel, và theo sau vụ tấn công ngày 7 tháng 10 - với hơn 1200 người thiệt mạng - chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cung cấp thêm 10,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của mình về quyền tự vệ của Israel, và Mỹ liên tục phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi ngừng bắn nhân đạo hoặc tạm ngừng chiến. Tuy nhiên, ông Biden trong tuần vừa rồi cũng đã thú nhận, ông đã trực tiếp yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đề ra tạm ngừng chiến nhân đạo trong vài ngày để hỗ trợ người dân Gaza và những cố gắng này đều bất thành.
Ông Blinken, người thực hiện các chuyến thăm ngoại giao tại khu vực, đã đưa ra những chỉ trích hiếm hoi từ phía Mỹ về cách Israel thực hiện chiến tranh trong tuần vừa rồi: “Quá nhiều người Palestine đã thiệt mạng. Quá nhiều người đã chịu khốn khổ trong những tuần vừa qua”.
Đối với Farah Abuolba, sự đau đớn trở lại mỗi đêm. “Khi tôi ngủ, tôi mơ về những thứ đã xảy ra với tôi. Tôi nghe thấy tiếng tên lửa họ bắn, tiếng hét từ mẹ tôi và người chị em của tôi khi họ thấy bàn tay tôi đứt lìa”.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)