Dư luận đang tranh cãi về việc ông Đặng Thanh Bình, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo nhờ được áp dụng thêm các quy định trong Luật Người cao tuổi.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Ths.LS Đặng Văn Cường cho biết: Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành thì “người cao tuổi” (người từ 60 tuổi trở lên nhưng chưa tới 70 tuổi) không phải là đối tượng được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. BLHS quy định chỉ có “người già” (người từ 70 tuổi trở lên) mà phạm tội thì mới được xem xét giảm một phần trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cho biết thêm, án treo theo quy định tại Điều 65, BLHS 2015 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Tòa án Nhân dân Tối cao thì “người cao tuổi” không phải là một trong những căn cứ để xem xét cho hưởng án treo. Bởi vậy, tòa án lấy căn cứ bị cáo là người cao tuổi để cho bị cáo được hưởng án treo này chưa đủ cơ sở pháp lý.
Do vậy, luật sư Cường cho rằng: Việc Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá có cho bị cáo được hưởng án treo hay không thì phải căn cứ vào quy định tại Điều 65, BLHS 2015 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Chứ không thể tùy tiện, theo những cảm nhận chủ quan vì hình phạt tù và phạt tù cho hưởng án treo là rất khác nhau về tính chất răn đe cũng như tính chất nghiêm khắc của hình phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo.
"Trong trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án giải quyết không đúng pháp luật thì bản án này cũng có thể bị kháng nghị để sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thủ tục giám đốc thẩm”, luật sư Cường nói.
Từ đó, luật sư Cường khẳng định lại một lần nữa: “Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết Điều 65 BLHS về án treo không có từ nào nhắc tới “người cao tuổi”. Như vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì người được hưởng án treo phải thuộc trường hợp quy định tại Điều 65, BLHS năm 2015 và hướng dẫn tại Điều 2, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP chứ không căn cứ vào Luật Người cao tuổi”.
Cùng trao đổi về nội dung này, luật sư Nguyễn Công Thành (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Hiện tại, Luật Người cao tuổi không có quy định nào về áp dụng hình phạt án treo với người trên 60 tuổi hoặc các quy định về giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mà chỉ có điểm o khoản 1, Điều 51, BLHS 2015 quy định “Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Do vậy, luật sư Thành cho rằng, trường hợp HĐXX nhận định các bị cáo trên 60 tuổi, khi có điều kiện về nhân thân tốt, bị tuyên án từ 3 năm tù trở xuống thì nên vận dụng thêm các quy định trong Luật Người cao tuổi để áp dụng chế định án treo đối với hai bị cáo trên 60 tuổi, là không phù hợp quy định của pháp luật.
“Theo quy định thì Tòa án chỉ được cho bị cáo hưởng án treo khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 65 BLHS và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của HĐTP Tòa án Nhân dân Tối cao nêu trên. Nếu bị cáo không đáp ứng đủ các điều kiện này thì không được hưởng án treo”, luật sư Thành nêu quan điểm.