Giới công nghệ và đầu tư đang xôn xao khi một mạng xã hội mới (sau Hahalolo) tiếp tục ra mắt dành cho giới trẻ. Được biết, mạng xã hội này sẽ do CTCP Công nghệ Gapo triển khai.
Theo ông Hà Trung Kiên-CEO của Gapo thì mạng xã hội này hướng đến mục tiêu trở thành đối thủ của Facebook ở Việt Nam với 3 triệu người dùng vào đầu năm 2020 và 50 triệu người dùng vào cuối năm 2021.
Một thông tin quan trọng khác là dù còn non trẻ, nhưng mạng xã hội “tân binh” này sẽ nhận khoản đầu tư góp vốn 500 tỷ đồng từ G-Capital – một “mắt xích” thuộc G-Group.
Tìm hiểu được biết, CTCP Công nghệ Gapo được thành lập vào ngày 17/6/2019 với địa chỉ trụ sở nằm tại 108C, tầng 1, tòa nhà N01C Golden Land, 275 Nguyễn Trãi, Phường Thanh Xuân, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là xuất bản phần mềm (loại trừ xuất bản phẩm).
CTCP Công nghệ Gapo có vốn điều lệ 10 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông, gồm: CTCP Tập đoàn G (G Group) 35%, CTCP Giải pháp Công nghệ Cao Việt SIFO 35% và ông Hà Trung Kiên (30%).
Dù vậy, với việc Gapo nhận hỗ trợ 500 tỷ đồng từ quỹ G - Capital thuộc Tập đoàn G, có thể hiểu rằng sự chi phối của tập đoàn này không thể dừng lại mức vốn góp 35%.
Đó là chưa kể, cổ đông sáng lập – Tổng Giám đốc Gapo, ông Hà Trung Kiên, cũng đang kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc CTCP Thanh toán G (G-pay).
G-pay là một thành viên trong hệ sinh thái 8 thành viên của G Group bao gồm: F88, Tima, G-pay, Ginnovations, BEATVN, GameTV, VSEC, G-Capital.
Như vậy, bên cạnh các nền tảng giải trí hiện hữu là Beatvn, Game TV, cùng lượng “người dùng” đông đảo sẵn có, G – Group có lý do để kỳ vọng vào sự phát triển của Gapo dù mạng xã hội này mới chỉ “chân ướt, chân ráo” so với các “đàn anh” Facebook, Instagram,…
G Group tiền thân là CTCP Tập đoàn GPLAY, thành lập ngày 8/1/2016, hoạt động chính trong mảng sản xuất đồ chơi, trò chơi. Trụ sở nằm tại P 207-01, tầng M, toà nhà N01A-Golden Land, 275 Nguyễn Trãi - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội.
G Group có vốn điều lệ thời điểm ban đầu đạt 30 tỷ đồng, trong đó ông Phùng Anh Tuấn đóng góp 87% vốn. Đến ngày 23/8/2018, ông Tuấn thoái hết vốn khỏi công ty nhưng vẫn giữ vị trí chủ tịch còn ông Phùng Anh Tú, em trai ông Tuấn là Tổng giám đốc Tập đoàn. Đây cũng là thời điểm tập đoàn tăng vốn gấp đôi lên 60 tỷ đồng.
Ông Tuấn và G Group được biết tới với các thương vụ đình đám như thương vụ MeKong Capital (quỹ đã đầu tư rất thành công vào Thế giới di động) rót vốn vào hệ thống cầm đồ kiểu mới thuộc CTCP Kinh doanh F88 (F88) hồi tháng 4/2017.
F88, hay nói cụ thể hơn là CTCP Kinh doanh F88 thành lập ngày 30/6/2016, đóng trụ sở tại Phòng 206, tầng M, tòa nhà N01A, số 275 Nguyễn Trãi - phường Thanh Xuân Trung - quận Thanh Xuân - Hà Nội. Vốn điều lệ công ty 211,2 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/06/2019, F88 đang đang dẫn đầu thị trường. Theo ông Chris Freund - CEO Mekong Capital thì tốc độ tăng trưởng năm qua của hệ thống F88 đạt 300%.
Số lượng phòng giao dịch trên toàn quốc đã lên tới 84 tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Năm 2018, F88 đã giải ngân lũy kế 873 tỉ đồng và dự kiến năm 2019 là 1.837 tỉ đồng, tăng thêm gần 1.000 tỉ đồng.
Hiện tại, ông Tuấn cũng đang là Chủ sở hữu/Người đại diện theo pháp luật cả CTCP Kinh doanh F88 và CTCP Đầu tư F88.
Một số nhận định cho rằng Gapo có thể là thành viên thứ 9 trong hệ sinh thái của G Group.
Khoảng 19h30 hơn ngày 23/7, nhiều người dùng mạng xã hội Gapo cho biết, việc truy cập vào mạng xã hội này gặp vấn đề. Cùng lúc đó, họ nhận được thông báo về việc Gapo đang gặp phải tình trạng bị gián đoạn dịch vụ. Theo thông báo này, nguyên nhân của việc gián đoạn là do hệ thống của Gapo bị quá tải.
Gapo là một mạng xã hội hoàn toàn mới và được phát triển bởi người Việt Nam. Đây là một trong số nhiều mạng xã hội Made in Vietnam sẽ ra mắt từ nay cho đến hết năm 2019. Ngoài những tính năng tương tác cơ bản như kết bạn, giao lưu trò chuyện, mạng xã hội, đăng bài,…, Gapo sẽ hướng đến tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.
Giao diện trang cá nhân sẽ được tự thiết kế theo phong cách riêng với những hình nền, màu sắc tùy biến, tùy vào người dùng. Gapo cũng giới thiệu, trong giai đoạn sau, người dùng còn được sử dụng thêm video, âm nhạc hoặc thậm chí là các dạng hình ảnh tương tác khác trong trang cá nhân.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)