Và, tử tù Đặng Văn Thế cũng vậy, may mà anh ta chưa hóa điên. Bước sang năm 2008, khát vọng sống của Thế càng trở nên mãnh liệt, ngọn lửa hy vọng không ngừng cháy, chỉ có điều sức khỏe của anh không đựơc tốt, phần vì đã phải “chinh chiến” gần 10 năm trong ngục tối, phần vì bệnh đại tràng của Thế ngày một nặng hơn.
Hy vọng sống sau phỏng vấn của các nhà báo
Một ngày đầu tháng tư năm đó, Thế đang ngồi bó gối trong xiềng nghe ca sĩ Hồng Nhung hát bài “Trở về cát bụi” nhân kỷ niệm 8 năm ngày mất Trịnh Công Sơn thì cán bộ quản giáo Tỵ vào thăm. Thế đứng dậy lễ phép chào ông xong, ông tươi cười hỏi Thế: “Dạo này anh có ăn ngủ được không mà sao gầy thế? Thần sắc anh không được tốt”.
Thế bảo với ông là đang bị đau đại tràng nên không ăn ngủ được. Ông ấy hỏi thế y tế trại đã cho thuốc chưa? “Dạ thưa Ban, cho rồi nhưng chỉ là thuốc giảm đau”. Ông ấy bảo: “Thôi được rồi, tôi sẽ báo bác sĩ Dũng điều trị cho anh, anh cứ yên tâm”. Nói xong ông ấy cầm gói kẹo từ tay cán bộ Hà nói với Thế: “Tôi vừa đi công tác xa về có gói kẹo cho anh, còn bây giờ anh chuẩn bị tinh thần lát nữa có nhóm phóng viên truyền hình vào trại làm phóng sự về các tử tù, anh thay mặt họ trả lời phỏng vấn”.
Hôm đó, Thế trả lời rất nhiều câu hỏi của phóng viên, nhưng có một câu nói mà Thế nhớ mãi, đó là: “Cán bộ trại giam, không phải là những người canh tù mà ngoài đời vẫn nghĩ, mà họ là những người mang tấm lòng nhân ái, đi thắp sáng niềm tin cho chúng tôi. Hay nói cách khác: Họ là ánh nắng ban mai sưởi ấm cho tâm hồn tội lỗi của chúng tôi”. Nhờ có sự quan tâm của Ban Tỵ mà cán bộ trạm xá đã cấp thuốc điều trị đại tràng, sau gần hai tháng điều trị, căn bệnh của Thế đã đỡ rất nhiều, vì vậy sức khoẻ và tinh thần của anh ta được nâng lên rõ rệt.
Tử tù Đặng Văn Thế.
Cho đến một ngày vào khoảng hạ tuần tháng 7, Thế được Ban (cán bộ quản giáo) Viện vào hỏi thăm và thông báo: “Lát nữa có phóng viên của Báo Công an nhân dân vào phỏng vấn Thế. Hy vọng là sau khi bài báo này phát hành, Chủ tịch nước và các cấp có liên quan sẽ lưu tâm đến anh đấy, vì anh bị thụ hình đã lâu”. Trước khi ông rời khỏi buồng giam, ông bảo Thế lát nữa nhờ phóng viên chụp cho tấm hình về bầy mèo con Xe, Pháo, Mã mà Thế nuôi trong tù làm kỷ niệm.
Gần 10 ngày sau thì bài phóng sự “Tử tù đặc biệt” của nhà báo Xuân Luận được đăng trên báo Công an nhân dân. Sáng hôm đó, Thế đang ăn dở bát mỳ tôm thì Ban Viện vào. Ban bảo: “Bài báo nói rất nhiều về cuộc đời và số phận và của anh, còn cả thơ anh viết về cha nữa, cho anh mượn đọc xong rồi trả lại cho tôi để cho cán bộ trong phòng đọc”. Đón nhận tờ báo từ tay Ban Viện, Thế chăm chú đọc đi đọc lại đến ba lần, và đã không cầm nổi những giọt nước mắt, khi bài báo viết rất nhiều điều tốt đẹp về Thế, dù rằng anh là một tử tù đã vì đồng tiền mà mang bất hạnh đến cho mọi người.
Thế giãi bầy trong tự truyện: “Gấp tờ báo lại tôi ngửa mặt lên ô văng buồng giam nghĩ về cuộc đời mình và những việc làm tội lỗi mà mình đã gây ra, nghĩ đến bố mẹ già đang lủi thủi nơi căn nhà xiêu vẹo ở quê. Đựơc sự cho phép của cán bộ trại giam, chiều hôm đó tôi đã gọi điện về cho bố mẹ.
Cầm máy lên tôi chưa kịp nói gì mẹ tôi đã bảo: Cha vừa đọc bài báo viết về con cho mẹ nghe, con cố gắng lên đợt này có lẽ Chủ tịch nước sẽ tha tội chết cho con. Vài hôm nữa mẹ xuống thăm con”. Và hai hôm sau mẹ Thế đã vào thăm con. Theo quy định thì tử tù chỉ được gặp gia đình gián tiếp qua phòng kính, nhưng là tử tù đặc biệt lại chấp hành nghiêm nội quy nên Thế được trại cho gặp tại phòng luật sư.
Đặt chiếc làn lên chiếc bàn đá, chưa kịp lau mồ hôi, mẹ đã ôm chầm lấy Thế mà khóc. Choàng đôi tay lên đôi bờ vai gầy của mẹ, Thế thấy đôi vai mẹ đang run lên và hôm đó anh đã khóc như một đứa trẻ lên ba. Hai mẹ con cứ ôm nhau như vậy rất lâu, có lẽ mẹ sợ Thế tuột khỏi vòng tay âu yếm của mẹ. Mẹ bảo “Cha cũng muốn đi thăm con, nhưng xe không chở được 3 người, còn xe đạp thì đường xa, sức khoẻ của cha lại yếu nên không đi được. Cha dặn dù thế nào đi nữa thì con cũng không được bi quan tuyệt vọng. Con phải chấp hành thật tốt để không phụ lòng tin và tình thương của các bác ở trại”.
Trước khi ra về, mẹ Thế bảo với con: “Mẹ bán ba yến lúa được hai trăm nghìn tý nữa mẹ gửi lưu ký cho con. Còn đây là mấy quả trứng và ít khoai con cầm vào nhà ăn, mẹ chẳng mua gì cho con cả, bây giờ con vào đi, mẹ phải gặp ông trưởng trại một tý”.
Chiều hôm đó, Thế đang ngồi chơi với mấy chú mèo con “Xe, Pháo, Mã” thì Ban Tỵ vào, hỏi thăm về việc gặp mẹ lúc sáng xong, Ban bảo: “Sáng nay mẹ anh có lên gặp tôi và biếu tôi một ít quà, tôi không nhận nhưng mẹ bảo nếu bác không nhận thì tôi không an tâm ra về, sợ mẹ anh buồn nên tôi phải nhận túi khoai, trưa nay tôi mời mọi người ăn rồi, còn ít trứng tôi cầm vào cho anh để anh bồi dưỡng, anh không phải suy nghĩ gì đâu, coi như tôi đã nhận quà của mẹ anh biếu rồi, còn đây là tôi cho anh”. Trước lúc ra về, Ban Tỵ đã bảo với cán bộ quản giáo, khi nào anh Thế ăn thì nhờ đồng chí mang xuống bếp rán cho Thế mấy quả.
Nằm mơ bị giải ra trường bắn
Tối hôm đó, Thế đã suy nghĩ rất nhiều về Ban Tỵ, anh là một tử tù gây ra bao tội ác, vậy mà ông ấy vẫn xem anh như một đứa con lạc lối. Từ ngày bài báo được phát hành , tinh thần Thế phấn chấn hơn nhiều. Anh tự tin nghĩ rằng sớm muộn gì Chủ tịch nước sẽ khai ân cho anh.
Tuy nhiên như cổ nhân đã nói niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi mà tinh thần Thế đang rất phấn chấn hơn bao giờ hết thì hai hôm sau trong cơn ngủ say, Thế đã mơ một giấc mơ khủng kiếp, anh mơ thấy mình bị đưa ra pháp trường để đền tội cho pháp luật. 2h30’ , Thế tỉnh dậy thấy người mình vã mồ hôi hột tự lúc nào. Lấy khăn lau mồ hôi, Thế ngồi bó gối nhìn vào khoảng không mịt mùng của buồng giam suy nghĩ lung tung, Giấc mơ khủng khiếp đó đã làm cho anh hai ngày liền không ăn, không ngủ. Dĩ nhiên là việc đó đến tai Ban Tỵ.
Khoảng 4h chiều ngày 4/8, Ban Tỵ đã cùng cán bộ Hà, hội trưởng hội quản giáo vào thăm Thế và anh em tử tù. Ban hỏi “Có chuyện gì mà cán bộ báo lại với tôi là hai hôm nay anh không ăn, không ngủ?”. Thế kể cho Ban nghe về giấc mơ hôm trước, và nói: Thưa Ban, “con” tin là Chủ tịch nước sẽ tha tội chết cho “con” nhưng giấc mơ đã làm cho “con” hoang mang tư tưởng”. Ban Tỵ bảo với Thế rằng: Cứ yên tâm mà ăn nghỉ, có những lỗi lầm có thể được tha thứ, có những lỗi lầm thì không, nhưng dù thế nào thì mình cũng phải xác định để tâm hồn được thanh thản, rồi Ban kể cho Thế nghe câu chuyện về “Chiếc lá xanh cuối cùng”.
Được Ban Tỵ động viên kịp thời nên tinh thần Thế đã ổn định được phần nào, thế nhưng điều không may đã xảy ra với anh em tử tù một ngày sau đó. Khoảng 5h sáng ngày 6/8 khi tiếng gà ngoài dân vừa ngừng tiếng gáy, thì có tiếng giày đinh nện xuống sàn và tiếng chìa khoá leng keng ngoài hành lang và khoảng 20 phút sau, thì Thế đã nghe tiếng gọi chào vĩnh biệt của tử tội Nguyễn Trọng Điệp, anh ngồi dậy ôm chầm lấy “Xe, Pháo, Mã” không nói một câu gì. Và tự bao giờ cơ thể Thế toát đầy mồ hôi, còn tóc thì đã dựng ngược. Như thường lệ, sáng hôm sau, Ban Việt đã vào trấn an tư tưởng cho các anh em tử tù. Vào buồng tôi Ban hỏi: “Điệp đi rồi Thế có buồn lắm không?”. “Dạ thưa. Điệp là bạn “con” ở ngoài đời nay lại là đồng cảnh thì làm sao mà “con” không buồn! Tuy nhiên “con” cũng tạm thời thở phào nhẹ nhõm vì đêm qua không phải là “con”.
Thời gian vẫn chầm chậm trôi, dòng đời vẫn không ngừng chảy, thế rồi Thế cũng sống “vui vẻ” với “Xe, Pháo, Mã”. Cho đến mùa đông năm 2008. Hơn 4 tháng kể từ ngày bài báo ra đời, cây bàng đầu hiên nhà giam tử tù đã trút hết lá, vậy nhưng Thế vẫn không có gì “tươi mới”, vẫn khắc khoải đợi “mùa xuân”! Rồi đến ngày 28 tháng 12 năm đó, lại có hai nhà báo lại vào trại viết phóng sự về Thế. Tại buổi trả lời phỏng vẫn Thế đã nhờ nhà báo nói giúp anh một lời rằng: “Tôi khẩn thiết cầu xin Chủ tịnh nước tha cho tôi vì sức chịu đựng của tôi đã cạn kiệt, thần kinh tôi có vấn đề”.
Câu hỏi cuối cùng hôm đó của phóng viên là hỏi về việc Thế đã làm thơ sám hối với cha mẹ và bảo anh đọc mấy câu. Hôm đó Thế đã đọc mấy câu thơ về mẹ rằng:
Thương mẹ nhiều con cố nén nỗi đau
Để vươn lên trong quá trình “cải tạo”
Con nguyện hứa luôn vâng lời quản giáo
Thế rồi vào ngày 4/3/2009, bài phóng sự “Một tử tù bị lãng quên” của nhà báo Việt Anh và Hữu Huỳnh được đăng trên trang 4 của báo An ninh thế giới. Cũng như lần trước, bài báo lần này cũng nói rất nhiều về Thế, trong đó có mấy câu thơ mà Thế đã viết về mẹ. Lần này không phải là Ban Viện đưa báo cho Thế mà là Ban Tỵ, ông bảo báo vừa ra sáng nay, anh đọc đi cho phấn khởi rồi gửi về cho cán bộ đọc. Ba ngày sau lại có một bài báo nữa đăng trên báo An ninh thế giới, bài báo được đăng trên mục Thư bạn đọc và đã mở một diễn đàn về chuyện một tử tù có một không hai. Trong cuộc diễn đàn đó có rất nhiều luật sư tham gia. Trong đó có luật sư Phạm Hồng Hải, đoàn luật sư Hồng Hải và cộng sự. Sau khi bài báo “Một tử tù bị lãng quên” được đăng tải, hy vọng sống của Thế cũng lớn hơn, nhưng tinh thần và sức khoẻ không thật tốt vì Thế bị suy nhược thần kinh rất nặng.
Cuối tháng 4 năm 2009, Thế được Ban Tỵ cho mời bác sỹ chuyên khoa thần kinh của tỉnh về trại phối hợp với bác sỹ Dũng khám điều trị cho Thế. Thế được Ban giám thị cho lên trạm xá trại để theo dõi và điều trị. Thế ôm quần áo chăn màn lên bệnh xá được hai tiếng đồng hồ rồi lại xin về buồng giam ngay vì nếu điều trị tại trạm xá thì “Xe, Pháo, Mã” của tôi không ai cho ăn, khi mà “Pháo” vừa sinh hạ 4 con mới được 11 ngày.
Thế trở lại buồng giam vào lúc 17h, thấy Thế về “Xe, Pháo, Mã” vui mừng quấn lấy anh, riêng chú Mã thì chèo lên bục chồm lên người Thế cà râu. Còn chú “Pháo” thì luôn dụi vào chân Thế đòi ăn. Sáng hôm sau, lần đầu tiên sau gần 12 năm bị Bạn Tỵ phê bình, Thế xin lỗi Ban và nói: “Thưa Ban “con” không thể bỏ rơi “Xe, Pháo, Mã” trong khi đó bác sỹ bảo con bệnh thần kinh phải điều trị thời gian dài mới khỏi”. Hiểu được tình cảm của Thế với bầy mèo “Xe, Pháo, Mã”, Ban Tỵ đã cho phép Thế nằm tại buồng giam, hàng ngày bác sỹ xuống cấp thuốc. Điều trị được hơn một tháng, bệnh Thế đỡ, đang chờ toa thuốc thứ 2 thì mùa xuân đã thực sự đến với anh.
Ảnh minh họa.
Khóc nức nở khi được tha tội chết
Sáng ngày 23/6/2009, Thế được anh Khánh buồng giam bên cạnh cho một gói phở, Thế đang ăn dở thì thấy Ban Viện vào nói gì đó với cán bộ, một lúc sau thì thấy Ban Tỵ vào, cả hai cùng vào buồng giam tôi. Ban Tỵ bảo: “Tôi báo cho anh mừng là anh có quyết định “xuống xiềng” rồi. Toà vừa gọi điện bảo anh chuẩn bị tư tưởng để chiều nay phát biểu, còn tôi sẽ mua bó hoa tặng anh. Chúc mừng anh nhé!”. Đang lễ phép đứng ở “chuồng cọp”, Thế ôm chầm lấy Ban Tỵ và Ban Việt không nói được câu gì. Bỗng hai hàng nước mắt Thế tuôn trào.
Ban Việt nói: “Theo quy định không được phép ôm chúng tôi như thế này, nhưng hôm này là ngày anh được tái sinh lần thứ 2 nên chúng tôi thông cảm”. Tôi xin lỗi họ và oà khóc nức nở. Dù đến 17 giờ chiều đó tôi mới được đọc quyết định tha tội chết, nhưng trong ngày hôm đó tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng. Hôm đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được nhận hoa. Với các tử tù khác thì dù được tha cũng không được chúc mừng nhiều như Thế, vì anh đã gắn bó với trại đã lâu nên cũng có được cảm tình cán bộ ở đó.
Đúng 17 giờ chiều ngày 23 - 6 - 2009, sau đúng 11 năm bị xiềng trong biệt giam tử hình, Thế đã đựơc khai sinh lần thứ 2. “Phát biểu cảm tưởng hôm đó, tôi đã cảm ơn sự khoan hồng của Đảng, tấm lòng vị tha của Chủ tịch nước. Cảm ơn tất cả những gì tốt đẹp nhất mà Ban giám thị và cán bộ đã dành cho tôi. Đón nhận bó hoa từ tay Ban Tỵ tôi tự hứa là sẽ cải tạo thật tốt để không phụ lòng tin và tình thương của họ.
Tối hôm đó tôi được chuyển vào buồng giam số 3 ở cùng với 4 anh thường án khác. Và tôi đã gần như thức trắng đêm. Tâm trạng vui buồn cứ lẫn lộn, suy nghĩ rất nhiều về những gì đã trải qua trong 12 năm đó, suy nghĩ về việc làm tội lỗi mà tôi đã gây ra. Điều tôi băn khoăn và lo lắng nhất là số phận “Xe, Pháo, Mã” sẽ như thế nào? Vì chúng là những người bạn tri kỷ của tôi trong thời gian tôi thụ hình ở biệt giam”.
Khoảng 23h, khi Thế đang nằm suy nghĩ miên man thì nghe tiếng kêu của bầy mèo phía ngoài hành lang. Nghe tiếng gọi của Thế, chúng chui qua “cửa gió” chạy vào. Thế ôm chúng vào lòng vỗ về và tâm sự với chúng như những người bạn. Không hiểu chúng đang suy nghĩ gì nhưng Thế đoán chúng cũng có tâm trạng như anh. Một lúc sau anh bạn cùng buồng lấy đĩa cơm cho chúng ăn thì Pháo bỏ chạy ra ngoài. Thế đang tự hỏi tại sao nó không ăn thì thấy nó cắp đứa con của nó vào. Có lẽ nó biết Thế không về buồng giam nữa nên nó cắp con sang cùng Thế. Gần 4h sáng sau khi đã hút gần hết gói thuốc Vina, cán bộ Hà phá lệ cho lúc chiều, Thế đã làm bài thơ “Xuân đã về” trong đó có câu”:
Xuân đã về cây trái đã đơm hoa
Bõ công lao những ngày ta vun xới
Dù với ta đường về còn vời vợi
Nhưng tin rằng rồi sẽ có ngày mai.
Sau gần một tháng kể từ ngày được xuống xiềng, Thế được chuyển đến trại giam số 6, ngày chuyển trại là một phạm nhân đặc biệt nên Thế được cán bộ cho ở khoang giữa của chiếc “xe thùng”, xe rời khỏi cổng trại, Thế bắt đầu ngắm nhìn quang cảnh thành phố băng qua những cánh đồng bát ngát. Đồng quê quen thuộc đã làm cho Thế sống lại tuổi thơ. Ngắm khung cảnh thanh bình ở vùng ngoại ô Thế có cảm giác là mình đang trên đưởng trở lại quê hương chứ không phải là đi cải tạo…
Trong đoạn cuối tự truyện “Lời sám hối của một tử tù”, Đặng Văn Thế viết: “Đây là câu chuyện kể hoàn toàn có thật của một tử tù - một tử tù có lẽ là có một không hai trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Một tử tù đã phải thấp thỏm chờ chết “vắt qua hai thế kỷ” hay nói chính xác là bốn nghìn ba trăm hai mươi ngày đi tìm sự sống. Một tử tù đã làm cho giới báo chí tốn rất nhiều giấy mực.
Một tử tù đã trải qua ba đời giám thị và 10 cán bộ quản giáo. Nhưng nhờ có sự khoan hồng của pháp luật và tấm lòng độ lượng của Chủ tịch nước, nên sau đúng 11 năm kể từ ngày bị tuyên án tử hình, tôi đã được khai sinh lần thứ hai (23/6/1998 – 23/6/2009).
Và để tri ân những người đã dành cho tôi sự sống nên tôi viết lên câu chuyện này với mong muốn là để nói với mọi người rằng: Ma tuý hoàn toàn không phải là con đường dẫn đến thiên đường giàu sang hạnh phúc, mà là con đường đưa ta đến địa ngục. Tội lỗi mà tôi gây ra không chỉ mình tôi gánh chịu mà còn cả gia đình, người thân nữa. Với tôi không chỉ có tội với pháp luật mà còn có tội lớn với bố mẹ và gia đình. Với lòng biết ơn vô hạn, tôi xin được chép lại và kính tặng quý bạn đọc câu chuyện buồn của cuộc đời tôi”.
Niềm vui lớn lại đến với Thế sau đó 2 năm, tự truyện “Lời sám hối của một tử tù” của Thế đã đoạt giải nhất cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” do Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, bộ Công an tổ chức. Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Đặng Văn Thế đã tham dự cuộc thi bằng cách tự viết lại cái cảm giác khủng khiếp của những đêm dài mất ngủ đón đợi ngày phải chết của mình, với những suy nghĩ rất chân thật và chính bản năng sinh tồn và khát vọng hoàn lương đã giúp anh ta tồn tại được đến ngày hôm nayn
Duy Việt (ghi lại)