Eo biển Kerch có vị trí địa chiến lược quan trọng. Đây là cửa ngõ đường biển duy nhất thông giữa biển Azov và biển Đen.
Hoạt động lưu thông qua eo biển Kerch có ý nghĩa sống còn với các thành phố cảng lớn vốn nằm bên bờ biển Azov, như Rostov-on-Don của Nga hay Mariupol của Ukraina.
Vì thế không ngạc nhiên khi biết rằng Nga và Ukraine đã xung đột quanh eo biển này từ rất lâu trước khi Crưm được sáp nhập trở lại Nga, qua đó án ngữ cả hai bờ eo biển.
Theo An ninh thủ đô, trong cuộc họp mới đây của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, Tổng thống Pyotr Poroshenko cho biết, Kiev tuyên bố sẽ không ngừng việc sử dụng eo biển Kerch cho giao thông tàu bè và vận chuyển hàng hóa đến các cảng của Ukraine ở Biển Azov.
Trong bài phát biểu của mình, ông Poroshenko cáo buộc một số chính trị gia Kiev đã cố gắng chuyển sự đổ lỗi cho sự cố gần đây ở eo biển Kerch từ Nga sang Ukraine.
Hãng thông tấn UNIAN dẫn lời Tổng thống Pyotr Poroshenko sau hơn 1 tháng xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine ở eo biển Kerch rằng: "Có một số nỗ lực cho thấy rõ rằng, chúng ta không nên vận hành cả Kênh Kerch-Yenikale và eo biển Kerch của Ukraine. Tôi khẳng định, từ giờ trở đi, chúng ta sẽ kéo tàu chiến của chúng ta từ Biển Đen đến Biển Azov. Tôi cam kết chắc chắn và mạnh mẽ rằng, Ukraine sẽ không bao giờ ngừng sử dụng các cảng của mình ở Biển Azov, đặc biệt là các tàu hải quân".
Ngày 25/11, ba tàu của Hải quân Ukraine Berdyansk, Nikopol và Yana Kapa vi phạm Điều 19 và 21 của Công ước Liên Hợp Quốc, vượt qua biên giới biển của Nga một cách bất hợp pháp. Các tàu này không tuân theo các yêu cầu chính đáng của chính quyền Nga.
Trong khi đó, Moscow cáo buộc các tàu Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga trên Biển Đen.
Sau khi bị buộc rời lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nga, các tàu của Ukraine vẫn phớt lờ cảnh báo, vẫn hướng tới eo biển Kerch và đi vào khu vực mà Nga đã tạm thời đóng cửa.
Moscow đã quyết định sử dụng vũ khí và bắt giữ 3 con tàu trên cách bờ biển Nga khoảng 20 km.
Theo Vietnamnet, hải quân Ukraina cho biết các tàu Nga đã nổ súng và làm ít nhất 6 sĩ quan hải quân nước này bị thương.
Cuộc đụng độ hôm 25/11 là một trong những vụ việc căng thẳng nhất trong mối quan hệ qua eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine, cho thấy mối nguy cơ ngày càng tăng của leo thang quân sự giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô trước đây.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: "Moscow không bao giờ cản trở tất cả các tàu lưu thông trên eo biển Kerch, bao gồm cả tàu chiến. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra hôm 25/11 ở eo biển Kerch chắc chắn là một hành động khiêu khích của Ukraine".
Theo TTXVN, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, eo biển Kerch trở thành một điểm nóng tranh chấp pháp lý và chính trị giữa Nga và "người anh em" cũ Ukraine.
Kiev đã đơn phương thiết lập một đường ranh giới tại eo biển này vào năm 1999 và thực thi nhiều động thái nhằm tuyên bố một số khu vực thuộc biển Azov là vùng nội thủy.
Nga đối phó lại bằng cách xây dựng một con đập từ đất liền nối với đảo Tuzla nằm giữa eo Kerch mà Ukraina tuyên bố sở hữu.
Sau khi Crưm được sáp nhập trở lại Nga năm 2014, Moscow đã xúc tiến ngay hoạt động xây dựng một cây cầu ngang qua eo biển Kerch, nối bán đảo Crưm với đại lục Nga.
Trong một nỗ lực ngăn cản xây dựng cầu Kerch và đảm bảo quyền qua lại eo biển cho tàu thuyền, Ukraina đã đơn phương kiện Nga ra tòa án ở La Haye (Hà Lan) với cáo buộc Moscow vi phạm Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển.
Những năm gần đây, Nga và Ukraine liên tục tăng cường quân sự tới vùng biển Azov - nơi giới quan sát cho rằng có thể là chiến trường mới của xung đột giữa hai nước.
Minh Anh (tổng hợp)