Khoảng 8h30 ngày 16/4, phiên tòa xét xử kín vụ án ông Hồ Sỹ Nhân, Giám đốc công ty TNHH Đại Phát có hành vi vu khống ông Hồ Phước Thành, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai diễn ra.
Đến khoảng 11h trưa cùng ngày, phiên tòa kết thúc. HĐXX TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt ông Nhân 12 tháng tù giam về tội Vu khống. Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa ông Nhân liên tục kêu oan. "Tôi sẽ làm đơn để kháng cáo", ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, HĐXX đã không xem xét động cơ của ông là tố cáo tiêu cực nhằm làm cho tỉnh Gia Lai ngày càng tốt hơn. Bởi, trong khoảng thời gian đầu năm 2017, bức xúc trước việc doanh nghiệp Đại Phát (do ông Nhân làm Giám đốc) bị gây khó dễ trong việc đầu tư xây dựng chợ trung tâm thương mại TP.Pleiku, cũng như hàng loạt nghi vấn các doanh nghiệp khác làm ăn không nghiêm chỉnh nhưng được ưu ái nên ông mới có hành động trên.
Ông Nhân thông tin: "Tôi có dùng điện thoại soạn một số tin nhắn để nêu lên những thực trạng đang tồn tại trên địa phương và gửi đến số điện thoại di động của một số vị lãnh đạo địa phương như: Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh Gia Lai cùng nhiều sở ban ngành. Việc làm này của tôi nhằm mục đích nhắc nhở, góp ý để lãnh đạo nắm, làm tốt công tác quản lý".
Cũng trao đổi với PV, bà Phan Thị Thanh Hậu, đoàn Luật sư TP.HCM (luật sư biện hộ cho ông Nhân) cho biết, ông Hồ Sỹ Nhân bị khởi tố về tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự. Song Công an tỉnh Gia Lai chưa chứng minh, làm rõ được động cơ phạm tội. Bởi, bị cáo nhắn tin tới hàng chục người đều là lãnh đạo tỉnh".
"Cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ tất cả những nội dung tin nhắn của ông Nhân là đúng hay sai mà chỉ một số những nội dung tin nhắn tố cáo sai phạm đã được làm rõ. Từ những lẽ trên, tôi khẳng định thân chủ của tôi chưa phạm tội Vu khống vì các chứng cứ buộc tội chưa đủ. Hiện, thân chủ tôi đã làm hồ sơ để tiếp tục kháng cáo”, luật sư Thanh Hậu nói thêm.
Liên quan việc TAND tỉnh Gia Lai tiến hành xét xử kín vụ án, luật sự Lê Văn Hoan, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định của pháp luật vụ án này xử kín hay xử công khai là do yêu cầu của đương sự nhằm mục đích để giữ bí mật đời tư. Nếu đương sự có yêu cầu thì thẩm phán mới xử kín, còn không yêu cầu mà thẩm phán tự ý cho xử kín là sai luật.