Tại cuộc họp báo tháng 5 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) diễn ra ngày 5/5, ông Nguyễn Thành Phúc-Cục trưởng Cục Viễn thông đã chia sẻ thông tin với báo chí về tình hình khắc phục các tuyến cáp quang biển gặp sự cố trong thời gian vừa qua.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, việc xảy ra sự cố đồng thời với cả 5 tuyến cáp quang biển thời gian qua là trường hợp bất khả kháng, ảnh hưởng không chỉ với Việt Nam mà cả các nước trong khu vực có sử dụng các tuyến cáp này.
Ngay khi xảy ra sự cố, Cục Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai nhiều phương án, như chủ động, nhanh chóng phối hợp với thành viên hệ thống tuyến cáp bị sự cố, đo đạc, xác định vị trí và loại sự cố để tiến hành sửa chữa khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, tính đến ngày 3/5, đã có 2 tuyến cáp quang biển là IA và SMW3 hoàn thành việc sửa chữa.
Hai tuyến cáp AAE-1 và AAG dự kiến sẽ hoàn thành sửa chữa trong tháng 5. Tuyến cuối cùng là APG dự kiến sẽ được khắc phục xong trong tháng 6.
Cục Viễn thông cũng đã triển khai điều tiết, giảm tải các dung lượng quốc tế, phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ lưu lượng quốc tế, ưu tiên dung lượng theo khung giờ để đảm bảo chất lượng, đồng thời khẩn trương phối hợp với các đối tác nước ngoài để mua dung lượng quốc tế trên đất liền.
“Qua giám sát, Cục nhận thấy, trải nghiệm của người dùng đang đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Chúng tôi đã có kế hoạch xin thêm 4-6 tuyến cáp quang mới từ nay đến 2030”, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết thêm.
Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3, cập bờ tại 2 trạm ở Đà Nẵng và Vũng Tàu. Trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, cả 5 tuyến cáp quang biển quốc tế này lần lượt gặp sự cố.
Trong đó, AAE-1 bị lỗi từ ngày 24/11 làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong.
Hai tuyến APG và AAG gặp sự cố vào tháng 12.2022 và tháng 1, tuyến IA gặp lỗi cuối tháng 1, trong khi SMW-3 là tháng 2 (tuyến này đã được khắc phục sau khi xảy ra sự cố).
Tình huống hi hữu này gây những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ.
Một số biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác
Liên quan đến việc chuẩn hoá thông tin thuê bao di động, tính đến hết ngày 4/5, Cục Viễn thông cho biết, vẫn còn hơn 1 triệu thuê bao bị khoá 2 chiều do chưa chuẩn hoá thông tin thuê bao di động. Sau ngày 15/5 tới, các thuê bao này không chuẩn hoá thông tin sẽ bị các doanh nghiệp viễn thông thu hồi theo quy định.
Về cuộc gọi rác, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, vấn đề này vẫn xảy ra. Vì vậy, Cục Viễn thông tiếp tục triển khai mạnh mẽ, kiên quyết một số biện pháp trong thời gian tới, gồm: Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tiếp tục triển khai chuẩn hoá thông tin thuê bao, xử lý tình trạng sim thuê bao không xác định thông tin, thuê bao rác; tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng như Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra, xử lý các trạm BTS giả;
Sẽ đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và xây dựng triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn các cuộc gọi rác; cung cấp cho người sử dụng công cụ và cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn các cuộc gọi rác, lừa đảo từ những thiết bị hiện đại;
Ngăn chặn và xử lý vi phạm cuộc gọi điện quảng cáo…, kiểm tra, thu hồi các thiết bị thực hiện các cuộc gọi rác; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với các cuộc gọi rác.