Và, tử tù Đặng Văn Thế cũng như vậy, may mà anh ta chưa hóa điên. Trong tự truyện của mình, Thế tâm sự: Sau nỗi đau mất người thân tôi đã rơi vào trạng thái trầm cảm. Hàng ngày tôi chỉ lủi thủi trong căn phòng quen thuộc của mình như một cái bóng, con người tôi lúc đó chỉ còn là một cái xác không hồn.
Nước mắt của người mẹ có 4 con trai dính vào ma túy
Thời gian vẫn chậm trôi, dòng đời vẫn từ từ chảy nhưng đối với Thế vẫn vậy, vẫn âm thầm khắc khoải đợi “mùa xuân”. Sau nỗi đau “mất mạng” và nỗi đau “mất vợ” Thế lại tiếp tục gặm nhấm nỗi buồn đau khác, đó là vào một buổi chiều cuối xuân được cán bộ cho ra ngoài tập thể dục, Thế tình cờ phát hiện ra ông anh cả của mình đang đứng sau một nhà giam khác. Việc phải chứng kiến người thân của mình ở cùng cảnh trong trại giam là điều không một phạm nhân nào mong muốn. Đối với Thế điều đó lại càng chua xót hơn, vì anh là một tử tù! Nhưng chưa dừng ở đó, sau vài lời thăm hỏi, Thế được người anh cả của mình cho biết là anh Hướng (anh trai Thế ở quê) đã mất vào ngày 30/8 âm lịch năm 2003.
Lúc đó Thế vô cùng đau xót khi mà một lúc phải chứng kiến hai sự việc như vậy. Tối hôm ấy khi bưng bát cơm lên chưa kịp ăn một thìa nào thì một lần nữa nước mắt Thế lại tuôn trào. Anh khóc vì ân hận cho việc làm tội lỗi của mình, vì thương cho bố mẹ. Chỉ vì suy nghĩ nông cạn của anh em Thế mà bố mẹ anh đã gần như mất một lúc ba núm ruột của mình, ba đứa con mà mẹ đã phải mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày và bố mẹ Thế đã phải tần tảo vất vả để nuôi các con khôn lớn.
Tử tù Đặng Văn Thế.
Sáng hôm sau, khi mở cửa buồng giam, phát hiện Thế có tâm trạng khác thường, ông Hồ Sỹ Biên cán bộ quản giáo đã vào buồng giam trò chuyện và tâm sự cùng anh. Sau khi hiểu được tâm trạng của Thế, ông ấy đã nói với anh rằng: “Trong cuộc sống chẳng ai tránh được điều đó, ngay như chúng tôi cũng vậy. Điều quan trọng là mỗi người phải biết vượt qua nỗi đau đó để nhìn cuộc sống tươi đẹp hơn, vì sự sầu não chỉ làm cho ta đau khổ hơn mà thôi. Chỉ có giữ vững được niềm tin vượt qua được nỗi đau Thế mới có cơ hội được tạ tội với gia đình và đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ”.
Gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má, Thế cảm ơn sự động viên chia sẻ và sự quan tâm của cán bộ dành cho anh và nói:
“Cháu cám ơn tình cảm mà ông dành cho cháu. Cháu hứa là sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau này”. Chiều hôm đó có lẽ đã được cấp dưới báo cáo nên ông Hoàng Tuấn Tú đã vào thăm Thế. Cầm trên tay một túi quà và một tờ báo ông ấy bảo: “Hôm nay trại làm cơm mời khách, Ban bảo nhà bếp cất cho anh một ít thức ăn, định chiều bảo cán bộ Sang mang vào cho anh nhưng trưa nay nghe cán bộ Biên báo cáo là anh gặp chuyện buồn về gia đình, nên tiện thể Ban cầm vào luôn”. Để túi quà lên bục nằm đối diện, ông giở tờ báo ra bảo với Thế: “Ban đã nghe cán bộ Biên kể hết chuyện rồi, anh chỉ cần đọc hết bài báo này là biết Ban muốn nói gì với anh. Ban chỉ nói thêm với anh rằng: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Ông ấy ra về, Thế dở tờ báo ra để đọc, sau khi đọc hết bài báo, Thế đã hiểu ông ấy muốn nói gì với anh, vì trong tờ báo có bài “Những người biết vượt qua số phận”.
Có được sự động viên chia sẻ của Ban giám thị và cán bộ quản giáo, Thế dần vơi bớt nỗi đau và gần một tuần sau anh được ra gặp gia đình. Người đến thăm hôm đó là bố mẹ Thế, được gặp bố mẹ là điều rất mong muốn của Thế, vì đã khá lâu rồi anh không được gặp gia đình.
“Thật sự là tôi vô cùng xót xa và nhói đau trong tim khi nhìn thấy bố mẹ tôi đã già yếu đi rất nhiều. Ngắm nhìn khuôn mặt nhăn nheo của mẹ, mái đầu bạc trắng của cha mà lòng tôi như có muối xát. Tôi không nghĩ bố mẹ tôi lại già đi nhanh đến vậy. Lau dòng nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo già nua, mẹ tôi bảo: Cha mẹ định rằm tháng 5 âm lịch mới xuống thăm con, để mang cho con ít xôi, nhưng hôm qua nhận được thư từ trại gửi về nghĩ là con gặp chuyện gì nên cha mẹ đi luôn. Mẹ chẳng có quà gì cho con cả, chỉ có nải chuối và đùm vừng lạc thôi, họ hàng làng xóm có góp cho con 120.000 đồng, ở nhà mùa chưa gặt nên mẹ không có tiền cho con mô. Tôi quỳ xuống ôm lấy mẹ và khóc, tôi cũng cảm nhận được đôi vai gầy của mẹ tôi cũng đang run lên. Ngẩng đầu lên tôi thấy mẹ tôi định nói câu gì đó thì bố tôi đã kịp ngăn lại. Bố tôi bảo: Con cứ yên tâm cải tạo cho tốt, cha mẹ và anh chị ở nhà đều khoẻ cả con đừng bận tâm. Nghe câu nói của cha tôi mà tôi cảm thấy thật là đắng lòng”, Thế tâm sự trong tự truyện.
Phòng biệt giam tử tù Đặng Văn Thế.
Tử tù được chơi chim cảnh để “dưỡng tâm”
Dường như hiểu được nỗi buồn và sự cô quạnh của tử tù Đặng Văn Thế, cán bộ trại giam là ông Lê Văn Tài đã mua cho Thế mấy con chim chào mào và một con chim cà cưỡng, ông bảo: “Chơi chim thì “dưỡng tâm”, chơi cá thì “dưỡng trí”, Thế cố gắng chăm sóc mấy con chim cho khuây khỏa, nó hót hay lắm đấy”.
Đặng Văn Thế cho biết: “Quả thật từ ngày có mấy con chim, tôi cũng thấy đỡ cô quạnh hơn, thời gian có vẻ như trôi nhanh hơn, tiếng hót của nó cũng làm cho tôi đỡ buồn hơn. Từ ngày có mấy con chim, căn phòng biệt giam rộn ràng hơn hẳn. Chú cà cưỡng dù phải cho nó ăn nhiều nhưng bù lại nó cũng hót nhiều và hay hơn, nó hót nhái cả tiếng chuông điện thoại của cán bộ, đặc biệt hơn nó biết nói cả tiếng người. Biết được điều đó nên tôi thường dạy nó nói. Cụm từ mà tôi dạy cho nó là “Chào Ban, chào Ban” rồi “Xuống xiềng, xuống xiềng”.
Làm bạn với chim chưa được bao lâu thì xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 trên toàn quốc. Để không bị lây bệnh từ chim nên Ban giám thị đã cho cán bộ đưa những chú chim của tử tù Thê ra ngoài trại. Và một lần nữa anh ta lại cô đơn trong căn phòng biệt giam. Tuy nhiên, trong thời gian này tinh thần của Thế đã được cải thiện rất nhiều. Niềm hy vọng và lạc quan cũng bắt đầu trở lại đối với Thế sau khi có một đoàn Uỷ Ban kiểm tra pháp luật của Quốc hội về Trại tạm giam Nghi Kim kiểm tra, có ghé thăm Thế và đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân (Đoàn pháp chế) tỉnh Nghệ An với sự dẫn đầu của bà Bùi Thị Hương cũng đã vào buồng giam thăm Thế.
Sau khi chia tay với những chú chim của mình, Thế lại được ông Lê Văn Tài cho một chú mèo con tam thể để nuôi cho vui. Chú mèo được Thế đặt tên là “Mương”, từ mương ám chỉ cho sự cơ cực của mình những năm tháng nằm trong trại giam. Thời gian này ngoài việc làm việc với mèo Thế toàn dành thời gian để làm thơ, cho dù thơ của anh câu từ còn lủng củng nhưng đó cũng là niềm vui. Thơ của Thế chủ yếu mang tính tự sự và nói lên nỗi lòng và tâm trạng thật của mình. Về bạn mèo Mương của Thế thì kể từ ngày về ở với anh ta nó lớn nhanh như thổi, vì có miếng gì ngon Thế đều dành phần cho nó. Nhờ sự dạy dỗ của Thế nên nó rất khôn và cũng rất ngoan. Nó biết đi vệ sinh đúng chỗ dành cho Thế, và đặc biệt là nó không bao giờ ăn vụng. Cùng với thời gian chú mèo khôn lớn là những bài thơ- đứa con tinh thần của Thế cũng lần lượt ra đời và gần như tết năm nào Thế cũng làm thơ gửi chúc tết Ban giám thị và hội đồng cán bộ.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, đúng vào ngày 20/10/2006 sau hơn hai tháng mang thai, chú mèo thân yêu của Thế đã cho ra đời lần lượt ba chú mèo con, 3 “công dân” được tôi đặt tên là Xe, Pháo, Mã. Kể từ ngày có thêm Xe, Pháo, Mã căn phòng biệt giam của Thế trở nên nhộn nhịp hơn và để chăm sóc cho chúng nó, anh cũng có phần “bận rộn hơn”. Sự có mặt của bốn mẹ con nhà mèo đã làm cho Thế có cảm giác như mình đang sống ở gia đình.
Một lần Ban Tú vào thăm và đùa với Thế: Năm ngoái Thế là “ông chủ” của vườn chim, năm nay là “ông chủ” của trại “tiểu hổ”. Ban bảo bây giờ có thêm 4 thành viên nữa chắc một suất cơm của Thế sẽ không đã ăn, từ nay Ban bảo nhà bếp cho thêm một tô cơm nữa để đã cho bốn “cha, con, ông, cháu” ăn. Được ăn uống đầy đủ nên bầy mèo con lớn rất nhanh và chẳng biết tự bao giờ, chuyện một người tử tù nuôi bốn mẹ con nhà mèo đã đến tai một phóng viên báo Lao động Nghệ An.
Sáng 30 tết năm 2007 Ban Tú vào cho quà chúc tết Thế và bảo: Mấy “cha, con, ông, cháu” tắm rửa cho sạch, lát nữa có một phóng viên vào chúc tết và viết bài về mấy “cha, con, ông, cháu”. Quả đúng như Ban Tú nói, khoảng 9h ngày 30 tết năm đó, một phóng viên của báo Lao động Nghệ An đã vào chúc tết và viết phóng sự về “cha con” nhà tử tù. Và đúng 10 ngày sau thì phóng sự “Đón tết cùng cha con nhà tử tù” được đăng trên báo Công an nhân dân.
Sau bài báo đó cho đến ngày Thế được tha tội chết, còn có 5 tờ báo nữa về trại viết về chuyện lạ có thật của cha con chúng tôi, tuy nhiên thật là vô cùng đáng tiếc cho tôi và cả Xe, Pháo, Mã vì đúng vào ngày tờ báo được đăng tải thì mẹ Mương đã vĩnh viễn không trở về. Nó bị rơi xuống bể nước của trại giam mà chết. Ngay đêm đó Thế đã làm bài “Khóc mẹ Mương”.
Mương bỏ ra đi khi còn trẻ
Bỏ Xe, Pháo, Mã cho “Thế xiềng”
Nhìn chúng mà lòng cha đau nhói
Bởi không còn nữa bóng hình Mương.
“Việc Mương ra đi để lại cho ông cháu tôi một sự trống trải rất lớn. Ngày ngày tôi phải làm thay việc của mẹ nó nuôi dạy chúng khôn lớn. Cũng may là sự dạy dỗ của tôi, nên chúng đã “chiếm” được hầu hết tình cảm của Ban Giám thị và hội đồng cán bộ ở trại giam. Đặc biệt là màn cà râu của Mã và màn vồ bắt bong của Xe. Sau này Pháo còn sinh hạ cho tôi được 3 lứa nữa: Lứa đầu được 3 con tôi đặt tên là “Ru Ny, Tốt Ty và Bếch Khăm”, lứa thứ hai tôi cũng được 3 con, tôi cho một người bạn “đồng hành” ở khu “Hộp diêm”, lứa thứ ba là lứa trước ngày tôi được xuống xiềng gần 1 tháng (lứa này được 4 con), tôi đặt tên là “Mùa, Xuân, Đã, Đến” và tôi đã đem cho cán bộ.Thú thật đối với tôi, “mẹ con Xe, Pháo, Mã” không chỉ là những con mèo thông thường, mà chúng nó chính là những “người bạn tri kỷ” của tôi”, Thế cho biết.
Nhà báo Đặng Vương Hùng đang ghi hình phỏng vấn tử tù Đặng Văn Thế.
Nằm mơ mùa xương rồng trổ hoa
Trong những năm tháng thụ hình ở trại giam, sau khi bài báo được đăng tải, tinh thần Thế phấn chấn hơn rất nhiều, vì anh cảm thấy thanh thản hơn, bởi bài báo đã giúp Thế nói lên sự sám hối của mình đối với độc giả và mọi người. Từ đó về sau những bài thơ của Thế tỏ rõ sự lạc quan hơn, yêu đời và yêu cuộc sống hơn. Thế nhưng vào thời điểm đó (tức là vào đầu năm 2007) tại trại giam Công an tỉnh Nghệ An, đã xảy ra một sự kiện lớn, đó là tất cả các ông giám thị đã thay đổi, người thì chuyển đi nơi khác, người thì đến tuổi nghỉ hưu.
Thế còn nhớ sáng hôm đó nghe tiếng chim khuyên hót líu lo trên cây phượng đầu hành lang nhà giam và ngắm ánh nắng ban mai đang rạo rực vẫy chào một ngày mới thì bỗng từ đâu một đám mây đen kéo đến làm bầu trời trại tạm giam có phần tối lại. Thế đang tự hỏi sao mùa xuân lại có những đám mây đen thế thì cán bộ quản giáo đã bắt đầu một ngày làm việc mới.
Ăn sáng bát mỳ tôm xong, Thế được cán bộ trại gọi lên làm việc, mời uống trà và trò chuyện, cán bộ bảo tối qua Ban Tú đi thăm quan Trung Quốc có gửi cho Thế mấy cái kẹo, lát nữa cầm vào phòng mà ăn, đợt này Ban sẽ về hưu đấy! “Tôi không biết cấp dưới của Ban Tú có tâm trạng thế nào và suy nghĩ ra sao, còn tôi tuy chỉ là một tử tù nhưng cảm thấy hụt hẫng và bâng khuâng. Vì gần 10 năm ở trại tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với ông ấy, bởi ngoài trách nhiệm và tình người ra, ông ấy còn mang đến cho tôi niềm hy vọng rất lớn. Để biểu lộ sự hàm ơn với ông ấy, ngay đêm đó tôi đã làm một bài thơ về ông ấy:
Sáng mùa xuân bầu trời mây ảm đạm
Từng đàn cò mỏi cánh bay xa xăm
Phải chăng chúng bay tìm nơi trú ngụ
Bay hay về “cửa phủ” để nghỉ ngơi?
Sáng mùa xuân lòng con nghe trĩu nặng
Khi hay rằng Ban sắp sửa nghỉ hưu
Biết rằng Ban về hưu là được nghỉ
Nhưng thật lòng con chưa muốn Ban hưu
Vẫn biết rằng mai mốt Ban về hưu
Sẽ có người lên thay làm giám thị
Nhưng thật lòng con mong Ban chưa nghỉ
Để mai này “Mang xuân đến” cho con
Khổ thơ cuối cùng dù không muốn nhưng tôi cũng phải chúc rằng:
Mai mốt này khi Ban đã nghỉ hưu
Con chúc Ban luôn dồi dào sức khoẻ
Cùng con cháu sống thanh bình vui vẻ
Và rồi ngày Thế phải “chia tay” Ban Tú cũng đã đến, đó là vào mùa thu năm 2007. Trước khi nghỉ hưu mấy ngày ông đã dành thời gian vào thăm và chia tay Thế. Món quà hôm đó không phải là thức ăn hay bánh kẹo, mà là một cây xương rồng được trồng trong một chiếc bình nhỏ. Tự tay đưa cây xương rồng cho tôi, ông bảo: “Vài hôm nữa Ban về hưu, ông Tỵ ở Con Cuông về thay Ban và ông Viện sẽ thay Ban Thìn. Dù Ban hay ai làm giám thị thì Thế cũng phải chấp hành thật tốt. Thời gian thụ hình của Thế đã gần 10 năm, chắc chẳng còn bao lâu nữa Thế sẽ có tin vui, dù Thế có gặp khó khăn cũng phải giữ vững niềm tin. Ban mong Thế nghĩ thật kỹ và cố gắng hiểu vì sao Ban lại tặng cho Thế cây xương rồng trước khi về hưu”. Sau này, Thế mới hiểu được sự chịu đựng và sức sống mãnh liệt của cây xương rồng. Dù ở môi trường vô cùng khắc nghiệt, nhưng nó vẫn sống và nở hoa.
Thế tâm sự: “Là một tử tù tôi không dám ví mình như cây xương rồng nhưng tôi tin là Ban Tú cũng đánh giá được sự chịu đựng và khát vọng sống vô cùng mãnh liệt của tôi. Ngày 2 tháng 9 năm đó người vào thăm tôi không còn là Ban Tú mà là ông Nguyễn Duy Tỵ và ông Nguyễn Ngọc Viện. Tôi xin nói thêm rằng dù tôi được làm phạm nhân của các ông ấy gần 3 năm, nhưng cũng không ít kỷ niệm với họ. Ấn tượng tốt đẹp đầu tiên mà ông ấy dành cho tôi là đêm 30 tết năm đó, hôm đó vào khoảng 11h30’ đêm 30 tết ông ấy và ông Nguyễn Ngọc Viện là phó ban giám thị đã vào buồng giam chúc tết và phát kẹo cho tôi, ông bảo: “Hôm 27 tết tôi đã nhận được thư chúc tết anh gửi cho Ban giám thị và Hội đồng cán bộ trại, tôi xin cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của anh đối với cán bộ trại và chúc anh đón năm mới dồi dào sức khoẻ để tiếp tục “cuộc trường chinh” và chờ đợi quyết định của Chủ tịch nước.
Hy vọng đây là cái tết đầu tiên và cũng là cuối cùng mà tôi và Ban Viện được chúc tết anh, chúng tôi biết vào thời khắc thiêng liêng này anh rất buồn và nhớ về gia đình, nhưng chúng tôi mong anh hãy kìm nén lại, để hướng tới một “mùa xuân” tươi đẹp đang ở phía trước. Còn bây giờ chúng tôi phải đi phát kẹo cho các phạm nhân khác. Có gì đầu năm tôi sẽ vào, vì năm nay tôi và Ban Viện trực tết”. Trước lúc ra về, ông ấy còn bảo Thế: “Ban Tú có gửi lời chúc tết anh và dặn rằng bao giờ cây xương rồng “nở hoa” thì báo cho ông ấy”.
Duy Việt (ghi lại)
Kỳ 3: Ác mộng và khát vọng sống