15h hôm nay (1/10), TAND TP.HCM tuyên án vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma (công ty VN Pharma) đối với Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty VN Pharma) và 11 đồng phạm.
Trong nhiều ngày xét xử trước đó, nhiều góc khuất của vụ án từng gây chấn động ngành y tế và dư luận cả nước được lật mở. Tuy nhiên, cũng có nhiều câu hỏi lớn vẫn chưa có lời giải đáp.
Trong vụ án này, chỉ có duy nhất bị cáo Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM hàng hải Quốc tế H&C) kêu oan. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng cùng 10 đồng phạm thừa nhận các sai phạm và mong được khoan hồng.
Khai tại tòa, bị cáo Hùng nói thuốc H-Capita là thuốc thật, chỉ giả về nguồn gốc. Đại diện Cục Quản lý Dược cũng cho rằng, thuốc H-Capita chỉ giả về nguồn gốc xuất xứ, còn thuốc là thuốc thật. Công văn hỏa tốc mà bộ Y tế gửi đến tòa cũng khẳng định thuốc H-Capita không phải là thuốc giả, thuốc được sản xuất tại Ấn Độ và đàm bảo các chi tiêu chất lượng theo chuẩn của tổ chức Y tế thế giới.
Trong khi đó, đại diện VKS trong phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và tranh luận sau đó vẫn khẳng định thuốc H-Capita là thuốc giả. VKS cũng nghi ngờ về tính hợp pháp của các văn bản, tài liệu mà bộ Y tế gửi cho cơ quan điều tra trước đó. Đại diện VKS cho rằng, công văn hỏa tốc gửi đến tòa là nhằm bao che cho hành vi phạm tội của các bị cáo và che dấu các sai phạm tại Cục Quản lý Dược.
Câu hỏi thuốc H-Capita là thước giả hay chỉ là thuốc kém chất lượng vẫn chưa được khẳng định, câu trả lời chờ vào HĐXX trong phần tuyên án?
Một câu hỏi khác cũng được dư luận quan tâm, đó là số tiền 7,5 tỷ đồng được cho là tiền “hoa hồng” mà công ty VN Pharma chi ra để bán thuốc vào bệnh viện thì ai là người nhận?.
Trong quá trình xét hỏi, bị cáo Hùng cho biết, có việc chi 7,5 tỷ đồng “hoa hồng” cho các trình dược viên để bán thuốc ở bệnh viện, nhưng Hùng chưa bao giờ gặp bất cứ một trình dược viên nào và cũng chưa từng trình bày với các bệnh viện nếu cho phép giới thiệu thuốc sẽ chi cho bao nhiêu tiền.
Như vậy, có việc chi 7,5 tỷ đồng để bán thuốc vào bệnh viện. Vậy những ai đã nhận khoản tiền này và nhận bao nhiêu vẫn chưa được làm rõ tại tòa.
Để làm rõ các vấn đề trong vụ án, HĐXX quyết định triệu tập 9 thành viên trong hội đồng giám định của bộ Y tế, Công ty VN Pharma, viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và cục Quản lý dược cũng được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ngoài ra, tòa án còn triệu tập gần 200 người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Những người bị triệu tập có ông Nguyễn Tất Đạt, bà Tăng Thị Diệu Linh và ông Trương Quốc Cường (hiện nay, ông Cường là Thứ trưởng bộ Y tế và thời điểm vụ án xảy ra vụ án thì ông Cường là Cục trưởng cục Quản lý dược).
Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường là người ký công văn cho công ty VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet. Tòa triệu tập ông Cường đến tòa với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng ông Cường không đến tòa. Ông Cường có phải chịu trách nhiệm về việc công ty H-Capita buôn bán thuốc trị ung thư giả?.
Ngoài các vấn đề nói trên, đại diện VKS cũng đề nghị khởi tố vụ án làm lộ bí mật Nhà nước tại bộ Y tế.
Lý do là trong quá trình xét xử, có 3 văn bản do bộ này đóng dấu “Mật”, chưa được giải mật. Tuy nhiên, một cá nhân khác (được tòa triệu tập với vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) lại có nhiều giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến các văn bản “Mật” này và đã gửi đến tòa trước khi các văn bản được bộ Y tế “giải mật”. Liệu tòa sẽ kiến nghị khởi tố vụ án liên quan đến việc làm lộ bí mật Nhà nước này?.
Bên cạnh đó, các bị cáo trong vụ án bị truy tố ở khung hình phạt có mức án cao nhất lên đến từ hình. Tuy nhiên, VKS chỉ đề nghị mức án cao nhất là 20 năm tù giam. Liệu tòa có quan điểm và khung hình phạt cao hơn với các bị cáo?.
Những câu hỏi trên vẫn đang chờ câu trả lời.