Nhưng cuối cùng, niềm vui chờ đón những người đồng hương đã không thành hiện thực… Những chuyến phà đông nghẹt người trở ra khiến người ta không thể nhận ra nhau, dù đã lường trước tình huống này. Có người đã nhanh trí viết ra tấm bìa dòng chữ “Chào đón đồng hương Việt Nam”.
Sang được Cebu, thành phố lớn thứ hai Philippines, những người Việt này đã phải vượt qua chặng đường gian khổ, dài hơn 100 km trên những đôi chân trần, thi thoảng là bắt nhờ xe. Ô tô không thiếu, thứ thiếu duy nhất là xăng, dầu. Do khan hiếm, người ta đã phải phân phối, mỗi lần mua không quá 500 peso.
Không có hy vọng thoát khỏi Tacloban bằng đường hàng không do số người chen chúc nhau lên máy bay quá đông, những người Việt đã mạo hiểm quyết định rời khỏi thành phố chết này bằng đường bộ.
Ngoài sự gian khổ, trên đường đi, đoàn người khốn khổ còn gặp không ít nguy hiểm từ những đồng loại đang phát cuồng vì khốn quẫn, tuyệt vọng gây ra. Để đảm bảo an toàn, đoàn người đã chia thành hai nhóm, một nhóm về Ormoc để sang Cebu, nhóm còn lại vượt biển về một địa điểm cách Cebu gần 150 km.
Chỉ một điều an ủi nho nhỏ, qua đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã nhận được thông tin về một người đàn ông Việt Nam cách Tacloban tới 350 km, đã may mắn sống sót sau nhiều ngày bị coi là mất tích. Sau nhiều ngày đói khát, người đàn ông này đã tìm cách gọi được về cho người thân ở trong nước. Người nhà gọi ngược lại sứ quán nhờ tìm cách trợ giúp. Đại sứ quán đanh nỗ lực tìm kiếm thông tin, xác định vị trí con người khốn khổ mà may mắn đó để cứu giúp.
Trong cộng đồng 100 người Việt ở Tacloban, đến nay chỉ còn hai gia đình nhỏ ở lại do già yếu và con nhỏ và điều quan trọng nhất là họ không còn tiền để đi.
Ngược với dòng người tháo chạy khỏi Tacloban, trên con đường trở vào, nườm nượp giới truyền thông và các tổ chức quốc tế đến tìm cách hỗ trợ thành phố.
Tacloban giờ đây đã trở thành thành phố chết thực sự. Không còn nổi một ngôi nhà nguyên vẹn. Xác chết vẫn rải rác đầy đường và phân hủy, tử khí nồng nặc. khoảng 15 phút, trên con đường từ sân bay về Tacloban, những chiếc xe tải màu da cam của MMDA Rescue (Metro Manila Development Association) chở thi thể các nạn nhân của siêu bão lại hối hả chạy tới bãi chôn tập thể. Rất nhiều thi thể không thể nhận diện được bởi bị biến dạng do ngâm nước lâu ngày, trôi dạt từ nhiều nơi về bãi biển khu vực San Jose.
Julius – một nhân viên của MMDA Rescue cho biết: “Hiện giờ, dưới các đống đổ nát ở khắp cả thành phố này vẫn còn rất nhiều thi thể nạn nhân bị kẹt lại. Công việc của chúng tôi là dọn dẹp, tìm kiếm các thi thể và đưa họ tới khu chôn chung. Họ đã không may mắn khi sống, vì thế họ không đáng phải nằm một mình ở dưới đó khi chết”.
Theo Julius, San Jose là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của siêu bão Haiyan (người Philippines gọi là siêu bão Yolanda) bởi khu vực này khá trống trải, nằm trải dài suốt dọc bờ biển. Cảnh tượng hoang tàn, đổ nát gần như toàn bộ khu vực San Jose đã chứng minh điều Julius nói.
Romel Lacaba – một người dân sống tại Brgy 11, San Jose – đứng cạnh đống đổ nát của ngôi nhà hàng xóm, nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng ngày 8/11: Lúc đó khoảng 7 giờ sáng, gió bão nổi lên rất mạnh và nhanh. Mọi người phải trốn vào trong nhà, cây cối ngoài đường đổ rạp, mái nhà bay rào rào trên không trung. Tiếp đó, những con sóng lớn cao gần 5m nối tiếp nhau tràn từ ngoài biển vào bờ. Sóng lớn tràn tới đâu, nhà cửa sập tới đó. Ô tô cũng bị cuốn trôi. Những ngôi nhà bằng gỗ cũng bị sóng cuốn, gió đánh sập. Cũng may là ngôi nhà 2 tầng của tôi khá chắc chắn nên vẫn trụ vững”.
Anh Romel cho biết, ngay gần khu anh sống có gần 10 người bị chết hoặc mất tích. Toàn bộ khu vực San Jose với khoảng 19.000 dân, số lượng người bị chết hoặc mất tích cũng phải lên tới cả nghìn người.
Thái An – Minh Kiều (từ Philippines)